Các nước EU siết chặt biện pháp cắt giảm chi tiêu
Ngày 30/9, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cam kết thực hiện các biện pháp mới cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ, bất chấp sự phản đối trong dân chúng và sự hỗn loạn kinh tế mới đây ở Tây Ban Nha và Ireland.
Các biện pháp mới ở Bồ Đào Nha chủ yếu tập trung vào khu vực nhà nước, trong đó lương trung bình giảm 5% và 10% đối với người có thu nhập cao hơn; không tuyển thêm lao động; giảm trợ cấp cho các công ty, đóng cửa một số dịch vụ và công ty; giảm 20% kinh phí sử dụng phương tiện đi lại.
Để tăng thu nhập nhà nước, Lisbon sẽ tăng 2% thuế VAT đánh vào các dịch vụ tài chính và giảm phúc lợi từ thuế. Theo Thủ tướng Bồ Đào Nha, các biện pháp mới nhằm duy trì uy tín của nước này trên thế giới, bảo vệ nền kinh tế quốc gia và việc làm trong khu vực nhà nước.
Pháp sẽ hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ dân sự và chấm dứt tình trạng trốn thuế, kết hợp với thúc đẩy tăng trưởng để tăng thu nhập nhà nước trong năm 2011.
Mục đích của kế hoạch này nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước từ 7,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2010 xuống 6% vào năm 2011. Đây là giai đoạn đầu trong kế hoạch dài hạn hơn giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2013 và xuống 2% vào năm 2014.
Cơ quan nghiên cứu công nghiệp và kinh tế Hy Lạp (IOBE) chuẩn bị ba phương án ngắn và dài hạn để giúp Hy Lạp vượt qua những khó khăn kinh tế hiện nay.
Phương án thứ nhất đề cập việc thực hiện cam kết giữa Athens với EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về nguyên tắc tài chính, kết hợp với các chính sách thúc đẩy phát triển nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước từ khoảng 7% năm 2011 xuống 5% vào năm 2012 và đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 1,5-2,5% trong năm nay.
Phương án thứ hai tính đến việc từ bỏ cam kết về nguyên tắc tài chính hoặc tiếp tục thực hiện cam kết này nhưng không tiến hành những cải cách cơ cấu táo bạo.
Theo phương án thứ ba, chính phủ sẽ thực hiện các chính sách trong cam kết thứ nhất kết hợp với một chính sách táo bạo nhằm quản lý tốt hơn các tài sản của nhà nước. Với phương án ba, Athens có thể thanh toán được ngay phần nợ nhà nước cho các chủ nợ nước ngoài và tránh được nguy cơ vỡ nợ.
Tại cuộc họp cùng ngày ở Brussels (Bỉ), các bộ trưởng tài chính EU cũng đã nhất trí tất cả các nước trong khu vực cần "đi xa hơn" trong các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng."
Các bộ trưởng thống nhất lập trường như vậy sau khi Ireland cảnh báo những khoản nợ khổng lồ tại ngân hàng Anglo Irish Banh đã được quốc hữu hóa có thể đẩy nước này vào tình trạng vỡ nợ.
Dublin dự định rót 34,3 tỷ euro (46,6 tỷ USD), tương đương 1/5 GDP của nước này, để cứu Anglo Irish Banh. Gói bảo lãnh này, nếu được thực hiện, sẽ đẩy thâm hụt ngân sách của Ireland lên 32% GDP, mức lớn nhất kể từ khi khu vực đồng euro được thiết lập năm 1999, và đẩy nợ nhà nước của Ireland lên 98,6% GDP trong năm nay so với 64% cuối năm 2009.
Các động thái trên của EU đang gây chia rẽ giữa tổ chức này với IMF. Tổ chức cho vay lớn nhất thế giới cho rằng siết chặt chi tiêu ngân sách nhà nước sẽ chỉ cản trở tăng trưởng kinh tế do trong môi trường kinh tế hiện nay, hạn chế tài chính sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực ngắn hạn hơn thời kỳ bình thường.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean Claude Trichet khẳng định không có sự đối nghịch nào giữa siết chặt quản lý tài chính với thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Bỉ (nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU), ông Didier Reynders thông báo EU sẽ kiểm tra định kỳ khả năng chịu đựng căng thẳng của các ngân hàng và sẽ công bố đầy đủ các kết quả kiểm tra.
Theo ông Reynders, các cuộc kiểm tra do Ủy ban giám sát ngân hàng châu Âu (CEBS) tiến hành thời gian vừa qua nhằm vào 91 ngân hàng ở 20 nước EU cho thấy cần phải tiến hành việc làm này thường xuyên và phải công bố kết quả kiểm tra đầy đủ.
Chủ tịch ECB Trichet kêu gọi các nước thành viên EU hành động nhiều hơn để chuẩn bị tiến hành kiểm tra trong toàn khu vực.
Một tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU kết luận hình thức kiểm tra của CEBS là một công cụ quan trọng để đánh giá khả năng phản ứng trước tình thế khó khăn của ngân hàng và phải trở thành hoạt động hàng năm trong EU./.
Vietnam +
|