Cơ chế giải quyết các dự án đầu tư của Lào có "vấn đề"
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về cơ chế giải quyết các dự án đầu tư có “vấn đề” trong thời gian qua, nhất là các vấn đề liên quan tới lợi ích, phân trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, quyền và lợi ích của người dân…, ông Sinlavong Khutphaythun, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư nói: “Trong 5 năm qua, tính đến tháng 4/2010, Lào đã thu hút được 992 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 10.5 tỷ USD. Đầu tư của khu vực tư nhân này đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP 7.8%/năm.”
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án hiệu quả, cũng còn nhiều dự án có vấn đề, nổi lên là:
1- Khoáng sản: Tác động xấu đến môi trường, đào bới xong không san lấp lại, mâu thuẫn nội bộ các cổ đông. Một số (14) dự án chậm thanh toán tiền thuê đất.
Đối với các dự án đi vào giai đoạn khai thác, vấn đề nổi lên là tranh chấp quyền sử dụng đất giữa doanh nghiệp và người dân (dự án muối kali, huyện Xaythani và dự án muối kali tỉnh Khămmuộn). Bên cạnh đó, còn có dự án khoáng sản chồng lấn diện tích với dự án nông nghiệp, dự án thủy điện (dự án khoáng sản Pạc-xòng chồng lấn với dự án cà phê do tỉnh cấp phép).
Đối với các dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Năng lượng và Mỏ cùng với chính quyền địa phương để giải quyết:
- Trường hợp mâu thuẫn giữa các cổ đông, mời các cổ đông họp với nhau để trao đổi, thương lượng, hòa giải. Nếu không hoà giải được, thì để cho họ giải quyết theo trình tự pháp luật. Trường hợp cổ đông là người nước ngoài, việc giải quyết có sự phối hợp với các Đại sứ quán hoặc giữa Chính phủ hai bên, như với các nhà đầu tư Việt Nam và Trung Quốc, cho thấy cơ chế giải quyết này có kết quả tốt.
- Trường hợp vi phạm hợp đồng, có hình thức nhắc nhở. Nếu không thực hiện thì rút giấy phép.
- Trường hợp chồng lấn lên diện tích đầu tư, biện pháp giải quyết mềm dẻo, làm cho hai bên đều hài lòng là tổ chức họp trao đổi tìm hướng giải quyết. Ví dụ: Tạo điều kiện cho công ty khoáng sản đẩy nhanh thăm dò, nếu thăm dò không có thì trả lại diện tích cho dự án khác.
- Trường hợp dự án lấn vào diện tích đất của dân, biện pháp giải quyết là đền bù hoặc hoàn trả. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề: có nơi giải quyết được, có nơi không, vì hai bên không nhất trí được giá đền bù (theo giá của luật hay giá thị trường).
- Đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng, ảnh hưởng môi trường và không trả tiền thuê đất thì cơ quan có thẩm quyền gửi công văn đến nhắc nhở thường xuyên.
Tóm lại, đối với các dự án khoáng sản, cần chú ý theo dõi, kiểm tra và phối hợp giữa Trung ương với địa phương, nhất là những dự án đi vào giai đoạn khai thác vì liên quan đến vấn đề đền bù và di dời dân.
2- Thủy điện: Vấn đề các dự án thủy điện là vấn đề thị trường tiêu thụ điện. Dự án nào đạt được thoả thuận về giá điện hoặc có thị trường tiêu thụ thì được triển khai tích cực. Ngược lại, dự án nào không tìm được thị trường thì bị chậm trễ, phải chờ đợi hoặc dậm chân tại chỗ. Chính phủ phải vào cuộc, giúp đỡ đàm phán giá điện với đối tác nước ngoài như dự án Nậm Ngừm 3 với Thái Lan, Xêkamản 1 với Việt Nam hoặc một số dự án sản xuất điện phục vụ trong nước, Chính phủ cũng phải đồng ý về giá điện sao cho cả hai bên đều có lợi.
Mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực điện không nhiều. Tuy nhiên ở một vài dự án có việc đầu tư (cũ) đã bị rút giấy phép rồi vẫn đòi quyền được phát triển dự án hoặc đòi đền bù, như dự án nhiệt điện Hong Sả Liknay, Nậm Thơn 1 … Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo giải quyết, lập Ban giải quyết vướng mắc cụ thể.
Tóm lại, đầu tư trong lĩnh vực phát triển năng lượng tiến triển tốt nhất là ở giai đoạn phát triển dự án hoặc xây dựng dự án đã thành lập các Ban phụ trách vấn đề di rời và tái định cư dân, ổn định nơi ăn chốn ở cho dân, là kinh nghiệm tốt để các dự án mỏ và nông nghiệp học tập.
3- Nông nghiệp: Thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp phép cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước 29 dự án về nông nghiệp, trị giá 1,027 tỷ USD với diện tích 260,391 ha. Trong đó diện tích trồng cây keo tai tượng và bạch đàn chiếm 101,325 ha, gỗ công nghiệp 42,859 ha, cây thốt nốt 12,291 ha, sắn 11,408 ha, cà phê 538 ha và cây dược liệu 201 ha.
Theo số liệu của cơ quan quản lý đất đai, diện tích đất cho thuê hoặc tô nhượng làm dự án lên tới 763,797 ha, trong đó các tỉnh cấp 469,508 ha (chiếm 61.47%), huyện cấp 29,738 ha (chiếm 3.89%).
Vấn đề nổi lên với các dự án nông nghiệp là :
- Một số doanh nghiệp khai thác quá diện tích được cấp phép, chiếm dụng đất của dân, thậm chí lấn vào rừng cấm. Ví dụ có 9 dự án ở Champasac đã lấn vào rừng quốc gia Đông-hủa-xảo là 3,972 ha.
- Đầu tư trồng cây phần lớn không theo trình tự của hợp đồng (bỏ qua giai đoạn). Phần lớn đều khai phá, trồng cây trước rồi mới xin giấy tờ như giấy xác nhận về tác động môi trường-xã hội, báo cáo phân tích kinh tế - kỹ thuật và hợp đồng giao đất…
- Cấp đất thiếu so với hợp đồng đã ký.
- Đất các dự án chồng lấn vào nhau, do xác định vùng đất dự án không chính xác, do cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa tốt.
Đối với các vấn đề nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ chế giải quyết như sau:
(i) Trong lĩnh vực năng lượng điện: Thành lập ban phát điện nằm tại từng dự án, làm nòng cốt phối hợp công tác với các đơn vị để giải quyết các vấn đề nảy sinh. Ban này có tổ công tác phối hợp và theo dõi chặt chẽ dự án như việc di dời dân, vấn đề môi trường. Dự án Nam-thơn 2 là một ví dụ tốt của Ban và tổ công tác này.
(ii) Trong lĩnh vực khai khoáng: Sẽ sử dụng nhiều hình thức khác nhau như lập Ban chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề, tổ chức hội nghị, họp giữa nhà đầu tư-nhà đầu tư, nhà đầu tư-Nhà nước, thông qua đường ngoại giao, cơ chế Chính phủ - Chính phủ, Bộ - Bộ và cả cơ chế lãnh đạo cấp cao để giải quyết vấn đề nảy sinh.
Ví dụ: 1) Dự án khai thác chì tại Khăm Muồn của công ty Marico (Nga) với công ty TNHH khoán sản Hảo-han (Trung Quốc), phải thông qua đường ngoại giao để giải quyết mới đạt kết quả;
2) Trường hợp công ty Việt Phương (Việt Nam) với công ty Nêlen (Nga) cũng qua ngoại giao để giải quyết vấn đề;
3) Công ty Cổ phần khoáng sản Lào - Việt Nam (dự án khai thác thiếc, chì kẽm tại Hủa Phăn) phải căn cứ vào trao đổi gặp gỡ giữa 2 Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Việt Nam để giải quyết những vấn đề vướng mắc.
(iii) Trong lĩnh vực nông nghiệp: Tổ chức các đoàn từ nhiều đơn vị liên quan đi kiểm tra thực tế, sau đó tổ chức họp trao đổi giữa cấp Trung ương và địa phương để cùng tháo gỡ vấn đề phù hợp với pháp luật.
Ví dụ: Vấn đề vi phạm rừng quốc gia Đông-hủa-sảo tại tỉnh Champasac, đã phối hợp với Bộ Nông – Lâm, Cơ quan Quốc gia Quản lý Đất đai và các đơn vị liên quan của tỉnh Champasac đi kiểm tra thực tế, phát hiện 9 dự án đã vi phạm diện tích rừng bảo tồn. Đoàn công tác đang đề nghị cấp trên có biện pháp giải quyết vấn đề này. Trường hợp nhà đầu tư đã ký MOU nhưng không được cấp đủ đất như dự án trồng gỗ bạch đàn làm nguyên liệu giấy của công ty Săt-bơ-la Lào, sau khi kiểm tra thực tế thấy dự án này được đầu tư rất hệ thống và có cơ sở thu được lợi nhuận trong tương lai, đoàn kiểm tra đã thúc đẩy cơ quan quản lý đất đai của tỉnh tạo điều kiện cấp thêm diện tích đất cho công ty phát triển dự án.
Tóm lại, các vấn đề nổi lên liên quan tới các dự án đầu tư, chúng tôi đều tiến hành giải quyết theo luật định và cơ chế phối hợp các ban ngành liên quan. Phần lớn các vấn đề được giải quyết thành công. Các vấn đề chưa giải quyết xong đang tiếp tục bàn bạc để tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.
Thị trường nước ngoài, Thương vụ Việt Nam tại Lào
|