Trung Quốc ban hành 16 biện pháp kiểm soát giá cả
Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 20-11 ban hành thông tư yêu cầu các địa phương và ban ngành liên quan thực hiện 16 biện pháp ổn định giá cả thị trường, bảo vệ thiết thực đời sống cơ bản của người dân, duy trì sự ổn định và hài hòa xã hội.
Thông tư yêu cầu chính quyền các địa phương dùng các biện pháp hành chính cần thiết để bình ổn giá. Từ việc sản xuất đến bán hàng… địa phương và ban ngành cần đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa để phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân như thực phẩm, nhiên liệu và các loại hàng hoá khác. Ví dụ, để giảm chi phí phân phối nông sản, chính phủ quyết định từ ngày 1-12 sẽ miễn lệ phí cầu đường cho tất cả các xe vận chuyển nông sản. Ngoài ra, các địa phương sẽ căn cứ theo tình hình thực tế để phát trợ cấp cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Thông tư cũng yêu cầu các công ty dầu khí thông qua phương tiện kinh tế và công nghệ để cải thiện sản xuất, tăng sản lượng dầu diesel, đảm bảo nhu cầu của thị trường.
Sau khi thông tư được công bố, tập đoàn dầu khí Trung Quốc (Sinopec) tuyên bố ngoài Hồng Kông, Ma Cao và các đặc khu kinh tế, ngừng xuất khẩu dầu diesel để ưu tiên cung cấp dầu cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp dầu lớn của nhà nước khác cũng đã nhập 200.000 tấn dầu diesel.
Trước đó ngáy 19-11, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc công bố từ ngày 29-11 sẽ nâng tỷ lệ dự trữ vốn của ngân hàng lên 0,5 điểm phần trăm. Đây là lần thứ 5 trong năm nay, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ vốn ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ dự trữ vốn ngân hàng sẽ tăng đến 18,5%, cao nhất kể từ năm 1985 đến nay.
Thị trường luôn dự đoán Trung Quốc sẽ thắt chặt tiền tệ trong tương lai gần nhưng giới tài chính cho rằng động thái này chủ yếu để kiểm soát việc cho vay của các ngân hàng thương mại, kiểm soát lạm phát chỉ là mục tiêu gián tiếp. Ngoài ra, muốn giải quyết vấn đề lạm phát một cách cơ bản, Trung Quốc cần phải tăng lãi suất.
Phúc Minh
TBKTSG
|