Thứ Tư, 06/10/2010 10:12

Đầu tư ở Việt Nam đang hấp dẫn Mỹ

Tại khu vực Asean, Việt Nam được nhiều công ty Mỹ ưu tiến lựa chọn trong việc mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại đến từ các yếu tố như thuế, tính minh bạch và nạn tham nhũng…

Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo kết quả của khảo sát “Triển vọng Kinh doanh ASEAN 2010” do các Phòng Thương mại Mỹ tại khu vực ASEAN tiến hành, 31% số người được điều tra đánh giá Việt Nam là quốc gia được ưa chuộng nhất cho việc mở rộng kinh doanh.

Tỷ lệ người trả lời tại Việt Nam dự báo rằng kinh tế thế giới sẽ tốt hơn hoặc tốt hơn nhiều trong năm 2010 đã tăng rất nhiều, từ 23% trong năm 2009 lên đến 74% trong năm 2010. Tỷ lệ phải đối mặt với khó khăn tài chính đã giảm từ 47% trong năm 2009 xuống còn 30% vào năm nay.

Hầu hết người được hỏi đều nhận định rằng ASEAN sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc giúp thế giới thoát ra khỏi suy thoái kinh tế. Khoảng 70% số người được hỏi dự báo thị trường ASEAN sẽ trở nên quan trọng hơn về mặt doanh thu của công ty họ trên toàn thế giới trong hai năm tới. Kết quả là, tỷ lệ những công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động tại ASEAN trong hai năm tới đã tăng từ 77% trong năm 2009 lên 81% vào năm 2010.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại và sự hội nhập của ASEAN đã giúp gia tăng sức hấp dẫn về kinh tế của khu vực này. 93% số người được hỏi đang tận dụng thỏa thuận thương mại tự do ASEAN và 70% cho rằng hội nhập ASEAN rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh của họ trong khu vực. Trong số người được hỏi, 80% cho biết đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại khu vực ASEAN trong hai năm tới, trong đó 31% cho biết sẽ hướng đến Việt Nam, tiếp theo là Indonesia (15%), Thái Lan (13%) và Singapore (10%).

Đối với nền kinh tế Việt Nam, người trả lời cũng đã lạc quan trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mặc dù chỉ 62% số người được hỏi dự kiến công ty họ có sự gia tăng lợi nhuận trong năm 2010, nhưng 79% lại dự báo sẽ có sự gia tăng lợi nhuận trong năm 2011.

“An ninh cá nhân” đã nhận được tỷ lệ hài lòng cao nhất (76%) trong tất cả các yếu tố môi trường kinh doanh địa phương kể từ khi Việt Nam được đưa vào “Khảo sát triển vọng kinh doanh ASEAN” vào năm 2003. “Thái độ đối với Mỹ” cũng có tỷ lệ hài lòng cao ở Việt Nam, với 72%. Các thế mạnh khác bao gồm “có sẵn lực lượng lao động chi phí thấp” và “hệ thống chính trị và chính phủ ổn định”. Cuối cùng, liên quan đến tính rõ ràng của các hướng dẫn của chính phủ về việc trả tiền bản quyền sở hữu trí tuệ, tỷ lệ hài lòng đã tăng từ 12% trong năm 2009 lên 17% vào năm 2010.

Chi phí, luật lệ và tính minh bạch

Phần lớn người tham gia khảo sát (82%) dự báo kinh tế Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, điều này lại gây ra những quan ngại. Khoảng 59% số thành viên AmCham Việt Nam được hỏi dự báo chi phí nhà ở sẽ tăng và 85% dự đoán chi phí sinh hoạt sẽ gia tăng. 67% số người được hỏi dự báo tiền đồng Việt Nam sẽ giảm giá so với đồng đô la Mỹ.

Việt Nam tiếp tục phải chịu tỷ lệ không hài lòng cao đối với “tham nhũng” (74%) và “cơ sở hạ tầng” (73%). Khoảng một nửa số người trả lời không hài lòng với “chi phí nhà ở” (50%), “các luật lệ và quy định” (48%), và “cơ cấu thuế” (48%). Tỷ lệ không hài lòng về tính rõ ràng của các quy định chuyển giá đã tăng từ 15% trong 2009 lên 21% vào năm 2010. Còn tỷ lệ không hài lòng với sự thiếu rõ ràng của các hướng dẫn về hậu cần đã tăng từ 17% trong 2009 lên 21% vào năm 2010.

Nói chung, do lợi ích và hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng đáng kể tại Việt Nam, so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang trội hơn trong một số lĩnh vực quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trong những lĩnh vực khác.

Mặc dù vẫn còn nhiều mối quan ngại đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhưng về cơ bản, điểm mạnh vẫn vượt trội. Báo cáo cho rằng, chính những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với giới kinh doanh.

Mục đích của cuộc khảo sát là tìm hiểu triển vọng tăng trưởng kinh doanh của các thành viên thuộc các Phòng Thương mại Mỹ tại khu vực ASEAN và nhận thức của họ về các yếu tố địa phương có ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Thành viên được khảo sát là những nhà điều hành cấp cao đang làm việc cho các công ty Mỹ tại bảy quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Khảo sát này được tiến hành đều đặn hàng năm từ năm 2003. Thông tin được thu thập từ ngày 18/5 đến 1/6/2010.

Mai An Nhiên

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bộ Y tế chi vượt hơn 27 tỷ đồng trong quản lý thuốc (06/10/2010)

>   Dấu hiệu đổi chiều  (06/10/2010)

>   373 triệu USD mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc (05/10/2010)

>   Tháng 10, tình hình cấp điện vẫn căng thẳng (05/10/2010)

>   Điều hành kinh tế: “Đang có hai quan điểm” (05/10/2010)

>   Dự án bauxite Tây Nguyên cơ bản đáp ứng tiến độ (05/10/2010)

>   Lập đoàn kiểm tra thực hiện quy hoạch sân golf (05/10/2010)

>   Đặt mục tiêu tăng năng suất (05/10/2010)

>   Hầm Đèo Cả - Dự án mang tầm vóc quốc gia (05/10/2010)

>   Kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng: Đi thăng bằng trên dây (05/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật