Trái phiếu doanh nghiệp vào mùa “ế”
Khác với giai đoạn cuối năm 2009, nhiều doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu và thu về nguồn vốn lớn. Trong những tháng cuối năm 2010, nhiều doanh nghiệp đã không thể phát hành thành công và thậm chí hủy các đợt phát hành.
Vào ngày 28-10 vừa qua, Công ty cổ phần Licogi 16 (LCG) đã thông báo hủy phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi theo như kế hoạch phát hành đã đề ra trong đại hội cổ đông trước đó.
Kế hoạch phát hành nhằm thu hút vốn phục vụ cho các dự án xây dựng trong 2 năm tới. Theo ông Hoàng Minh Khai, Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc thì trong thời điểm thị trường chứng khoán không lạc quan như hiện nay thì việc phát hành trái phiếu có khả năng không thành công vì vậy công ty tính chuyện hủy phát hành. “Trước đây, khi đưa ra phương án phát hành là để không phải vay vốn từ ngân hàng nhưng hiện tại thì việc vay vốn từ các nguồn khác là khả thi hơn và tiến độ các dự án sẽ tiến hành bình thường".
Trong khi đó, công ty Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) đã có 2 lần dự định phát hành trái phiếu chuyển đổi, trong đó 1 lần vào tháng 7 này, nhưng sau đó, hội đồng quản trị công bố hủy do lo ngại không khả thi. Đến đầu tháng 10 vừa qua, công ty lại xin ý kiến cổ đông để phát hành trái phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị khoảng 350 tỉ đồng để hút vốn cho dự án xây dựng nhà máy bauxite ở Cao Bằng.
Tuy vậy, theo ông Kiều Công Hoạt, Phó Tổng giám đốc công ty thì cổ đông đã không đồng ý thông qua phương án này vì cho rằng quy mô công ty không lớn, thị trường chứng khoán lại đang ảm đạm nên sẽ rất khó để thành công nếu phát hành. Vì vậy, mục đích huy động vốn qua trái phiếu của KSS đã không thể thực hiện được. Hiện tại công ty đang tìm cách thu hút khác để có thể có đủ vốn cho dự án trên.
Công ty vận tải xăng dầu Vipco (VIP) đã phát hành 100 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất năm đầu là 14,5%/năm, lãi suất cho các năm còn lại bằng lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước cộng với biên độ 3,5%. Tuy vậy VIP chỉ phân phối được 30% tổng lượng trái phiếu phát hành, tương đương với 30 tỉ đồng.cho 1 nhà đầu tư tổ chức trong nước còn lại thì không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.
Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng dự định phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá 1 triệu đồng, với lãi suất hấp dẫn, 10,5% trong 13 tháng (tỷ lệ chuyển đổi là 1 trái phiếu lấy 110,5 cổ phiếu), chào bán cho các cổ đông hiện hữu. Nhưng rồi đã hủy kế hoạch sau nhiều lần tạm hoãn.
Trong bối cảnh vay vốn ngân hàng không dễ, lãi suất cao, và có khi doanh nghiệp đã không còn đủ điều kiện để vay nữa thì thường tìm đến trái phiếu, cổ phiếu như một kênh huy động khác để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, theo Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, trong thời gian này, khi thị trường chứng khoán đang dư 1 lượng cung khá lớn, tổng lượng cổ phiếu phát hành và niêm yết mới từ nay đến cuối năm có thể lên đến 1,2 tỉ đơn vị, trong khi đó, thanh khoản thị trường ngày càng sụt giảm mạnh thì khó còn chỗ cho trái phiếu. “Chỉ những công ty lớn, làm ăn ổn định, có lợi nhuận cao thì mới có thể phát hành trái phiếu trong bối cảnh thị trường đang xấu như lúc này”, vị này nói thêm.
Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, đại học Ngân hàng TPHCM cho biết việc cho phép doanh nghiệp phát hành ồ ạt trái phiếu và cổ phiếu trong thời gian qua đã không có sự giám sát từ cơ quan chức năng, vì vậy, để xảy ra tình trạng nhiều công ty dùng vốn không đúng mục đích, hoặc phương án phát hành không khả thi, gây ảnh hưởng đến cổ đông. “Doanh nghiệp nên cân nhắc khi vay vốn từ cổ đông với lãi suất cao như hiện nay, vì khi không trả được nợ thì chẳng những uy tính công ty bị ảnh hưởng mà khả năng phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Dương nhấn mạnh.
Thanh Thương
tbktsg
|