Thách thức của nghề “tổng giám đốc”
Thay đổi nhân sự lãnh đạo CTCK có lẽ là một trong những thông tin được cập nhật thường xuyên nhất trên website của các Sở GDCK. Tính riêng trong tháng 6 có hàng chục sự thay đổi vị trí lãnh đạo từ cấp phó tổng giám đốc trở lên. Tổng giám đốc (CEO) CTCK đang trở thành chiếc ghế nóng ở nhiều DN.
Quyết định rời vị trí Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt hồi đầu năm nay của ông Nguyễn Quang Vinh đã làm không ít người bất ngờ. Đây có lẽ là một trong những "lời tạm biệt" đáng chú ý nhất trước sự biến động nhân sự liên tục ở cấp CEO ngành chứng khoán thời gian gần đây. Điểm đến mới của ông Vinh là CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Cũng là điều dễ hiểu khi ông Vinh là người có thâm niên và dày dạn kinh nghiệm trong quản lý CTCK, trong khi đó SHS lại là CTCK trẻ, giàu tham vọng.
Hồi giữa tháng 6, ông Phạm Đức Thắng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc CTCK Kenaga Việt Nam. Trước đó, ông Thắng giữ cương vị Phó tổng giám đốc CTCK SME. Mới đây HĐQT CTCK E Việt (EVS) đã bổ nhiệm ông Phạm Ngọc Thắng giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty này. Trước khi nắm giữ cương vị điều hành cao nhất tại EVS, ông Thắng là Tổng giám đốc CTCK Trường Son. Ông Thắng là người gắn bó và tham gia gây dựng CTCK Trường Sơn từ những ngày đầu thành lập. Ngày 28/6, HĐQT CTCK Liên Việt (LVS) cũng có quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Xuân Quyến làm Tổng giám đốc LVS. Trước đó, ông Quyến là Phó tổng giám đốc CTCK Tân Việt.
Hồi đầu tháng 6, CTCK Thành Công (TCSC) cũng có sự thay đổi thành viên ban lãnh đạo. Theo đó, TCSC miễn nhiệm ông Đặng Quang Tý, Tổng giám đốc và bổ nhiệm ông Trương Gia Bảo thay thế.
Trong môi trường làm việc có nhiều biến động như TTCK, việc thay đổi nhân sự cũng là điều dễ hiểu. Tổng giám đốc CTCK là một nghề, là người làm thuê, nên việc đến và đi cũng rất bình thường. Tuy nhiên, sự thay đổi liên tục cho thấy CEO tại các CTCK là chiếc ghế nóng không dành cho người thiếu bản lĩnh và ưa sự cầu toàn.
Tổng giám đốc một CTCK có tên tuổi trên thị trường cho biết, sở dĩ ông rời DN cũ sau bao năm gây dựng để đến một CTCK mới có nhiều khó khăn hơn là do những ý kiến của mình không được HĐQT tôn trọng. Bản đề án chiến lược phát triển công ty giai đoạn mới được ông soạn và gửi lên đã 2 năm mà HĐQT chưa hề cho ý kiến. "Đó là một tập đoàn kinh tế lớn nên có thể họ có những mối quan tâm khác lớn hơn. Nhưng cách hành xử như vậy cũng gây ra những bức xúc", vị tổng giám đốc kể trên nói và cho biết thêm, sau một giai đoạn phát triển thì CTCK cũng cần những động lực mới để đi lên. Khi không được đáp ứng, ông buộc phải tìm đến môi trường mới với nhiều thử thách hơn. Sau khi nghỉ việc, với uy tín tạo dựng, ông đã nhận được nhiều lời mời hấp dẫn. Nhưng cuối cùng ông đã đến một CTCK có nhiều tiềm năng phát triển, cho dù trước mắt là bộn bề khó khăn. Điều quan trọng nhất là ông hợp "cạ" với chủ tịch HĐQT trong việc vạch ra định hướng phát triển công ty.
Thay đổi nhân sự thường diễn ra theo xu hướng nhân sự từ các CTCK có tên tuổi nhưng giữ cương vị thấp hơn, chuyển sang CTCK mới có quy mô nhỏ nhưng chức danh lớn hơn. Điều đó cho thấy hoài bão lớn trong công việc và cả những thách thức mà những người ra đi muốn tìm đến. Một tổng giám đốc vừa nhận quyết định nói với ĐTCK, trong cương vị mới, áp lực sẽ lớn hơn rất nhiều. "Trước khi sang đây, tôi đã từng tham gia gây dựng 3 - 4 DN, trong đó có cả CTCK, nên khá tự tin. Lãnh đạo CTCK cũng giống như những kiến trúc sư. Sau khi hoàn thiện công trình này lại muốn kiến thiết các công trình khác. Tuy nhiên, cũng có những công trình xây dựng dở dang hoặc không được như ý muốn vì nhiều lý do. Có thể là do những bất đồng giữa HĐQT và ban điều hành…", vị tổng giám đốc này tâm sự.
Công việc đầu tiên khi trở thành CEO tại CTCK mới thường là sắp xếp lại bộ máy nhân sự, rà soát các khâu trọng yếu trong hoạt động của công ty. Do tính chất ê kíp trong công việc, nên có những "thủ lĩnh" ra đi đã kéo theo nhân sự ở cấp thấp hơn đi cùng. "Tôi chưa bao giờ có ý định câu kéo nhân viên cũ đi theo. Nhưng tôi chỉ nói với họ rằng khi không còn làm việc ở đó nữa thì hãy gọi điện cho tôi!", tổng giám đốc một CTCK trần tình. Nếu lãnh đạo DN thực sự là thủ lĩnh, có uy tín, thì sự ra đi của họ là những thiệt thòi lớn với công ty cũ. Vì khi các nhân sự cấp dưới đi theo, họ sẽ mang theo kinh nghiệm, khách hàng và quan hệ tại công ty cũ sang công ty mới. Ở chiều ngược lại, nhiều nhân sự chủ chốt trong công ty cũ sẽ phải tìm cách ra đi do không hợp với ban lãnh đạo mới.
Hiện nay, thu nhập của các tổng giám đốc CTCK dao động trong biên độ khá rộng, từ 40 - 100 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào hiệu quả, uy tín và danh tiếng của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó là những chính sách đãi ngộ đi kèm rất hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người nói với ĐTCK rằng, điều quan trọng với họ là môi trường làm việc. Họ muốn được tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực, có tiếng nói trong HĐQT, chứ không đơn giản chỉ là người làm thuê, những người "thợ" thuần túy. Đó là nguyên nhân chính khiến họ ra đi chứ không hẳn là vấn đề thu nhập.
Có rất nhiều tiêu chí đánh giá sự thay đổi và sự thay đổi tại các CTCK rất dễ nhận thấy (thị phần môi giới, hiệu quả kinh doanh…), nên các CEO cũng dễ bộc lộ năng lực của mình. Đó là điều khiến tổng giám đốc CTCK đang trở thành là một nghề nóng đầy thách thức.
Thanh Đoàn
Đầu tư chứng khoán
|