Giải quyết vấn đề điện lực: Chưa thấy giải pháp căn cơ !
Đây là ý kiến của đại biểu Phạm Thị Loan - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Việt Á khi nói về chất lượng trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với vấn đề điện lực.
- Là Đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là chủ DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, bà đánh giá như thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với câu hỏi mà bà nêu ra cũng như của các đại biểu khác xung quanh vấn đề điện lực ?
Cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn chung chung, vòng vo, chưa đi vào các giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, liên quan đến giải pháp về huy động vốn cho Tập đoàn Điện lực VN trong thời gian tới mà Bộ trưởng đưa ra chưa toát lên được tính căn cơ. Huy động vốn không chỉ các nguồn lực nhà nước, của các tổ chức, DN trong và ngoài nước mà còn cả nguồn lực trong nhân dân. Phương thức huy động vốn như thế nào để thu hút được mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành điện theo đúng quy hoạch sơ đồ 6 cũng chưa rõ.
- Theo trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương nếu chúng ta giải quyết cơ chế giá điện theo nguyên tắc thị trường sẽ góp phần làm cho tỷ suất lợi nhuận của ngành điện cao hơn, qua đó tích lũy của ngành điện sẽ khá hơn, từ đó có thể huy động thêm cho việc đầu tư của ngành điện, như vậy nhiều khả năng giá điện sẽ tăng trong thời gian tới ?
Nói một cách công bằng, hiện nay giá điện chưa bù đắp được chi phí sản xuất và có thể tích lũy cho ngành điện. Nói cách khác là không có lãi để tái đầu tư. Vì vậy tôi nghĩ giải quyết cơ chế giá điện theo nguyên tắc thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi còn có những hạn chế nên khi xây dựng cơ chế giá cần phải giải bài toán chính sách xã hội trước. Nếu theo cơ chế thị trường hoàn toàn thì người nghèo khó có điều kiện sử dụng điện. Vì vậy. theo tôi, cần đưa ra một mức giá và chia ra nhiều thang bậc hợp lý. Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng theo cơ chế thị trường thì cũng cần đưa ra được lộ trình cụ thể để các DN, các đơn vị tiêu thụ nhiều điện năng có kế hoạch sử dụng hiệu quả.
- Trong rất nhiều nguyên nhân mà Bộ trưởng Bộ Công Thương đề cập dường như không thấy nhắc đến vai trò yếu kém trong công tác quản lý, điều hành hay nói một cách khác là vấn đề “con người” dẫn đến việc các dự án điện không phát triển theo đúng quy hoạch. Bà nhận định như thế nào ?
Bên cạnh nguồn vốn, thiết bị và rất nhiều yếu tố khác thì năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu có vai trò không nhỏ trong việc đảm bảo tiến độ của các dự án. Và việc chậm tiến độ các dự án điện vừa qua không thể không nói đến vai trò của những người quản lý, điều hành. Nếu như trong thời gian tới không giải quyết triệt để vấn đề này thì khó có thể đảm bảo tiến độ của các dự án. Cần phải có cơ chế thưởng phạt rõ ràng đối với những người trực tiếp điều hành quản lý các dự án.
- Trả lời câu hỏi của bà về vấn đề các nhà thầu EPC tham gia các nhà máy điện của VN, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương chưa có một thông tin chính thức nào nói rằng các nhà thầu này đưa công nghệ lạc hậu vào VN ? Quan điểm của bà như thế nào ?
Vấn đề này, nếu như đến bây giờ mà Bộ trưởng vẫn còn chưa thấy được việc các nhà thầu Trung Quốc đưa các công nghệ lạc hậu vào hay không, việc đó cũng cần phải xem lại. Phản ánh của dư luận về vấn đề này cũng đã nhiều. Nếu như các dây chuyền thiết bị tốt, nhà thầu chuyên nghiệp thì liệu có quá nhiều nhà máy nhiệt điện đồng loạt chậm tiến độ như thời gian vừa qua không ?
Tôi cho rằng cần phải có quy định cụ thể để sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng trong nước sản xuất được. Chẳng hạn như về than, trong nước sản xuất được than cám 5 thì họ lại lấy than cám 3 như vậy rõ ràng nhà thầu đã đưa công nghệ không sử dụng được than trong nước. Đó là chưa kể có những phụ kiện nhỏ mà họ không cung ứng thì mình cũng không thể mua được ở trong nước gây khó khăn khi thay thế sửa chữa.
Nếu như Luật đấu thầu có những hạn chế, những vướng mắc thì tôi thấy cần có kiến nghị để sửa Luật đấu thầu, làm thế nào đó để chúng ta mua được những cái mà chúng ta mong muốn mua.
- Xin cảm ơn bà.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng :
Các nhóm giải pháp mà Chính phủ đang chỉ đạo: Một là bản thân ngành điện bằng các nỗ lực, bằng khả năng của mình trước hết phải tự thu xếp các nguồn vốn. Tiếp cận với các nhà cho vay ở ngoài nước, các ngân hàng trong nước để thu xếp nguồn vốn cần thiết. Muốn có được nguồn vốn này thì bản thân ngành điện cũng phải có tích lũy. Thứ hai, Chính phủ cũng đã chỉ đạo và qua đàm phán với một số nhà tài trợ nước ngoài cũng xem xét để dành một phần các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi cho ngành điện, ví dụ của Nhật Bản, của Trung Quốc. Thực tế vừa qua các nước đó cũng dành cho chúng ta một phần, chẳng hạn Nhật Bản thì dành cho nhà máy nhiệt điện Ô Môn, nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Trung Quốc cũng cấp tín dụng cấp ưu đãi cho một số nhà máy nhiệt điện. Thứ ba, ngành điện đang đề xuất với Chính phủ cho phép xem xét phát hành trái phiếu quốc tế để thu hút vốn từ bên ngoài. |
Phan Nam thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp
|