Vẫn đầu tư 3.500 tỷ đồng từ ngân sách cho Petro Vietnam
Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011 tại phiên họp sáng nay (15/11).
|
13 vị đại biểu không tán thành với phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011. |
Mặc dù, kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, trên 50% ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (200/398 phiếu) không đồng ý, song số tiền 3.500 tỷ đầu đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) vẫn được quyết tại nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011, vừa được Quốc hội thông qua sáng nay.
Theo nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương năm 2011 là 398.679 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 206.321 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2011 là 519.279 tỷ đồng, bao gồm cả 126.208 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
Nghị quyết cũng nêu rõ, thời kỳ ổn định ngân sách địa phương là 5 năm, từ năm ngân sách 2011 đến hết năm ngân sách 2015.
Mới chỉ bằng 50%
Đầu tư trở lại cho tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nói chung và Petro Vietnam nói riêng luôn là vấn đề có ý kiến trái chiều khi quyết định phân bổ ngân sách.
Tại kỳ họp này, bên cạnh đa số các vị đại biểu không đồng ý chi 3.500 tỷ đồng cho Petro Vietnam, có ý kiến đề nghị bố trí 3.000 tỷ đồng; ý kiến khác đề nghị chỉ bố trí 1.500 tỷ đồng, còn 2.000 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước và yêu cầu báo cáo danh mục, hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn này.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đầu tư và để lại cho Petro Vietnam là thực hiện chiến lược phát triển mạnh ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Bộ Chính trị.
Theo đó, tập đoàn được để lại ít nhất 50% lợi nhuận từ phần chia cho nước chủ nhà trong Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm. Petro Vietnam được chủ động sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển ngành công nghiệp, kinh doanh dầu khí; quy trình, thủ tục đầu tư áp dụng theo quy định của pháp luật đầu tư.
Trong năm 2011, do khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế. Việc chi để lại cho Petro Vietnam 3.500 tỷ đồng chỉ bằng khoảng 50% so với mức cần đầu tư trở lại (50% để lại theo quy định vào khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án, công trình đang trong quá trình triển khai thực hiện, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị Quốc hội chấp thuận cho việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Petro Vietnam như đề nghị của Chính phủ. Song đề nghị Chính phủ báo cáo một số nội dung theo yêu cầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 9, sau đó mới quyết định chi cụ thể.
Để quản lý sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và tập đoàn báo cáo Quốc hội danh mục, tổng mức và hiệu quả đầu tư đối với từng dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này trong những năm qua. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Petro Vietnam nhằm bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và đúng pháp luật.
“Nhà giàu” không được hỗ trợ
Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua phiếu xin ý kiến, có đại biểu đề nghị xem xét lại việc hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn số tiền 500 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là các địa phương kinh tế phát triển, có điều tiết nguồn thu về ngân sách Trung ương, đã được xem xét ưu tiên phân bổ ngân sách thông qua tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên, chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước và áp dụng một số cơ chế tạo động lực cho các địa phương này. Việc bố trí tăng thêm 500 tỷ đồng cho các địa phương không tạo thêm nhiều nguồn lực tài chính và không có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của 13 địa phương này.
Mặt khác, cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011 rất khó khăn, nhu cầu vốn đầu tư để giải quyết các vấn đề bức xúc trong công tác xóa đói, giảm nghèo còn thiếu. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, đề nghị sử dụng 500 tỷ đồng này để hỗ trợ đầu tư làm nhà ở cho người nghèo ở những vùng của các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, báo cáo nêu rõ.
Ưu tiên điều chỉnh tiền lương
Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ một số đề nghị với Chính phủ trong phân giao ngân sách Nhà nước năm 2011.
Như, chỉ đạo các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương rà soát danh mục các dự án đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư và bố trí tập trung để xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên bố trí hoàn trả vốn ngân sách ứng trước, vốn cho các dự án chuyển tiếp có hiệu quả để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Về hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình cấp bách của địa phương: ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần vốn đầu tư tập trung chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian không quá 2 năm đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan lãnh đạo cao nhất.
Quốc hội cũng yêu cầu chủ động sắp xếp chi thường xuyên trên tinh thần triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí; ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương.
Minh Thúy
TBKTVN
|