Chuyển đổi DNNN thành Công ty TNHH Một thành viên
Hình thức hay là bước đệm?
Việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước chỉ là bước đệm để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu cổ phần hóa.
Việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thành công ty TNHH một thành viên đã cơ bản về đích trước ngày 1-7 - thời điểm Luật DNNN hết hiệu lực. Nhưng việc đúng hẹn này cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.
Chạy tiến độ
Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 1-7, cả nước còn 1.206 doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước. Về cơ bản, các DN đã chuyển đổi xong, chỉ còn khoảng 40 DN thuộc thẩm quyền của địa phương chưa được chuyển đổi.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc cán đích này chỉ mang tính hình thức để thực hiện Luật DN. Lẽ ra, việc cổ phần hóa DNNN được làm trong 4 năm nhưng tiến trình cổ phần hóa rất chậm. Đến ngày 1-7, các DN chưa cổ phần hóa đều phải chuyển đổi mô hình để hoạt động theo Luật DN vì Luật DNNN hết hiệu lực. Do đó mới có cuộc chạy đua nước rút rất vội vã. Theo điều lệ chuyển đổi, vốn DN vẫn là vốn sở hữu Nhà nước, không thay đổi nhân sự, không đánh giá tình trạng kinh doanh. Như thế chỉ đem lại tác dụng rất hạn chế. TS Lê Đăng Doanh đưa ra trường hợp tái cơ cấu Vinashin đúng trước “giờ G” là một điển hình cho việc chạy tiến độ.
Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM VN, cũng đánh giá đây chỉ là sự chuyển đổi về mặt hình thức cho phù hợp với cam kết WTO chứ không phải điểm dừng cuối cùng. Về mặt nội dung, cần phải mất nhiều năm, không thể làm ngày một ngày hai. Những DN này sớm muộn gì cũng phải đi tiếp bước chuyển đổi thành công ty cổ phần, trừ những DN thuộc diện Nhà nước phải chi phối về vốn.
Với cái nhìn lạc quan, một số cơ quan quản lý coi đây là bước đệm để tăng tốc quá trình cổ phần hóa DNNN vốn đang ì ạch nhiều năm nay. Tiến độ này ngày càng chậm vì những DN đủ điều kiện đã cổ phần hóa xong, số còn lại đều là những DN có vướng mắc về thủ tục, quá lớn về quy mô, khó khăn về tài chính... Năm 2009, cả nước chỉ cổ phần hóa được 60 DN và bộ phận DN, đạt 8,4% kế hoạch đề ra. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do kinh tế suy giảm, khó phát hành trái phiếu.
Bình mới, rượu cũ?
Ông Trần Tiến Cường, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương), cho biết đây chỉ là bước đệm để DN thực hiện mục tiêu cổ phần hóa. Việc Nhà nước nắm giữ 100% vốn nhằm phân loại các DNNN cần thoái vốn hoặc vẫn giữ chủ sở hữu sau khi cổ phần hóa. Việc chuyển đổi nhằm hai mục tiêu lớn là tạo ra sân chơi bình đẳng cho mọi DN, không kể thành phần kinh tế, chủ sở hữu và khắc phục tình trạng làm ăn kém hiệu quả của DNNN. Trở thành công ty TNHH một thành viên, DN chỉ có một chủ sở hữu và chỉ chịu trách nhiệm trước ông chủ này. Đồng thời khắc phục được tình trạng nhiều đầu mối, thụ động, chờ đợi hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên.
Tuy nhiên, vấn đề quản trị DN, cụ thể là các chức danh chủ chốt của DN sau chuyển đổi lại chưa được quy định rõ ràng trong điều lệ chuyển đổi. Một chuyên gia kinh tế nhận định quản trị DNNN đang tồn tại 3 vấn đề chính. Đó là chưa xác định được chủ sở hữu Nhà nước một cách rõ ràng; Nhà nước chưa là chủ sở hữu chuyên nghiệp và chưa bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền của chủ sở hữu Nhà nước nên chưa đủ khả năng đảm nhiệm vai trò của một nhà đầu tư vốn. Thực thi các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước tại các DNNN thông qua hệ thống người đại diện đang phát sinh nhiều bất cập. Đây chính là một vướng mắc lớn trong quá trình chuyển đổi DNNN.
Phương Anh
Người lao động
|