Lập dự toán chưa sát thực tế
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 2008 vẫn tiếp tục trong tình trạng không sát thực tế.
Cũng theo báo cáo này, 2 trong số 37 địa phương được kiểm toán là Hải Dương và Đà Nẵng, dự toán thu thấp hơn so với năm 2007, với số giảm thu lên đến 632 tỷ đồng.
Do lập dự toán “khiêm tốn”, nên năm 2008, NSNN vượt dự toán 33,3% (107.549 tỷ đồng) và bỏ xa con số thực hiện của năm 2007.
“Mặc dù thu NSNN năm 2008 vượt xa so với dự toán, nhưng KTNN vẫn kiến nghị tăng thu các khoản liên quan đến nhà đất hơn 1.255 tỷ đồng và tăng thu thuế nội địa trên 1.670 tỷ đồng, do các cơ quan áp đơn giá tiền sử dụng đất chưa đúng, bỏ sót một số sai phạm của doanh nghiệp trong kê khai doanh thu, chi phí, xác định thuế giá trị gia tăng, kê khai ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… không đúng quy định”, ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN cho biết.
Về chi ngân sách nhà nước, báo cáo của KTNN khẳng định: “Một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ, chưa sát thực tế”. Cụ thể, 16/37 địa phương bố trí vốn cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ thấp hơn mức Trung ương giao 643 tỷ đồng; chi thường xuyên của cả nước vượt 15.125 tỷ đồng so với dự toán...
Theo KTNN, do dự toán thu - chi không sát, kỷ luật tài chính không nghiêm, nên năm 2008, ngân sách còn thừa 137.948 tỷ đồng (tương đương 30,4% tổng chi) chuyển sang năm 2009 (con số này của năm 2007 là 88.821 tỷ đồng, tương đương 24% tổng chi).
Theo ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tình hình kinh tế năm 2008 hết sức khó khăn, nhưng thu NSNN vẫn vượt thu 33,3% so với dự toán, thì Quốc hội nên “biểu dương ngành tài chính”. Tuy nhiên, nhìn thực chất của việc tăng thu, ông Lợi lại băn khoăn: “Thu NSNN phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng GDP, năm nào cố gắng lắm cũng chỉ vượt 0,4 - 0,7% dự toán, nhưng vì sao năm nào NSNN cũng tăng thu tối thiểu là 12%, cá biệt năm 2008 tăng tới 33,3%”. Ông Lợi đề xuất phải nghiên cứu lại cách thức lập dự toán NSNN hàng năm để tránh tình trạng dự toán có khoảng cách quá xa so với thực tế, khiến Quốc hội bị động trong việc phân bổ NSNN.
Hệ quả của việc lập dự toán không sát thực tế là năm nào NSNN cũng bội chi, nhưng năm nào cũng “thừa tiền” để chuyển nguồn sang năm sau do “tiêu” không hết và tình trạng chuyển nguồn năm sau thường cao hơn năm trước. “Tình trạng này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của chúng ta chưa cao, đồng thời việc thực thi kỷ luật tài chính chưa nghiêm”, bà Phạm Thị Loan, ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.
Về việc KTNN kiến nghị tăng thu khoản liên quan đến nhà đất và thuế nội địa, bà Nguyễn Thị Khá (Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) đề nghị KTNN hoặc Thanh tra Chính phủ rà soát lại xem tình trạng này là do tiêu cực hay do kém năng lực trong khai thác nguồn thu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư liên quan đến việc thu hồi nợ đọng thuế, ông Lê Minh Khái cho biết, tính đến giữa năm 2010, cơ quan thuế đã thu hồi được 63% số tiền nợ đọng và tiền kiến nghị tăng thu theo đề nghị của KTNN. “Việc thu hồi nợ thuế và tiền tăng thu chậm so với dự kiến có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là năm 2009, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế”, ông Khái giải thích.
Hàn Tín
Đầu tư
|