Tính lại giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động
Người lao động nếu cam kết làm việc lâu dài ở thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá sẽ được mua cổ phần ưu đãi. Đây là điểm mới trong dự thảo nghị định thay thế nghị định 109 về cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Quy định cũ: quyền mua ít nhưng giá thấp
Năm 2008, khi ngân hàng Vietcombank cổ phần hoá, mỗi cán bộ công nhân viên có hợp đồng lao động từ một năm trở lên được mua cổ phần ưu đãi, cứ mỗi năm làm việc sẽ được mua 100 cổ phần với giá bằng 60% giá đấu giá thành công. Đây là quy định tại nghị định 109 năm 2007 về cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Như vậy, với giá ưu đãi, mỗi năm làm việc tại Vietcombank nhân viên của ngân hàng này được mua khoảng 100 cổ phần với giá khoảng 60.000 đồng/cổ phần. Tương tự, mỗi người lao động có tên tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của công ty Tài chính dầu khí (PVFC), theo quy định của nghị định 109, cũng được mua 100 cổ phần tương ứng với một năm làm việc theo giá ưu đãi.
Số cổ phiếu ưu đãi được mua theo quy định như thế này, trên thực tế, đã hạn chế khá nhiều nhu cầu muốn mua cổ phần của người lao động.
Thêm quyền mua nhưng giá lại cao
Dự thảo nghị định Cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (do bộ Tài chính xây dựng) trình Chính phủ mới đây, quyền được mua cổ phần ưu đãi khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá của người lao động đã được mở rộng.
Cụ thể, ngoài số cổ phần ưu đãi được mua theo thâm niên công tác, nếu người lao động cam kết làm việc lâu dài với doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất ba năm sẽ được mua thêm 200 cổ phần ưu đãi cho mỗi năm cam kết làm việc lâu dài. Nếu người lao động là chuyên gia giỏi cam kết làm việc trong doanh nghiệp từ ba năm trở lên sẽ được mua ưu đãi 500 cổ phần cho mỗi năm cam kết. Dự thảo cũng quy định nếu người lao động chấm dứt thời hạn hợp đồng lao động trước cam kết thì phải bán lại toàn bộ số cổ phiếu đó cho công ty theo giá thị trường.
Ông Chu Hoàng Anh, phó vụ trưởng vụ Lao động – tiền lương thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội, cho rằng với quy định này, dự thảo không chỉ mở thêm quyền mua cổ phần ưu đãi cho người lao động mà còn tạo thêm cách để doanh nghiệp có thể giữ chân người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh, mức giá bán bằng với giá đấu giá thành công thấp nhất (hoặc bằng giá khởi điểm bán cho các nhà đầu tư chiến lược) mà dự thảo mới quy định (đối với cổ phiếu ưu đãi dành cho người lao động) không “ưu việt” bằng cách tính giá ưu đãi theo thâm niên. Ông nói: “Ví dụ như tại Vietcombank, với giá đấu giá thành công từ 100.000 đến 115.000 đồng/cổ phần, thay vì được mua với giá 60.000 đồng/cổ phần như trước đây, người lao động sẽ phải mua cổ phiếu ưu đãi với giá 100.000 đồng/cổ phần. Như vậy, quyền mua cổ phần ưu đãi mở rộng nhưng giá mua lại cao hơn trước”.
Điều này, theo ông Hoàng Anh, thực chất cũng vẫn là một lực cản khiến người lao động khó có thể sở hữu nhiều cổ phần hơn trong doanh nghiệp mà họ đang làm việc. Do đó, cần được xem xét, tính toán lại.
Tây Giang
Sài Gòn Tiếp thị
|