KTB kỳ vọng vào mức giá hợp lý
(Vietstock) - Theo CTCP Chứng khoán KingEng, mức giá hợp lý đối với cổ phiếu KTB của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc là 53,500 đồng/cp, tương đương với P/B kỳ vọng 4.5x, cao hơn 28% so với trung bình ngành.
Hiện mức giá chào sàn của KTB cũng xấp xỉ kỳ vọng này là 50,000 đồng/cp. Với truyền thống giá cao của các doanh nghiệp khoáng sản niêm yết, liệu đây có là thách thức đối với KTB khi thị trường đang cần cú hích từ yếu tố vĩ mô và tâm lý nhà đầu tư cũng đang theo nhiều xu hướng khác nhau?.
Nguồn mỏ đầu vào khá ổn định
Để đưa ra mức giá kỳ vọng như trên, KimEng cho rằng một trong các thế mạnh của KTB là công ty hoạt động từ nguồn vốn tự có, các khoản nợ chủ yếu là công nợ đối với khách hàng, không có các khoản vay ngắn hạn hay dài hạn.
Trong thời gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sản xuất, KTB có khả năng huy động từ các nguồn vay với chi phí lãi hợp lý.
Theo thống kê của KimEng, trong 10 công ty cùng ngành đang niêm yết trên hai sàn như SQC, KSS, KSB, KSH,… thì KTB đang xếp ở vị trí thứ 5 về tổng tài sản và xếp thứ 2 về vốn điều lệ chỉ sau SQC.
Về hoạt động kinh doanh, KTB đã được cấp phép khai thác nhiều mỏ kim loại màu, kết hợp với số mỏ hiện có giúp công ty đảm bảo nguồn mỏ đầu vào ổn định phục vụ các hoạt động khai thác trong vòng 30 năm tới.
Trong số đó, có thể kể đến quặng Atimon Hòa Bình, quặng vàng và đồng tại Sơn La, quặng sắt tại Yên Bái. Thời gian tới, KTB sẽ tập trung triển khai các dự án như khai thác mỏ sắt Cận Còng; mỏ sắt Núi 409; mỏ sắt Suối Dầm ở Yên Bái; dự án đầu tư khai thác đồng, vàng tại Lạng Sơn.
Xu hướng dịch chuyển trong cơ cấu lợi nhuận
Những năm gần đây, cơ cấu hoạt động kinh doanh của KTB thể hiện sự dịch chuyển rõ rệt.
Năm 2008, doanh thu của công ty chủ yếu từ hoạt động vận tải, nhưng do sự biến động của giá dầu khiến hoạt động này bị lỗ. Trong thời gian này, doanh thu từ các hoạt động khai khoáng chiếm tỷ trọng thấp do KTB đang phải tìm kiếm, thăm dò và xin phép đầu tư. Đến năm 2009, khai thác khoáng sản chiếm đến 96% tổng lợi nhuận trước thuế, đánh dấu hiệu quả mang lại của hoạt động này và nhất là việc khai thác mỏ vàng và atimomony.
Bước sang nửa đầu năm 2010, cơ cấu lợi nhuận thay đổi đáng kể, hoạt động khai khoáng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên xét về mặt lợi nhuận, tỷ trọng của hoạt động kinh doanh khoáng sản giảm xuống còn 3.1% trong tổng lợi lợi. Nguyên nhân là do khoản thu đột biến từ việc chuyển quyền khai thác mỏ.
Cụ thể, nửa đầu năm nay, công ty đã ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khá cao từ chuyển quyền khai thác mỏ. Khoản thu nhập bất thường này được ghi nhận vào quý 2/2010 nên làm lợi nhuận tăng đột biến từ 4% so với tổng lợi nhuận 2009 lên 97% trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo đó, KTB đạt 43.65 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 118% so với cả năm 2009; lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 7.1 tỷ đồng, cao gấp 2 lần; lợi nhuận khác đạt 235.68 tỷ đồng, tăng đột biến so với cả năm trước. Lợi nhuận sau thuế nửa năm lên đến 182 tỷ đồng, trong khi năm 2009 là 2.5 tỷ đồng. Được biết, KTB đặt kế hoạch 2010 với 100 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Cũng theo KimEng, lợi nhuận KTB dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm 2010 so với các công ty khoáng sản niêm yết. Ngay cả khi loại trừ khoản tăng đột biến thì lợi nhuận của KTB vẫn xếp thứ 3. Đơn vị này còn dự báo, đến cuối năm 2010, KTB sẽ đạt 95.5 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 188 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (HOSE: KTB) chào sàn với 26.8 triệu cp, tương đương vốn điều lệ 268 tỷ đồng. Tính đến thời điểm niêm yết chính thức, bốn cổ đông cá nhân sáng lập của công ty đang nắm giữ tổng cộng 300,000 cp, chiếm tỷ lệ 1.12%; một cổ đông lớn cá nhân nắm giữ 5.22%, tương đương 1.4 triệu cp. Như vậy, có thể thấy lượng cổ phiếu KTB đang lưu hành ngoài thị trường là rất lớn.
Tổng tài sản của công ty cũng tăng mạnh từ 15.9 tỷ đồng vào năm 2008 lên 329.7 tỷ đồng vào quý 2/2010. Tài sản này tăng chủ yếu nhờ tài sản vô hình tăng 235.5 tỷ đồng do công ty thực hiện góp vốn 92.2 % vào công ty con là CTCP An Hồng Phương bằng quyền khai thác mỏ với giá trị 235.5 tỷ đồng. |
Xuân Anh
|