Phát hành trái phiếu: Kênh huy động vốn hiệu quả?
Phát hành trái phiếu đang được nhiều DN lựa chọn như là một kênh huy động vốn hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa phát huy hết lợi thế của nó bởi nhiều nguyên nhân.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu DN đã được phát hành với kỳ hạn từ 1 - 3 năm, lãi suất trung bình từ 7% đến 12,5%/năm. So với đi vay vốn ngân hàng thì lãi suất huy động trái phiếu khá hợp lý.
Sân chơi chưa đồng bộ
Khi đề cập đến việc huy động vốn đầu tư cho kinh doanh sản xuất của DN qua kênh trái phiếu, ông Trịnh Minh Hoàng - Cty Chứng khoán Bảo Minh cho biết, hầu hết DN khi huy động vốn đều muốn lựa chọn phát hành trái phiếu DN là ưu tiên số 1, bởi DN phát hành trái phiếu thường có lợi thế như không phải tuân thủ các điều kiện vay vốn khắt khe của ngân hàng, không chịu sức ép chi phối từ cổ đông mới như phát hành cổ phiếu, được hưởng lợi từ chính sách thuế đối với khoản trả lãi trái phiếu... Do đó, phát hành trái phiếu đang được nhiều DN lựa chọn như là một kênh huy động vốn hiệu quả.
Tuy nhiên, trái phiếu DN dường như vẫn chỉ là “sân chơi” của DN lớn bởi những quy định khắt khe về đối tượng được phát hành trái phiếu và vì sự tin tưởng của nhà đầu tư vào DN. Nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại với trái phiếu DN bởi sản phẩm này khá “kén” người mua và cũng không mấy thông dụng trong giao dịch. Thực tế thời gian qua, chỉ có các DN cổ phần lớn, các ngân hàng hay DN nhà nước mới phát hành trái phiếu, nhiều Cty phát hành trái phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, chứ không phát hành ra công chúng.
Theo ông Lê Thẩm Dương – Trường Đại học Ngân hàng: Thị trường trái phiếu chưa vận hành hợp lý, thiếu chuẩn mực cho việc phát hành trái phiếu Cty, thông tin thị trường còn thiếu và yếu. Dù vậy, thị trường trái phiếu DN năm 2010 có quy mô lớn hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cảnh báo, có một thực tế trên thị trường trái phiếu là một số tập đoàn nhà nước hiện nay phát hành trái phiếu với lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực dài lâu đến cả nền kinh tế. Thứ nhất, hiện tượng chèn lấn nợ với DN tư nhân sẽ gia tăng mạnh hơn. Thứ hai, chi phí vốn xã hội sẽ tăng, và thiệt thòi lại thường rơi vào khu vực tư nhân. Thứ ba, các chi phí của nền kinh tế cho việc xử lý số phận các tập đoàn sẽ rất nặng nề. Và, thứ tư, tập đoàn nhà nước cơ bản có thể cần đến chi tiêu chính phủ để cứu trợ, do đó gián tiếp đẩy ngưỡng nợ quốc gia tới hạn.
Cần nhanh chóng có khung pháp lý
Để hỗ trợ cho thị trường trái phiếu DN phát triển, Bộ Tài chính đã soạn thảo Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu DN, lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, DN phát hành phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ hơn trước: có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm kể từ ngày DN chính thức đi vào hoạt động; kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi...
Trường hợp phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, ngoài các điều kiện trên còn phải đáp ứng thêm các điều kiện sau: trị giá phát hành trái phiếu quốc tế phải nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm; đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế về hệ số tín nhiệm để phát hành trái phiếu (trong trường hợp phát hành cần có hệ số tín nhiệm); DN phát hành hoàn chỉnh hồ sơ phát hành theo đúng quy định; tuân thủ quy định về quản lý nợ nước ngoài, quản lý ngoại hối theo pháp luật hiện hành. Phương án phát hành trái phiếu của DN nhà nước ra thị trường vốn quốc tế phải được Bộ Tài chính thẩm định.
Đối với DNNN, việc phát hành trái phiếu mà hệ số nợ trên số vốn điều lệ vượt quá 3 lần thì phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt trên cơ sở các dự án đầu tư có hiệu quả. Sau khi quyết định, cơ quan đại diện chủ sở hữu thông báo cho Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát. Trong trường hợp DN nhà nước phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế thì đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án phát hành trái phiếu trên cơ sở các dự án đầu tư có hiệu quả.
Theo ông Phạm Thành Trường – Cty chứng khoán Hoàng Gia, khó khăn lớn nhất cho thị trường trái phiếu trong năm 2010 chính là xu hướng tăng khá rõ của mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới đang có xu hướng tăng, tác động không ít đến mặt bằng giá cả trong nước. Mặt khác, chính sách kích cầu, biện pháp nới lỏng tiền tệ trong năm 2009, do có độ trễ nhất định, sẽ gây hiệu ứng không mong muốn trong năm nay là tạo áp lực lên lạm phát.
Cũng theo ông Trường, Dự thảo Nghị định đã có những điểm “nới”, tạo điều kiện để DN dễ dàng phát hành trái phiếu hơn. Cụ thể: DN được phát hành khi có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước, hoặc tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp DN phát hành trái phiếu trước ngày 1/4 hàng năm, thì báo cáo tài chính năm của năm liền kề có thể là báo cáo tài chính chưa qua kiểm toán, nhưng phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước năm liền kề. Trong khi đó, Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN (đang có hiệu lực) bắt buộc DN phải có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán mới được phát hành trái phiếu.
Ông Lê Thẩm Dương - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM :
DN hiện nay nếu muốn phát hành trái phiếu thường chọn trái phiếu chuyển đổi, vì tâm lý thị trường vẫn có niềm tin vào cổ phiếu, do đó trái phiếu chuyển đổi của các Cty lớn vẫn có cơ hội tiêu thụ. Tuy vậy, DN VN nói chung hiện không có nhiều “đất” trong phát hành trái phiếu. Thực tế, chỉ một số DN có thương hiệu tốt thì mới nghĩ đến việc huy động vốn qua kênh này. Lý do là trái phiếu hầu hết được mua để nắm giữ dài hạn, nên nhà đầu tư sẽ không mua trái phiếu của một Cty nhỏ, làm ăn khó khăn hay tài chính không minh bạch.
Một trong những khó khăn hiện nay khiến cho thị trường trái phiếu khó phát triển mạnh là năng lực bảo lãnh của giới tài chính và sức tiêu thụ sản phẩm tài chính nội địa rất yếu. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ nhiều đợt trong năm cũng khiến cho một phần tiền chảy vào loại chứng khoán này, vì vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của trái phiếu DN. |
Hải Ngọc
diễn đàn doanh nghiệp
|