Thứ Tư, 11/08/2010 22:52

Lúa mì tăng giá, nhà chế biến lao đao

Nhu cầu nhập khẩu lúa mì của Việt Nam, chủ yếu để chế biến thực phẩm và làm thức ăn gia súc trong năm nay đã đột ngột tăng mạnh so với các năm trước. Vì thế, khi giá lúa mì thế giới biến động mạnh trong thời gian qua đã khiến không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Một doanh nghiệp Việt kiều chuyên nhập khẩu lúa mì từ Úc về phân phối cho các công ty bánh kẹo ở TPHCM và các tỉnh lân cận với khối lượng lên đến vài ngàn tấn mỗi đợt, cho biết qua điện thoại, khi giá lúa mì bắt đầu tăng, rất nhiều nhà nhập khẩu đã chậm chân không chốt giá, nên bị lỗ.

Vừa qua, giá lúa mì tăng mạnh, thêm 100 đô la Mỹ/tấn chỉ từ tháng 6 đến tháng 7 do hạn hán nghiêm trọng ở Nga đã làm giảm nguồn cung lúa mì trên thị trường thế giới.

Ông Lê Minh Nam, Giám đốc Công ty bột mì Bình An, TPHCM cho biết: “Các doanh nghiệp nhập khẩu vừa qua đã cẩn thận hơn do rút kinh nghiệm từ năm 2008, khi giá lúa mì từ đỉnh cao nhất là 500 đô la Mỹ/tấn, rơi tuột xuống còn 250 đô la Mỹ chỉ trong 3 tháng, hầu hết khi ấy đã lỗ nặng vì lỡ mua lúc giá cao. Tuy vậy, vẫn có người "bị hớ" trong đợt vừa rồi”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp đã nhập khẩu 1,44 triệu tấn lúa mì với kim ngạch 350 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 80% cả về lượng về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay doanh nghiệp trong nước nhập khẩu lúa mì chủ yếu từ Úc, Mỹ, Canada. Nga là thị trường mới, tuy vậy trong tháng 5 vừa qua nhiều doanh nghiệp trong nước đã ký hợp đồng nhập khẩu số lượng khá lớn từ Nga trong dịp đoàn doanh nghiệp từ Nga sang chào hàng và sau đó vì lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Nga mới đây khiến các doanh nghiệp cũng trở tay không kịp.

Giá lúa mì thế giới tăng mạnh cùng với lệnh cấm xuất khẩu của Nga cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì làm thức ăn gia súc. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết thời gian vừa qua các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước nhập khẩu nhiều lúa mì để dự trữ, thông thường nhập trữ hàng trong khoảng từ 1 đến 3 tháng.

Bên cạnh đó, giá bắp nhập khẩu hiện nay dù giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao, khoảng 5.200 đồng/kg, khiến lúa mì, với mức giá thấp hơn, vẫn được doanh nghiệp nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Theo ông Lịch, các doanh nghiệp từ sau lệnh cấm xuất khẩu của Nga đã chuyển sang các thị trường khác như Úc và một số nước châu Âu.

Ở Nga, nước trồng và xuất khẩu lúa mì lớn thứ 3 thế giới trong niên vụ này, giá lúa mì đã lên cao nhất trong vòng 23 tháng qua, nguyên nhân do hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 100 năm tại nước này. Giá lúa mì kỳ hạn trên thị trường thế giới ngày 10-8 đã giảm nhẹ xuống còn 7,3 đô la Mỹ/bushel (tương đương 268 đô la Mỹ/tấn), sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 2 năm qua là 8,68 đô la Mỹ/bushel (tương đương 321 đô la Mỹ/tấn) vào ngày 6-8.

Giá lúa mì đã từng tăng đến gần 500 đô la Mỹ/tấn trong giai đoạn khủng hoảng lương thực năm 2008.

Thái Hằng

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Nhiều mặt hàng có thể bị cấm, hạn chế kinh doanh (11/08/2010)

>   Quản lý giá thuốc: Cần nhìn cả góc độ kinh tế và chuyên môn (11/08/2010)

>   Gia tăng giá trị chè xuất khẩu Việt Nam (11/08/2010)

>   Có thể kiện doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá tại VN (11/08/2010)

>   Đồ gỗ: 80% hàng ngoại (11/08/2010)

>   Gắn kết hợp tác thương mại Việt Nam - Thái Lan (11/08/2010)

>   Khẩn thiết đề nghị tăng giá điện thêm 50% (11/08/2010)

>   Hội nông dân vẫn khởi kiện Vedan (11/08/2010)

>   Công nghiệp dược: Vỏ nội, ruột ngoại (11/08/2010)

>   Thắng – thua Vedan (11/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật