Khai thác đất hiếm sẽ hiệu quả
Nhận định của ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội, về dự án khai thác đất hiếm tại VN, có thể triển khai trong năm nay.
Thưa ông, việc hợp tác khai thác đất hiếm giữa VN và Nhật Bản sẽ triển khai ra sao sau khi trong chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Naoto Kan, chúng ta đã quyết định chọn Nhật Bản làm đối tác?
Ông Nghiêm Vũ Khải: Hai nước hợp tác thu nguồn nguyên tố đất hiếm để sử dụng cho hai bên. Phía Nhật Bản là chính, số còn lại sẽ xuất khẩu và chia lợi ích theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Đất hiếm mang lại giá trị tuyệt đối về kinh tế bao nhiêu thì chưa tính toán được vì còn phụ thuộc vào quy mô khai thác nhưng với trữ lượng hiện có thì tiềm năng kinh tế khai thác đất hiếm là lớn. Thỏa thuận chính trị là một vấn đề song đi vào dự án hợp tác cụ thể phải thỏa đáng, hai bên cùng có lợi.
. Đã có công ty nào của Nhật Bản sang VN tìm hiểu về đất hiếm và mô hình hợp tác sẽ thế nào?
- Nhu cầu hiện nay của phía Nhật Bản là cấp bách và một số công ty của họ như Toyota Tsusho, Sojitz đã sang tìm hiểu; một số tập đoàn lớn khác cũng sẽ sang.
Sau thỏa thuận hợp tác hạt nhân, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản thành lập một tập đoàn về điện hạt nhân với tên gọi Công ty Cổ phần Năng lượng nguyên tử quốc tế (gồm 6 tập đoàn lớn, trong đó có 3 công ty chế tạo lò phản ứng hạt nhân nguyên tử là Toshiba, Hitachi và Mitsubishi...) để hợp tác với VN xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Một công ty tương tự cũng được lập để làm sao đủ năng lực khai thác đất hiếm.
. Việc khai thác bauxite đang có ý kiến khác nhau về hiệu quả kinh tế, còn đối với đất hiếm thì sao?
- Đương nhiên đất hiếm là một loại khoáng sản có giá trị rất cao nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc khai thác kiểu gì cũng có lãi, vì vậy phải tính kỹ.
. Khai thác đất hiếm có cần đòi hỏi vốn và công nghệ phức tạp như khai thác bauxite không?
- Phức tạp hơn nhiều. Đất hiếm là một loại tài nguyên rất có giá trị nhưng không phải đào bới như khai thác bauxite và sản lượng quy ra tấn mà có thể chỉ tính bằng gam. Việc khai thác chỉ là công nghệ khai thác hầm lò nhưng việc xử lý phải sử dụng công nghệ cao vì hàm lượng quặng rất thấp nên cần phải tuyển và luyện rất kỹ.
VN giàu trữ lượng đất hiếm
Trữ lượng đất hiếm của VN đứng trong tốp 5 hoặc tốp 3 của thế giới với tổng trữ lượng thăm dò hiện nay khoảng 22 triệu tấn quặng. Đây là nguyên tố chiến lược của ngành công nghệ cao. Đất hiếm của VN chủ yếu tập trung ở 3 vùng: Tam Đường (Lai Châu), Bát Xát (Lào Cai) và Tiên Phú (Yên Bái). Với phân bố như vậy, nếu tổ chức khai thác sẽ tương đối hiệu quả. Hiện VN chưa có dự án khai thác đất hiếm, mới chỉ có một số công ty được quyền thăm dò ở vùng Đông Pao và Nậm Xe ở tỉnh Lai Châu. UBND tỉnh Lai Châu cũng đã đề nghị khai thác nhưng Chính phủ chưa cho phép. |
. Khai thác đất hiếm tác động tới môi trường như khai thác bauxite?
- Nói chung, khai thác khoáng sản luôn luôn ảnh hưởng tới môi trường. Đi kèm đất hiếm bao giờ cũng có những loại chất có thể gây hại cho môi trường, thậm chí có thể nặng nề hơn so với chất đi kèm theo bauxite. Tuy nhiên, cần nhìn nhận là các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đi đầu trong bảo vệ môi trường.
. Xét về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường thì khai thác bauxite hay đất hiếm có lợi hơn?
- Bauxite có sản lượng và quy mô khai thác rất lớn, còn đất hiếm thì không phải phân bố trên toàn diện tích như bauxite mà chỉ ở một điểm tập trung. Quy mô và sản lượng khai thác đất hiếm không lớn nhưng tôi tin khai thác đất hiếm sẽ có hiệu quả kinh tế. Các công ty Nhật Bản sang VN hợp tác đều là những công ty uy tín.
. Vì sao chúng ta không để đất hiếm lại cho con cháu mà khai thác vào lúc này?
- Do nhu cầu phát triển kinh tế và xét thấy thời điểm nào thì cần phải khai thác, sử dụng. Nếu chúng ta khai thác hợp lý, hiệu quả lúc này thì cũng là vì sự phát triển của tương lai. Tài nguyên dù là chiến lược đi nữa nhưng cũng cần phải phục vụ sự phát triển của đất nước. Việc điều tra, thăm dò đất hiếm có thể triển khai ngay trong năm nay và đến năm 2015 sẽ có sản phẩm.
Phạm Dương ghi
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|