> >
Thứ Tư, 20/10/2010 07:17

Cổ phần hóa chậm làm “chết” vốn tư nhân

Cổ phần hóa phải coi trọng các cam kết của nhà đầu tư chiến lược hơn là quan tâm đến mức giá bán.

Phải sớm đưa ra những quy định và cơ chế minh bạch để hạn chế độc quyền, mở cửa cho các chủ thể khác nhau tham gia vào thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Điều này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược và thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đó là khẳng định của ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại hội thảo Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam 2010, vốn đầu tư tư nhân - cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp do VCCI phối hợp với Trung tâm Đầu tư Thunderbird (TPEC) trực thuộc Trường ĐH Thunderbird, Mỹ tổ chức ngày 19-10 tại TP.HCM.

Đẩy nhanh CPH để thu hút đầu tư

Ông Lai đưa ra những con số rất cụ thể minh họa cho sự cần thiết phải đẩy nhanh quá trình CPH DNNN. Hiện DNNN đóng góp khoảng 40% GDP, nguồn thu chiếm 49% tổng ngân sách. DNNN chiếm hơn 1/3 trong 1.000 DN đóng thuế thu nhập lớn nhất 2010, và chiếm 55,4% tổng số tiền nộp ngân sách.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện chỉ có 44,4% các DNNN làm ăn có lãi, 12% DNNN làm ăn thua lỗ với số nợ lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. So với số tài sản khổng lồ được nhà nước giao trên 1,24 triệu tỉ đồng thì số tiền thuế 40 ngàn tỉ đồng của các DNNN trong số 1.000 DN đứng đầu là không tương xứng. Vì vậy, việc cải cách DNNN để duy trì sự phát triển bền vững, đẩy nhanh quá trình CPH là một yêu cầu rất cấp bách.

Sau khi cổ phần hóa, mức tăng trưởng của Vinamilk tăng lên rõ rệt.

Luật sư Frederick Burke, đại diện hãng luật Baker & McKenzie, đặt vấn đề trong khi các DN nhỏ và vừa đang rất cần thu hút sự đầu tư từ nguồn vốn tư nhân để mở rộng quy mô và tăng tốc phát triển thì tốc độ CPH chậm lại có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Nhiều nguyên nhân làm chậm quá trình CPH

Việc tính toán không hợp lý yếu tố đất đai trong định giá DN làm giảm tính hấp dẫn của CPH đối với các nhà đầu tư.

Ông Lai đưa ra một ví dụ rất điển hình về trường hợp của VINAPCO - một DN độc quyền cung ứng xăng máy bay. Thực tế DN này được định giá là 2.500 tỉ đồng, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, giá trị sổ sách chỉ là 300 tỉ đồng. Chính sự bất cập giữa định giá sổ sách và giá trị thực tế khiến cho sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư giảm mạnh khiến cho quá trình CPH các DNNN chậm lại.

Nhiều ý kiến cho rằng các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước như EVN, Petrolimex, VNPT… đóng góp lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, lợi nhuận chủ yếu của các tập đoàn này lại do thế độc quyền tạo ra. Vì vậy, phải sớm đưa ra những quy định và cơ chế minh bạch để hạn chế độc quyền, mở cửa cho các chủ thể khác nhau tham gia vào thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Điều này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược và thúc đẩy nhanh quá trình CPH DN.

Tập trung vào quản trị DNNN

Để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào quá trình CPH thông qua việc mua bán, sát nhập, đầu tư (M&A), bài học được rút ra từ sai phạm của Tập đoàn Vinashin trong vụ sử dụng vốn nhà nước cũng đã được một số nhà đầu tư đặt ra tại hội thảo. Về điều này, đại diện của SCIC cho rằng kinh nghiệm xương máu rút ra từ vụ việc của Vinashin là làm thế nào giám sát quá trình sử dụng vốn đầu tư của DN có hiệu quả và vấn đề quản trị trong các DNNN là vấn đề trọng tâm đặt ra trong thời gian tới.

Theo ông Lai, định hướng mới cho CPH trong thời gian tới phải theo hướng thuê công ty tư vấn và kiểm toán độc lập quốc tế để định giá theo các chuẩn mực quốc tế. Điều này sẽ tránh việc định giá quá cao đối với tài sản trong quá trình CPH. Việc bán cổ phần phải theo thứ tự: Bán cho nhà đầu tư chiến lược trước khi đấu giá ra công chúng. Điều này sẽ giúp cho nhà đầu tư chiến lược mua được mức giá hợp lý hơn.

Ngoài ra, trong quá trình CPH phải coi trọng các cam kết của nhà đầu tư chiến lược hơn là quan tâm đến mức giá bán. Đồng thời, cần áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị DN.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109 về CPH sẽ ban hành trong thời gian tới sẽ có những điểm mới điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của tiến trình CPH. Nghị định sẽ giới hạn số lượng tối đa các nhà đầu tư chiến lược ở con số không quá ba nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chiến lược chỉ được mua với mức giá không thấp hơn giá đấu giá thành công thấp nhất khi thực hiện đấu giá ra công chúng, hoặc không thấp hơn mức giá khởi điểm được xác định để thực hiện đấu giá trong trường hợp thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược.

Thanh Hải

PHÁP LUẬT


>   Chốt phiếu tham dự đấu giá cổ phần Hunex ngày 3/11 (19/10/2010)

>   Đấu giá Inexim Daklak: Chốt phiếu tham dự vào ngày 10/11 (19/10/2010)

>   Hủy đấu giá bán lần 2 cổ phần Xí nghiệp in Sóc Trăng (19/10/2010)

>   Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh đấu giá hơn 900 ngàn cp (19/10/2010)

>   An Thịnh Vinatex: 3 nhà đầu tư mua hơn 1 triệu cp đấu giá (18/10/2010)

>   IPO 7.37 triệu cp Phân bón Bình Điền khởi điểm 11,000 đồng/cp (17/10/2010)

>   Cty DV Du lịch Quốc tế tỉnh BR-VT phân phối hết cổ phần bán tiếp (13/10/2010)

>   Vinaincon sẽ IPO hơn 8.8 triệu cổ phần, giá 10,900 đồng/cp (13/10/2010)

>   Đăng ký mua cổ phần đấu giá tại An Thịnh Vinatex đạt 70% (13/10/2010)

>   Chính thức cổ phần hóa Bảo hiểm BIDV (12/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật