Tạo đà giải ngân FDI
|
Các trường hợp chậm giải ngân thường rơi vào những dự án bất động sản có quy mô lớn. | Mức độ giải ngân trong khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TP.HCM đang tiến sát dự báo hồi đầu năm, song, nếu so với số vốn đã đăng ký thì chưa cao.
Tốc độ giải ngân nhiều nhất phải kể đến các dự án đang hoạt động tại Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA). Cụ thể, tính đến thời điểm này, với vốn đăng ký trên 2,8 tỷ USD/479 dự án (trung bình 4 - 5 triệu USD/dự án), mức giải ngân hiện đạt tỷ lệ khoảng 82%. Riêng từ đầu năm đến nay, con số này là 30% (cho phần vốn đăng ký mới).
Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng ban quản lý HEPZA cho biết, hầu hết dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào khu công nghiệp - khu chế xuất đều tiến hành triển khai và đưa vào hoạt động chậm nhất là trong vòng 1 năm sau đó.
Theo dự báo hồi đầu năm của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, số vốn giải ngân trong năm 2010 sẽ đạt 1,43 tỷ USD. Thời điểm này đã có 900 triệu USD được thực hiện, gần bằng số vốn triển khai trong cả năm 2009 (956 triệu USD). Như vậy, kỳ vọng cán đích chỉ tiêu cả năm rõ ràng không khó.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, ngoài việc tăng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành “rót” vốn để xây dựng dự án, trong đó có một số dự án lớn, như: Dự án Công viên Tri thức Việt - Nhật (do Công ty Phát triển Nguồn lực Việt - Nhật làm chủ đầu tư, đã chi 10,8 triệu USD trả tiền thuê đất và đang tiến hành triển khai hạ tầng dự án), hay Dự án Khu y tế kỹ thuật cao TP.HCM (quận Bình Tân, TP.HCM) do Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri-La (vốn gần 1 tỷ USD) đang triển khai hạng mục Bệnh viện BV4.
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong số 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép tại đây, đã có 3 dự án bước vào giai đoạn giải ngân. Trong đó, dự án xây dựng 2.220 căn hộ chung cư thuộc Khu dân cư 38,4 ha (phường Bình Khánh, quận 2) với số vốn 120 triệu USD do Công ty TNHH Đầu tư Daewon - Bình Khánh làm chủ đầu tư hiện đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế công trình… và đang tiến đến xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu.
Tuy có nhiều tín hiệu tốt cho việc giải ngân FDI, nhưng nếu nhìn vào lũy kế thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố từ trước đến nay, mức độ giải ngân lại chưa xứng tầm với một đô thị lớn như TP.HCM. Cụ thể, với 28,4 tỷ USD vốn đăng ký, vốn đi vào thực tế chỉ đạt 11,9 tỷ USD.
Ông Lư Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, các trường hợp chậm giải ngân thường rơi vào những dự án bất động sản có quy mô lớn cả về vốn lẫn diện tích đất. Trong khi đó, chi phí đền bù ngày một gia tăng. Hơn nữa, một “nút thắt muôn thuở” của TP.HCM nằm ở vấn đề hạ tầng không đuổi kịp tốc độ phát triển kinh tế. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng ùn tắc và ảnh hưởng đến tiến độ góp vốn đầu tư của doanh nghiệp. Đó là chưa kể những vướng mắc về thủ tục hành chính.
Để gỡ nút thắt trên, các đơn vị quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, như Sở Tài chính, Cục Thuế TP.HCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Hải quan và đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành sửa đổi, thậm chí hủy bỏ những thủ tục không thực sự cần thiết. Điển hình, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, có tất cả 197 thủ tục liên quan đến vấn đề đầu tư được xem xét, kết quả là đã sửa đổi 182 thủ tục. HEPZA cũng đã “mạnh tay” hủy bỏ 12 thủ tục, trong khi Ban Quản lý các khu công nghệ cao Thành phố “khai tử” 40/66 thủ tục.
Song song với việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án, ông Lư Thanh Phong cho hay, để tránh tình trạng chậm giải ngân, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát những dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản có vốn lớn. Nếu nguyên nhân chậm xuất phát từ khâu thủ tục, Sở sẽ phối hợp với doanh nghiệp chủ động tháo gỡ. Ngược lại, những trường hợp “đăng ký để đó”, sẽ xem xét để thu hồi giấy phép. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của 34 dự án trên địa bàn Thành phố, do không triển khai trong thời gian dài.
Hải Âu
đầu tư
|