Bế mạc hội nghị APEC:
Thúc đẩy thành lập vùng tự do thương mại
Ngày 14.11 tại Yokohama, Nhật Bản, 21 lãnh đạo các thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tuyên bố theo đuổi một chiến lược nhấn mạnh năm yếu tố: cân bằng, toàn diện, bền vững, cải tiến và an toàn, đi đến xây dựng một vùng tự do thương mại trong năm năm tới.
Thực tế hoá thoả thuận về vùng thương mại tự do
“Chúng tôi đồng ý đây là lúc APEC chuyển Thỏa thuận vùng thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) từ khát vọng thành các bước thực tế hơn. Chúng tôi chỉ thị cho APEC đưa ra những bước cụ thể nhằm công nhận FTAAP, đó là một công cụ chính để tiến tới một nghị trình hợp tác kinh tế trong vùng tiến xa hơn”. Đây là thỏa thuận trong thông cáo chung mang tên “Tầm nhìn Yokohama” đưa ra trong ngày bế mạc hội nghị thượng đỉnh APEC tại Yokohama, Nhật Bản.
Để đi đến một FTAAP, các bên cam kết nỗ lực làm việc dựa trên thỏa thuận Đối tác liên Thái Bình Dương (TPP). TPP bắt đầu với bốn thành viên Brunei, Chile, New Zealand và Singapore, hiện thêm năm thành viên mới đang thương lượng tham dự gồm Úc, Malaysia, Peru, Mỹ và Việt Nam.
Các nước tham dự cũng cam kết tiến tới một hệ thống tỉ giá hối đoái theo cơ chế thị trường. Các bên sẽ tăng cường sự linh động của tỉ giá nhằm phản ảnh những cơ sở nền tảng của kinh tế và sẽ giới hạn việc hạ giá đồng nội tệ một cách cạnh tranh.
Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng hội nghị APEC vẫn thiếu một mục tiêu cụ thể để đạt được mục đích đề ra.
Cam kết mở cửa thị trường
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều hứa sẽ mở cửa nền kinh tế thông thoáng hơn, trong khi Mỹ cho rằng kinh tế toàn cầu chỉ có thể hồi phục nếu từng nền kinh tế phải tăng nhu cầu nội địa và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Mỹ.
Cả trước và sau chuyến công du châu Á, tiếp cận các thị trường năng động và tham dự hai hội nghị thượng đỉnh (APEC và G-20), Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn khẳng định ý định của Mỹ là sẽ thâm nhập thị trường mới để gia tăng bán hàng của Mỹ. Ông cho rằng tăng xuất khẩu là con đường đúng đắn nhất giúp Mỹ hồi phục sau khủng hoảng và giảm mức độ thất nghiệp trong nước. Ông muốn Mỹ không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn mà còn là nhà cung cấp hàng hóa cao cấp cho số lượng người tiêu dùng trung lưu với mức thu nhập gia tăng đang lớn mạnh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo đồng ý rằng châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, chiếm 50% kinh tế toàn cầu và 45% tổng giao dịch thương mại toàn cầu, đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, đe dọa tiến trình phục hồi này, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng bảo hộ thương mại đang gia tăng.
Mặc dù các lãnh đạo đã cam kết đưa ra những kế hoạch mới nhằm xây dựng một khu vực tự do thương mại, tuy nhiên những chia rẽ sâu sắc giữa những nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn là rào cản cho sự liên kết giữa các thành viên. Trung Quốc và Mỹ vẫn bất đồng về chính sách đối với tiền tệ của cả hai. Đây là chuyện được lãnh đạo hai nước bàn cãi từ hội nghị thượng đỉnh G-20 kéo sang APEC.
Trong khi đó, dù bên lề hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc gặp song phương với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, nhưng cả ba vẫn chưa đạt được một sự đồng thuận nào đáng chú ý. Trong khi đó, bên ngoài khu vực tổ chức hội nghị, hàng ngàn người Nhật Bản giương cờ phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư).
Kim Dung (tổng hợp)
Sài Gòn Tiếp thị
|