Chủ Nhật, 25/07/2010 11:37

Estonia - cứu cánh cho Eurozone?

Ngày 13/7, Bộ trưởng Tài chính 27 nước EU đã thông qua việc kết nạp Estonia vào khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) từ ngày 1/1/2011, dường như để khuếch trương thanh thế của nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung euro và "chào mừng" sự kiện thông qua kế hoạch nhất thể hóa kinh tế EU.

Điều đáng nói ở đây là Estonia, một nước tách ra từ Liên Xô cũ, là một nền kinh tế không lấy gì làm mạnh và cũng chịu ảnh hưởng nặng từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm ngoái, GDP của Estonia giảm 14,1%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 19,8%.

Việc kết nạp Estonia một lần nữa khiến giới học giả và chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo rằng chỉ có thể cứu được châu Âu khỏi vũng lầy khủng hoảng khi giải tán Eurozone và chính thức chấm dứt sự tồn tại của đồng euro.

Liên minh châu Âu (EU) thực chất là một cơ chế chính trị là chính. Bằng việc liên kết không gian châu Âu ngày càng chặt chẽ về mặt chính trị, EU là sự bảo đảm để chiến tranh lớn không xảy ra và trên thực tế hơn nửa thế kỷ nay ở châu Âu không xảy ra cuộc chiến tranh lớn nào, có thể nói đó là thành tựu chủ chốt của EU.

Tuy nhiên, đó là thành tựu về chính trị - quốc phòng, còn về kinh tế, sự ra đời của Eurozone và đồng tiền chung euro lại không thể thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu với các nước nghèo để đi đến liên kết chặt chẽ về kinh tế trong các nước châu Âu.

Vấn đề khó khăn của kinh tế châu Âu nằm ở chỗ ngay từ khi thành lập ra Eurozone, các nước thành viên có tiềm lực vốn đã không cùng chí hướng mà lại theo đuổi các mục đích khác nhau. Các nền kinh tế mạnh về xuất khẩu như Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg đã trông mong vào những ưu thế khổng lồ giúp đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm của mình, thu về các món lợi lớn mà không phải bận tâm chuyện tỷ giá thay đổi. Còn các nền kinh tế chưa đủ mạnh như Hy Lạp và các nước Đông Âu thì hy vọng Eurozone giúp họ có được các khoản tín dụng ưu đãi.

Kết quả, các nền kinh tế mạnh đã đạt được điều họ muốn, thu về các món lợi nhuận khổng lồ từ việc xuất khẩu hàng hóa, khả năng cạnh tranh của Đức tăng 3 lần, mức sống ở Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg và các nước Bắc Âu vượt trội tới 35% so với mặt bằng chung châu Âu; còn các nền kinh tế nhỏ hơn cũng đạt nguyện vọng của mình về tín dụng lãi suất thấp.

Thế nhưng, do không có cơ chế điều tiết chung về quản lý kinh tế cũng như không có ngân sách chung, nên Eurozone ngày càng lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng. Hiện giờ, người ta đang tranh cãi, nước nào cần rút khỏi Eurozone (hoặc bị khai trừ khỏi nhóm) để cứu lấy Eurozone và đồng euro đang thoi thóp.

Một mặt, loại bỏ các điểm nóng nợ công như Hy Lạp, Tây Ban Nha sẽ giúp Eurozone lấy lại được phần nào hy vọng. Mặt khác, các nền kinh tế mạnh như Đức, Pháp nếu rút khỏi Eurozone sẽ giúp các đầu tàu EU này trút bỏ được gánh nặng bơm tiền cứu trợ vào những cái thùng tưởng chừng không đáy để tập trung vực dậy nền kinh tế của chính mình và của châu Âu nói chung. Các nước PIIGS (Bồ Đào Nha, Italia, Ai Len, Hy Lạp, Tây Ban Nha) một khi ra khỏi Eurozone, trở lại dùng đồng tiền nội tệ riêng cũng có thể lấy đó làm công cụ thúc đẩy sức cạnh tranh xuất khẩu (bằng cách phá giá đồng nội tệ).

Song cũng có lý do để tiếp tục duy trì đồng euro. Đó là vì thị trường thế giới cần có một đồng tiền có tính thanh khoản cao và phổ biến rộng rãi song song với đồng USD.

Cho đến nay, hầu hết giới học giả và phân tích kinh tế cho rằng, lối thoát duy nhất giúp Eurozone tránh khỏi tan rã là EU phải lập ra hệ thống tài chính thống nhất và không gian chính trị thống nhất, hay nói cách khác là nhất thể hóa toàn diện cả về chính trị lẫn kinh tế, kèm theo tăng cường vai trò của các nền kinh tế mạnh cũng như san sẻ quyền hoạch định quyết sách tài chính cho các nước yếu hơn.

Với riêng Estonia mà nói, việc vào Eurozone trong bối cảnh số phận đồng euro còn đang bấp bênh chưa chắc đã giúp ích được gì cho nền kinh tế nước này. Hãy nhìn tấm gương Hy Lạp, nước này được kết nạp vào Eurozone năm 2000 và đến bây giờ không những không đẩy mạnh được kinh tế mà còn đứng bên bờ vực vỡ nợ. Nhưng một số học giả lại cho rằng, kinh tế Estonia quá nhỏ để có thể làm xấu đi tình hình của đồng euro.

Về mặt chính trị, hiện nay là lúc người ta bàn luận ngày càng sôi nổi về khả năng giải tán Eurozone, do vậy việc nhận thêm một nước không giàu có dường như để chứng minh cho thế giới thấy rằng “Eurozone sẽ còn tồn tại lâu dài” cũng như để tìm cách xóa nhòa quan niệm cho rằng có sự phân biệt đối xử đối với các nước EU non trẻ đến từ Trung Âu và Đông Âu.

Xét về mặt chính trị, Estonia sẽ là một công cụ tuyên truyền có lợi cho EU. Về phần mình, vào được Eurozone, Estonia sẽ tham gia sâu hơn trong các cơ chế châu Âu, đặc biệt là Ngân hàng châu Âu.

Về kinh tế, Estonia sử dụng đồng euro có thể mang lại 3 mặt lợi ích: Không còn nguy cơ phá giá đồng tiền nội tệ; sự ổn định tiền tệ thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Estonia; tăng nhu cầu bất động sản, giúp thúc đẩy kinh tế nói chung.

Song đó cũng chỉ là “có thể” chứ chưa phải là “chắc chắn”, phụ thuộc vào diễn biến tình hình đồng euro trong thời gian tới và cách Estonia nắm bắt cơ hội trong khi phải đối phó với một số mặt bất cập từ việc sử dụng đồng euro.

Cụ thể, giá cả sẽ tăng cao, trước hết là các mặt hàng tiêu dùng đối với các tầng lớp nhân dân có thu nhập thấp; chính sách thuế có thể sẽ phải chịu sự thay đổi không mấy thuận lợi cho giới doanh nghiệp; việc thắt chặt chi tiêu ngân sách sẽ tác động không thuận về mặt an sinh xã hội.

Như vậy, vào Eurozone trong điều kiện hiện nay có lẽ chỉ giúp ích cho Estonia củng cố tiếng nói của mình trong các cơ chế châu Âu như EU, NATO và Ngân hàng châu Âu chứ chưa thể làm nước này ổn định hóa nền kinh tế của mình. Ngược lại, việc kết nạp thêm Estonia vào nhóm chưa chắc đã là cứu cánh đối với một Eurozone đang thoi thóp.

Hà Chi

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Hyundai Hàn Quốc ra mắt thang máy nhanh nhất thế giới (22/07/2010)

>   Bất động sản vùng vịnh Mexico rơi xuống đáy (22/07/2010)

>   Làm việc 25 năm mới mua được 1 căn hộ (22/07/2010)

>   Pháp đứng thứ ba về thu hút đầu tư nước ngoài (21/07/2010)

>   Nhật cân nhắc thay phương thức cho vay viện trợ (19/07/2010)

>   Thế giới tuần 12-18/7: Hai cú đảo chiều (19/07/2010)

>   Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Lào (18/07/2010)

>   Trung Quốc ra mắt tập đoàn sắt thép quy mô lớn (15/07/2010)

>   Trung Quốc có 9/10 thành phố tăng trưởng nhanh (15/07/2010)

>   Google "dính" kiện tại Trung Quốc (14/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật