Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi: Có thêm thuốc tăng lực?
Cuối tháng 6, Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (EVN HPC DHD) sẽ đấu giá công khai 105.745.400 cổ phần (CP). Là một doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN HPC DHD được đánh giá là có vị trí lớn thứ 3 trong số các nhà máy thủy điện (NMTĐ) của cả nước. Do vậy, việc đấu giá CP ra công chúng lần này sẽ tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất, kinh doanh cho EVN HPC DHD.
Điểm nhấn trong ngành thủy điện
NMTĐ Đa Nhim (công suất 160MW) là một trong những công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở nước ta, khai thác nguồn thủy năng của hệ thống sông Đồng Nai. Lượng nước của hồ Đa Nhim sau khi phát điện còn được dùng tiếp cho thủy điện Sông Pha (7,5MW) và nước sinh hoạt, tưới tiêu cho cả tỉnh Ninh Thuận. Theo thiết kế, thời gian chạy máy chỉ là 6.400giờ/năm, nhưng hiện nay thường xuyên chạy 8.200giờ/năm mà thiết bị vận hành vẫn ổn định, ít bị sự cố, nhất là từ năm 2006, khi nhà máy hoàn tất việc phục hồi thay thế hầu hết các thiết bị chính. NMTĐ Hàm Thuận có công suất 300MW, sản lượng thiết kế 965 triệu kWh, nay mới đạt chưa đến 800 triệu kWh mỗi năm; Đa Mi (175MW), sản lượng thiết kế là 580 triệu kWh, trên thực tế mới đạt khoảng 450 triệu kWh/năm.
NMTĐ Sông Pha là công trình bậc thang dưới của Nhà máy Đa Nhim. Còn 2 NMTĐ Hàm Thuận, Đa Mi (475MW) được xây dựng trên sông La Ngà. Nhà máy Hàm Thuận sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông La Ngà để chạy hai tổ máy. Nước sau khi chạy máy Hàm Thuận được dẫn về hồ chứa Đa Mi, tiếp tục sử dụng để chạy 2 tổ máy của Thủy điện Đa Mi.
Kể từ khi sáp nhập 2 cụm NMTĐ Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi về một đầu mối quản lý là Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, đồng thời chuyển sang hạch toán kinh tế độc lập từ ngày 1-7-2005, Công ty trở thành mô hình tập trung quản lý các NMTĐ về một đầu mối để quản lý có hiệu quả.
Mở rộng lĩnh vực kinh doanh
Ngoài tập trung sản xuất điện năng, EVN HPC DHD đang mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ kỹ thuật trọn gói cho các NMTĐ nhỏ và vừa trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận; tham gia góp vốn, đầu tư vào các dự án phong điện như Phú Lạc, Lợi Hải, Công Hải tại Ninh Thuận và Bình Thuận... góp vốn đầu tư các dự án thủy điện A Vương, Sêrepok, Sê San 4, Sông Ba Hạ.
Với hai khu vực phát điện là Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi tách biệt nhau về vị trí địa lý nên EVN HPC DHD có thể bù đắp sản lượng và chia sẻ rủi ro khi thời tiết biến động.
Theo phương án kinh doanh của EVN HPC DHD trong giai đoạn 2010-2013, ngoài những giải pháp để đạt lượng điện sản xuất 2.576 triệu kWh/năm, như tăng cường quản lý kỹ thuật để nâng cao tính sẵn sàng của thiết bị, đáp ứng yêu cầu phát điện an toàn, liên tục, hiệu quả; chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng nhằm thay thế kịp thời các linh kiện, thiết bị hay hỏng hóc hoặc vật tư tiêu hao theo thời gian... Công ty còn có chiến lược cung cấp dịch vụ bên ngoài.
Hiện nay, nước ta đã có thêm nhiều công trình thủy điện lớn, nhưng NMTĐ Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi được ghi nhận là thương hiệu mạnh trong ngành thủy điện.
Thanh Mai
Hà Nội Mới
|