Thứ Ba, 17/08/2010 11:41

Cơ hội mới ở phương Đông

Do kinh tế tăng trưởng nhanh, châu Á đã trở thành điểm đến của lao động châu Âu và Mỹ, khơi dậy một làn sóng di cư “ngược” từ phương Tây sang phương Đông.

Bốn tháng trước cô Shahrzad Moaven bỏ việc trong một công ty PR ở London (Anh) và chuyển tới Hồng Kông, đảm nhận một vị trí mà cô cho là thú vị hơn: giám đốc truyền thông cho nhà kinh doanh nữ trang nổi tiếng Carnet.

Anh Jan Mezlik, 29 tuổi, đến Hồng Kông từ Cộng hòa Czech vào cuối tháng 4 để làm huấn luyện viên trong một cơ sở vật lý trị liệu. Với anh, cuộc chuyển dịch này mang lại một công việc làm ổn định và cơ hội học tập để trở thành một giảng viên yoga.

Cô Charlotte Sumner, một luật sư, thì được công ty chuyển tới Hồng Kông tám tháng trước. Cô đã trải qua sáu tháng ở London, sáu tháng ở Moscow và cảm thấy việc chuyển tới Hồng Kông sẽ đem lại cho cô nhiều cơ hội hơn ở các nơi ấy.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, không ai trong ba người này suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển tới châu Á. Nhưng tăng trưởng kinh tế của nhiều nước khu vực châu Á đã vượt xa châu Âu và Bắc Mỹ. Nhiều công ty địa phương đang phát triển nhanh trong khi những công ty quốc tế cũng chuyển cơ sở hoạt động tới châu Á và bắt đầu tuyển dụng trở lại.

Vì thế, ngày càng có nhiều những người tìm việc làm ở Mỹ và châu Âu hy vọng rằng châu Á là nơi có cơ hội thực hiện tham vọng của mình. “Ở London có ít nhu cầu tổ chức sự kiện PR hoặc quảng cáo. Nhưng ở đây ai cũng đang phát triển và sẵn sàng chi cho các hoạt động tiếp thị. Điều đó làm cho công việc của tôi ở đây thú vị hơn nhiều”, cô Moaven, 28 tuổi, nhận xét.

Tại Hồng Kông, Công ty Tư vấn nhân sự Ambition ước tính số hồ sơ xin việc từ Mỹ và châu Âu gửi tới đã tăng khoảng 20-30% so với năm 2008. Theo ông Matthew Hill, Giám đốc điều hành chi nhánh Ambition ở Hồng Kông, hiện thời loại hồ sơ này chiếm khoảng hai phần ba trong số 600 hồ sơ mà văn phòng Hồng Kông của công ty nhận được mỗi tháng.

Tương tự như vậy, tại eFinancialCareers, một công ty tuyển dụng trực tuyến, số hồ sơ xin làm việc ở Hồng Kông và Singapore đã tăng khoảng 50% trong năm qua, ông George McFerran, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty này cho biết.

Tuy vậy, ông Mike Game, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Hudson - một công ty tư vấn nhân sự toàn cầu - nói rằng số người phương Tây thực sự chuyển đến làm việc ở châu Á vẫn còn ít. Ông cho rằng, hiện thời các nhà tuyển dụng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn nhiều so với thời kỳ kinh tế bùng nổ năm 2007 trở về trước.

Dù tiêu chuẩn tuyển dụng đã cao hơn nhiều, song các ứng viên phương Tây vẫn cố tìm đường sang châu Á vì cơ hội làm việc ở quê nhà đang rất u ám. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện là 9,5% lực lượng lao động, ở Anh là gần 8%, đặc biệt ở Tây Ban Nha là 19,9%.

Trái lại, ở Hồng Kông, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 4,6%, ở Singapore - một trung tâm tài chính, pháp lý và dịch vụ khác của châu lục, chỉ có 2,2% số người trong độ tuổi lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Ở Úc, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức 5,1% hồi tháng 6 - mức thấp nhất trong một năm rưỡi qua.

Năm ngoái, cô Lauren Kwan quyết định rời San Francisco, Mỹ. “Tôi thấy chung quanh mình ở đâu cũng sa thải nhân viên nên tôi nghĩ mình phải buông lưới rộng ra để biết có gì ở ngoài kia”, cô nói. Hiện thời cô Kwan đảm nhiệm một công việc tại Công ty PR toàn cầu Burson-Marsteller ở Hồng Kông.

“Do triển vọng kinh tế ở quê nhà quá yếu ớt, nhiều người đang xem xét các lựa chọn khác và tìm kiếm những nơi có cơ hội. Đó là một xu thế đang bắt đầu hình thành”, ông Jeffrey A. Joerres, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn nhân lực Manpower, nhận xét.

Châu Á cũng đã có thời khủng hoảng lao động khi hàng triệu người - từ công nhân nhà máy đến các kiến trúc sư, chuyên viên ngân hàng - bị mất việc do nhu cầu hàng xuất khẩu suy giảm và các tập đoàn đa quốc gia co cụm lại. Song do phần lớn các nước châu Á không bị khủng hoảng tài chính như phương Tây nên các nền kinh tế khu vực này, trừ Nhật Bản, đã phục hồi rất nhanh. Ông Mc Ferran của eFinancialCareers nhận định: “Tốc độ phục hồi kinh tế đã khiến nhiều người phải kinh ngạc. Thị trường việc làm nhờ đó mà trở nên rất sôi động”.

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 5 của Công ty Hudson, số doanh nghiệp ở Hồng Kông có kế hoạch thuê mướn nhân viên đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi công ty này bắt đầu thu thập số liệu vào năm 1998. Hai phần ba số doanh nghiệp được khảo sát ở Hồng Kông và Trung Quốc lục địa có kế hoạch tuyển dụng nhân sự trong quí 3 năm nay; con số này ở Singapore là 57%, mức cao nhất kể từ năm 2001.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất mạnh trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ pháp lý, nhưng các lĩnh vực khác cũng không kém, đặc biệt là lĩnh vực khách sạn-du lịch và kinh doanh hàng xa xỉ phẩm vì các doanh nghiệp đổ xô vào khai thác sự bùng nổ nhu cầu mua sắm hàng cao cấp của người dân Trung Quốc.

Bất chấp làn sóng đổ sang phương Đông tìm việc, theo Công ty Ambition, nhiều doanh nghiệp ở Hồng Kông vẫn cho biết họ khó tìm được ứng viên đạt yêu cầu, đồng thời than phiền rằng tiền lương đang tăng nhanh. Với các ứng viên phương Tây, tìm việc ở châu Á không dễ. Nhiều ông chủ sử dụng lao động chỉ thích các ứng viên có kinh nghiệm làm việc ở khu vực này, có kỹ năng ngôn ngữ và có các mối quan hệ địa phương thích hợp.

Hầu như nhà tuyển dụng nào cũng chỉ muốn tìm những ứng viên am hiểu văn hóa địa phương, nắm bắt được môi trường kinh doanh và pháp lý ở những nơi họ sẽ làm việc. Đối với các công việc phải giao tiếp nhiều như bán hàng, tiếp thị, ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản… họ chỉ tuyển những ứng viên có khả năng mang về khách hàng và hợp đồng.

Kỹ năng ngôn ngữ là một lợi thế - có khi là điều kiện bắt buộc - để được tuyển dụng làm những công việc liên quan tới người Hoa. Kết quả là các ứng viên địa phương và những người châu Á sinh trưởng hoặc được đào tạo ở phương Tây có lợi thế vượt trội. Cô Kwan chẳng hạn, sinh trưởng ở Mỹ, nhưng sử dụng thông thạo cả tiếng Quan thoại và tiếng Quảng Đông.

“Người sử dụng lao động không muốn mất thời gian và chi phí đào tạo lại nhân viên mới tuyển. Vả lại, nhiều người địa phương có trình độ và kỹ năng làm việc tốt, cộng với sự thông thạo tiếng Quảng Đông và tiếng Quan thoại, cho nên để được tuyển dụng, người phương Tây phải có khả năng đặc biệt xuất sắc nào đó”, ông Matthew Hoyle, chủ một công ty chuyên tuyển dụng nhân sự cấp cao cho các ngân hàng và quỹ đầu tư, nhận xét.

Thái Bình (Theo New York Times)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tỷ phú giàu muộn (17/08/2010)

>   Afghanistan thấy mỏ dầu trữ lượng gần 2 triệu thùng (15/08/2010)

>   Hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh sắp ra đời (15/08/2010)

>   Hồng Kông ngăn chặn bong bóng bất động sản (15/08/2010)

>   Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn chọn Malaysia (11/08/2010)

>   10 CEO “mất giá” nhất của Mỹ (11/08/2010)

>   Bất động sản Trung Quốc đã bớt căng (11/08/2010)

>   Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực mới (10/08/2010)

>   Bất động sản Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt (10/08/2010)

>   Lợi nhuận của Adidas năm 2010 cao hơn dự kiến (06/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật