VOS lên sàn, nên giữ hay bán?
|
Đội tàu của Vosco có tổng trọng tải gần 600,000 DWT | (Vietstock) - Sáng nay (08/09), Sở GDCK TPHCM (HOSE) đón nhận thêm một doanh nghiệp thuộc ngành Vận tải đường thủy là CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS) đưa 140 triệu cổ phiếu vào giao dịch phiên đầu tiên với giá tham chiếu 18,000 đồng/cp. Với mức giá này, VOS xếp vị trí thứ 3 trong ngành, đứng sau HTV và VNA.
Phù hợp để nắm giữ dài hạn
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS) đơn vị tư vấn niêm yết niêm yết cho Vosco đưa ra khuyến nghị rằng: “Mặc dù ngành vận tải biển vẫn chưa hết khó khăn nhưng với vị thế của một công ty dẫn đầu ngành, chúng tôi rất lạc quan về triển vọng dài hạn của Vosco khi thị trường vận tải biển khởi sắc trở lại. Đầu tư vào cổ phiếu Vosco là đón đầu vào ngành đang trên đà hồi phục nên sẽ phù hợp cho mục tiêu nắm giữ lâu dài. Mức giá hợp lý để nắm giữ dài hạn chúng tôi khuyến nghị là 23,800 đồng/cp”.
Theo BVS, Vosco có lợi thế là năng lực vận tải lớn nhất Việt Nam. Đội tàu của Vosco có tổng trọng tải gần 600,000 DWT, chiếm khoảng 20% tổng năng lực vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và 10% của đội tàu cả nước.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của Vosco mang tầm quốc tế. Bởi đây là một trong số rất ít các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam có khả năng hoạt động và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Công ty có khả năng tự quản lý và khai thác tàu, chủ động tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra, hoạt động khai thác và vận hành tàu không bị phụ thuộc vào đối tác khác.
Không những vậy, đội tàu được định giá lại của Vosco có giá trị lớn hơn so với giá trị sổ sách. Cụ thể, giá trị sổ sách đội tàu của Vosco tính đến thời điểm 30/06/2010 khoảng 3,515 tỷ đồng nhưng theo đánh giá độc lập của một đơn vị bảo hiểm thì giá trị thị trường toàn bộ đội tàu này lên tới 5,790 tỷ đồng. Nguyên nhân là do mức độ trượt giá của tàu đóng mới cũng như hoạt động kinh doanh thuận lợi trong những năm trước nên Vosco đã áp dụng chính sách khấu hao nhanh.
Ngoài ra, hoạt động thanh lý tàu đóng góp khoản lợi nhuận khoảng 105 tỷ đồng trong năm 2010. Cụ thể, trong năm nay, Vosco đã tiến hành thanh lý tàu hàng khô Cabot Orient với giá 0.8 triệu USD và bán 2 tàu dầu vỏ đơn Đại Hùng và Đại Long (doanh thu đạt tổng cộng 6.05 triệu USD) do 2 tàu này không còn thích hợp đối với hoạt động vận tải hàng dầu. Sau khi trừ khi các khoản chi phí, tổng lợi nhuận thu về từ việc bán 3 tàu trên là 105 tỷ đồng.
Cân nhắc thời điểm bán để có giá tốt nhất
Trong khi đó, CTCP Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã có một báo cáo nhanh về Vosco và đưa ra khuyến nghị “BÁN cho cổ phiếu VOS trong thời điểm hiện tại và nhà đầu tư nên cân nhắc thời điểm bán để có giá tốt nhất”.
Theo SBS, có nhiều yếu tố không thuận lợi cho nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu này.
Trước tiên, SBS cho rằng giá cước vận tải hàng rời chưa thể phục hồi ấn tượng trong ngắn hạn. Do đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của công ty chỉ ở mức vừa phải, không thể có đột biến.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động thanh lý tàu đóng góp khoảng 105 tỷ vào lợi nhuận trước thuế của công ty. Tuy nhiên nếu so với quy mô của Vosco (vốn điều lệ 1,400 tỷ đồng) thì khoản đóng góp này không đủ lớn để tạo cú hích lên giá cổ phiếu VOS.
Ngoài ra, công ty còn phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá ước khoảng 95 tỷ trong năm nay, làm suy giảm phần nào lợi nhuận của Vosco.
Không những vậy, mảng vận tải dầu sản phẩm và đặc biệt là vận tải container chưa đạt hiệu quả cao, tiếp tục là trở lực cho hoạt động của Vosco.
SBS ước tính Vosco có khả năng đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 120 – 140 tỷ đồng năm 2010, EPS tương ứng là 857-1,000 đồng. Do đó, với giá tham chiếu 18,000 đồng/cp, thì P/E dao động từ 18-21 lần.
Đầu năm 2008, Vosco chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 1,400 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ 60%.
Trong thời gian tới, Vosco tiếp tục định hướng phát triển hài hòa cả ba nhóm tàu đã và đang quản lý, khai thác. Đó là các loại tàu chuyên dụng như tàu hàng rời cỡ lớn, chú trọng phát triển loại có trọng tải lớn hơn từ 35,000 - 75,000 DWT nhằm tận dụng hệ thống cảng nước sâu để hạ giá thành vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao hơn cho đội tàu hàng khô.
Đồng thời, công ty tiếp tục đầu tư loại tàu chở dầu sản phẩm từ 45,000 - 65,000 DWT, tàu chở dầu thô trọng tải hơn 100,000 DWT và tham gia sâu hơn vào lĩnh vực vận tải dầu khí nhiều tiềm năng. Ngoài ra, căn cứ vào sự hồi phục của thị trường vận tải container quốc tế, Vosco sẽ từng bước đầu tư thêm những tàu container có trọng tải lớn cỡ trên 1,000 Teu để tham gia sâu rộng và vững chắc vào các tuyến vận chuyển container ra/vào Việt Nam và giữa các cảng trong khu vực. |
* Tải tài liệu: Bản cáo bạch niêm yết lần đầu
Thanh Nụ - Viết Vinh
|