Việt - Lào mở thêm hướng thông thương
Sẽ có thêm một hướng thông thương hiệu quả giữa Việt Nam và Lào sau khi 200 km Quốc lộ 217 được đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Trương Tấn Viên tại Văn bản số 5621/BGTVT – KHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 vào đầu tuần qua.
Nằm trong Dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng (GMS) phía Bắc lần thứ 2 do ADB tài trợ, Dự án Nâng cấp Quốc lộ 217 có chiều dài 194 km do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Toàn bộ tuyến đường thuộc Dự án nằm trọn trong địa phận tỉnh Thanh Hóa, với điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 1 tại thị trấn Đò Lèn, huyện Hà Trung và kết thúc tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thuộc địa phận huyện Quan Sơn.
Dự án có mục tiêu nâng cấp tuyến Quốc lộ 217 hiện đang ở cấp IV miền núi lên đường cấp III đồng bằng với bề rộng mặt đường 12 m, tốc độ thiết kế 60 km/h. Theo đề xuất của tư vấn lập Báo cáo F/S là Liên danh Dainichi – Denac – Lao Consulting Group và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Hà Nội, Dự án sẽ được thực hiện từ cuối năm nay đến năm 2015, với tổng mức đầu tư dự kiến là 205,47 triệu USD, trong đó 173,3 triệu USD là vốn vay ODA.
Theo ông Viên, Dự án nằm trong danh mục Chương trình dự án vay vốn ADB 2008 – 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó ADB cam kết khoản vay trị giá 70 triệu USD. “Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ADB đã thống nhất đưa Dự án này vào chương trình đàm phán trong tháng 10/2010”, ông Viên cho biết.
Không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho Thanh Hóa, Quốc lộ 217 còn mở ra khả năng thông thương tiện lợi và nhanh chóng với nước bạn Lào, đồng thời kết nối với đường xuyên Á, mở thêm một hướng ra biển cho các nước khu vực GMS.
Theo ông Hoàng Đình Phúc, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (đơn vị quản lý dự án), nếu được triển khai vào giữa năm 2011, Dự án sẽ mở ra một cơ hội việc làm tốt cho các DN xây dựng dân doanh. Được biết theo quy định của ADB, ngoài các DN dân doanh, các DN nhà nước Việt Nam chỉ được tham dự nếu thoả mãn các yêu cầu sau: độc lập về pháp lý và tài chính; hoạt động theo Luật DN; không phải là đơn vị thuộc Bộ GTVT hoặc thuộc UBND tỉnh có dự án; không phải là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
ADB sẽ bác bỏ đề nghị trao hợp đồng, huỷ bỏ phần vốn vay, hoặc quy định hình thức phạt cụ thể nếu bất cứ lúc nào nhà tài trợ này xác định được có các hành động tham nhũng, gian lận, thông đồng hay ép buộc liên quan đến quá trình tuyển chọn và thực hiện hợp đồng.
Với yêu cầu kỹ thuật không cao, Dự án thực sự là cơ hội tốt cho các DN nhỏ và vừa tham gia xây dựng, bởi ngoài việc nâng cao chất lượng các tuyến đường giao thông, ADB đặc biệt quan tâm đến mục tiêu phát triển nhà thầu tư nhân.
Kinh nghiệm từ Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh (bằng vốn ADB) đang triển khai ở 18 tỉnh phía Bắc và các Dự án Giao thông nông thôn 2 sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đã có nhiều nhà thầu có tên tuổi ở địa phương khởi nghiệp thành công từ các gói thầu quy mô nhỏ. Trong đó, ngoài cơ hội việc làm, những kinh nghiệm trong việc thực hiện bài thầu theo thông lệ quốc tế, cách xử lý các tình huống tại dự án ODA là rất có giá trị.
Anh Minh
Đầu tư
|