Mua sắm dịp Giáng sinh: Châu Âu dè sẻn, châu Á rộng hầu bao
Cuối tuần sau đã đến Giáng sinh. Nếu như mọi năm vào dịp này người dân các nước phương Tây sẽ tấp nập đi mua sắm, thế nhưng dường như không khí mua sắm sôi động cuối năm chỉ diễn ra ở một số quốc gia không bị khủng hoảng kinh tế và nợ công đe dọa.
Châu Âu thắt lưng buộc bụng
Nhiều gia đình ở Pháp đã buộc phải giảm bớt mức chi tiêu dịp cuối năm do mặt hàng sinh hoạt và tiêu dùng tại Pháp vào dịp cuối năm nay tăng cao so với mức thu nhập của nhiều người dân. Hơn nữa, giá xăng dầu, chất đốt, điện, nước đều tăng hơn nhiều so với trước nên người Pháp buộc phải chi tiêu dè sẻn hơn.
Tại Ireland, quốc gia bị “bóng ma khủng hoảng nợ công” ám ảnh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người dân Ireland đang hết sức lo lắng về một tương lai khó khăn đang chờ đón họ trong năm mới khi Bộ trưởng Tài chính Ireland Brian Lenihan trình ngân sách khắc khổ lên Quốc hội. Khung cảnh tương tự cũng diễn ra tại Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.
Tại Đức, quốc gia châu Âu hồi phục nhanh nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính, người tiêu dùng đã sẵn sàng để mua sắm nhiều hơn một chút cho các món quà Giáng sinh năm nay. Theo khảo sát của Công ty Tư vấn Deloitte, người Đức có kế hoạch chi tiêu trung bình 300 EUR tiền quà Giáng sinh, tăng 1,3% so với năm ngoái.
Tại Anh, hơn 1 triệu người dân đổ về trung tâm thủ đô London để mua sắm. Doanh thu tại các cửa hàng tăng 10%. Theo thống kê, mỗi người đến đây chi trung bình 200-300 bảng vào dịp cuối năm, so với con số 120 bảng thời gian này năm ngoái. Các khách hàng Anh bị hấp dẫn bởi hàng loạt cơ hội giảm giá mà các nhà bán lẻ tung ra trong dịp này nên họ phải tranh thủ mua nhanh.
Điều đáng chú ý tại Florida của Mỹ là không giống mọi năm, thay vì đổ xô đến các trung tâm để sắm sửa quần áo và hàng điện tử, năm nay du khách nước ngoài lại đổ dồn đến các công ty bất động sản để mua nhà hoặc các căn hộ với giá khá rẻ. Đa số họ là dân châu Âu và Mỹ Latinh. Những căn hộ nằm ở gần bãi biển miền Nam được bán với giá từ 70.000 - 100.000 USD, thậm chí có nơi chỉ có 50.000 USD.
Giá nhà ở thành phố Miami, thủ phủ bang Florida đã giảm gần một nửa (47%) khi bong bóng bất động sản nổ tung vào năm 2006. Một nhân viên bất động sản tên là Michelle Iglesias nói với AFP rằng đây là cơ hội mua nhà tốt nhất. Còn các khách hàng cho rằng họ đầu tư vào nhà cửa ở Mỹ lợi hơn là để tiền trong ngân hàng.
Châu Á mở rộng hầu bao
Năm nay nền kinh tế châu Á được đánh giá có mức tăng trưởng cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới nên người dân không có lý do gì để thắt chặt hầu bao. Cứ vào dịp Giáng sinh, chính dân châu Á là những người chi tiêu mạnh tay nhất so với người dân ở các châu lục khác. Các cửa hàng, cửa hiệu tha hồ kiếm lời trong dịp này.
Australia, quốc gia thuộc châu Á-Thái Bình Dương, đã bắt đầu không khí nhộn nhịp mua sắm đón Giáng sinh từ cuối tháng 11. Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, người dân Australia đã chi 1,7 tỷ USD để mua sắm hàng điện tử trong mùa Giáng sinh năm ngoái và con số này sẽ tăng lên trong năm nay.
Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia không khí tưng bừng mua sắm đón chào dịp lễ hội cuối năm cũng đang diễn ra rất nhộn nhịp. Các con phố mua sắm chính tại các thành phố lớn ở nhiều nước châu Á luôn chật ních người qua lại.
Nếu dịp lễ hội là thời điểm người dân châu Âu và Mỹ đua nhau sắm sửa thì đây cũng là cơ hội cho các nền kinh tế mạnh về xuất khẩu của châu Á hưởng lợi. Đa phần các sản phẩm người dân châu Âu và Mỹ săn lùng trong dịp cuối năm nay là các mặt hàng điện tử và viễn thông và trong số đó có rất nhiều nhãn hiệu của châu Á.
Các chuyến bay, tàu vận chuyển hàng từ Trung Quốc, đặc khu kinh tế Hồng Công, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản liên tục hoạt động với công suất tối đa. Lãnh thổ Đài Loan đã có mức xuất khẩu tăng đến 21,8% trong tháng 11.
Thanh Hằng tổng hợp
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|