Trái phiếu lãi suất thả nổi: “Món ăn” mới cho nhà đầu tư
Trái phiếu lãi suất thả nổi là loại trái phiếu có lãi suất được thay đổi theo từng chu kỳ. Việc thay đổi lãi suất này do công ty phát hành quy định và được ghi rõ trên trái phiếu.
Chu kỳ điều chỉnh lãi suất có thể là 6 tháng, 1 năm, 1 năm rưỡi..., nhưng được thỏa thuận rõ ràng trên trái phiếu, trong khi đó lãi suất thay đổi như thế nào còn tùy thuộc vào những chỉ số trung bình trên thị trường vào thời điểm cụ thể.
Theo các chuyên gia tài chính, đây không phải là một sản phẩm quá xa lạ đối với thị trường tài chính, nhưng việc gần đây, nhiều DN đưa loại trái phiếu này ra thị trường đã tạo nên sự phong phú hơn trên “bàn tiệc” của các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh “món ăn” cổ phiếu đang ngày càng “khó tiêu” hơn.
Gần đây nhất, Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng trái phiếu DN.
Trái phiếu SDFC có kỳ hạn 3 năm, lãi suất năm đầu tiên cố định là 13,5%. Từ năm thứ 2 trở đi, lãi suất thả nổi được xác định bằng bình quân mức lãi suất bình quân của lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường, kỳ hạn 12 tháng bằng VND trả lãi cuối kỳ (do 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam công bố cộng thêm lãi biên là 2,75%/năm).
Ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), đơn vị tư vấn cho đợt phát hành này cho biết, trước khi tư vấn thành công đợt phát hành 500 tỷ trái phiếu SDFC, VPBS cũng đã tư vấn phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng VPBank. “Do đó, VPBS cũng đã có kinh nghiệm tư vấn việc thu xếp phát hành trái phiếu cho các tổ chức, doanh nghiệp lớn và các định chế tài chính”, ông Dũng nói.
Ngoài SDFC, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank – mã chứng khoán CTG) cũng sẽ thực hiện đợt phát hành trái phiếu thả nổi có trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng. Theo đó, trái phiếu CTG có kỳ hạn 2 năm với lãi suất năm đầu là 11,19% được trả vào ngày phát hành. Lãi suất năm sau thả nổi, được tính bằng mức bình quân lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm bằng VND trả sau, kỳ hạn 12 tháng công bố tại sở giao dịch hoặc chi nhánh Vietinbank tại Hà Nội, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Sở giao dịch), Ngân hàng Agribank (Sở giao dịch), Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Sở giao dịch 1) tại ngày xác định cộng biên độ 1,30%/năm và trả vào ngày đáo hạn.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhận xét, động thái của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua là khá tích cực và nhận thức của các doanh nghiệp về thị trường trái phiếu như một kênh huy động vốn đã được nâng lên.
“Trước đây, đối tượng phát hành trái phiếu chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)… Nhưng gần đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước khác hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản, xây dựng… và cả các công ty cổ phần lớn cũng phát hành trái phiếu, làm cho đối tượng phát hành trở nên phong phú hơn trước nhiều. Sự hiểu biết và khả năng tận dụng kênh huy động vốn thông qua trái phiếu đang diễn ra theo xu hướng tốt”, ông Quỳnh nhận định.
Theo một chuyên gia về tài chính, trái phiếu lãi suất thả nổi là một “cuộc chơi” ở trình độ cao hơn đối với tổ chức phát hành và doanh nghiệp. “Họ phải dự đoán chuẩn xác xu hướng thị trường và có năng lực kiểm soát tình hình tốt trước mọi biến động của thị trường”, vị chuyên gia này nói.
Trong khi đó, đối với nhà đầu tư mua trái phiếu, trái phiếu có lãi suất thả nổi sẽ tạo sự hấp dẫn hơn và khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn, bởi cho dù thị trường lãi suất biến động bất thường thì quyền lợi của họ cũng vẫn được đảm bảo.
Chí Tín
Đầu tư
|