Chưa tìm được “3 cái chốt” cho cổ phần hoá DNNN
Thông tin mới nhất về tiến độ xây dựng Dự thảo Nghị định về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP (thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP) được ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ cho biết khi trao đổi với ĐTCK: Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn chỉnh dự thảo nghị định này, nhưng vẫn còn 3 vấn đề quan trọng là xác định giá đất, bán cổ phần cho NĐT chiến lược và chính sách với người lao động còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần xử lý trước khi trình Chính phủ để ban hành trong quý III/2010. Nếu không giải quyết tốt "3 cái chốt" này thì dễ bị lợi dụng.
Cụ thể điều chưa ổn của quy định về xác định giá đất khi tính giá trị DN là gì, thưa ông?
Nếu căn cứ vào quy định của dự thảo Nghị định, thì việc xác định giá trị đất đai khi tính giá trị DN không đơn giản, vì xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường trong điều kiện bình thường trên thực tế rất khó khăn. Thực tế, tại khu vực có vị trí đất của DN cần xác định giá trị, trong nhiều năm không có hoạt động chuyển nhượng, thì làm gì có giá thị trường trên thực tế làm căn cứ để tham khảo? Trường hợp khác, nếu đất của DN nằm ở vị trí toàn là nhà công sở, không có nhà dân và cũng không có hoạt động mua bán, vậy phải căn cứ vào đâu để xác định giá đất theo giá thị trường? Rõ ràng, nếu dự thảo Nghị định không giải quyết triệt để các tình huống này, thì không khéo ngay khi chính sách cổ phần hoá (CPH) mới ra đời đã rơi vào bế tắc, khiến nỗ lực đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN gặp khó khăn.
Một vướng mắc cốt yếu hiện nay trong chính sách CPH là cơ chế bán cổ phần cho cổ đông chiến lược. Vì sao vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt này của giới đầu tư, nhất là NĐT nước ngoài vẫn chưa được dự thảo Nghị định giải quyết ổn thoả, thưa ông?
Có ý kiến cho rằng, đã là cổ đông chiến lược thì họ phải được mua cổ phần với giá rẻ, để đổi lại DN nhận được sự đầu tư về tài chính, công nghệ, kỹ năng quản lý, thậm chí giá trị thương hiệu của cổ đông chiến lược. Trong khi đó, ý kiến khác lại cho rằng, cổ đông chiến lược muốn mua cổ phần phải tham gia đấu giá, để đảm bảo công bằng... Mỗi quan điểm có cái lý riêng, bởi vậy muốn tìm lời giải cho vấn đề này cần có cách nhìn mới theo hướng không nên máy móc đặt vấn đề DN nào khi CPH cũng cần có cổ đông chiến lược. Nếu không cẩn trọng, quy định này dễ bị các DN lợi dụng. Trên thực tế, có một DN ở phía Nam, khi tìm kiếm cổ đông chiến lược, họ đã đề xuất phương án gây "sốc" là bán cổ phần cho "cổ đông chiến lược" là Phòng thuế địa phương và lực lượng cảnh sát giao thông (!?). Hỏi ra mới hay, cái lý của DN là pháp luật không cấm, hơn nữa với đặc thù hoạt động của mình, thì việc chọn các đối tượng trên làm "cổ đông chiến lược" sẽ giúp DN rất thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh. Dẫn chứng như vậy để thấy, chính sách bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nếu quy định lỏng quá cũng không ổn, chặt quá cũng không xong. Thực ra, Nhà nước sẵn sàng tạo cơ chế ưu đãi cho DN để thu hút cổ đông chiến lược, nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là quy định như thế nào để tránh DN lợi dụng chính sách này cho mục đích không lành mạnh. Nhà nước không thể bỏ tiền sai chỗ, gây thất thoát tài sản của dân. Mỗi một DN thuộc các ngành nghề khác nhau cần có những tiêu chí mang tính đặc thù, để giúp họ thuận lợi trong thu hút cổ đông chiến lược, chứ không nên dừng lại ở các quy định chung chung.
Phải chăng điều bất ổn của quy định về chính sách đối với người lao động nằm ở chỗ họ phải cam kết gắn bó lâu dài với DN thì được hưởng nhiều quyền lợi, bởi việc ưu đãi tràn lan này vô tình "trói" DN phải sử dụng những lao động kém chất lượng, gây khó khăn cho tuyển dụng đội ngũ lao động trình độ cao?
Đúng vậy. Quy định người lao động trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm công bố giá trị DN CPH thuộc đối tượng DN cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho DN thì sẽ được hưởng các quyền lợi ưu đãi... mới chỉ nghĩ chiều thuận, mà chưa tính tới chiều bất lợi cho DN. Hệ quả của quy định ưu đãi tràn lan này là với những lao động có trình độ không cao, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN thì DN sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn thay thế. Với quy định này, đối tượng được lợi nhiều nhất là người lao động có trình độ thấp, vì họ gần như được đảm bảo có việc làm ổn định tại DN, bất chấp hiệu quả làm việc ra sao. Cơ chế ràng buộc về thời hạn lao động để được hưởng các quyền lợi ưu đãi chỉ nên áp dụng đối với lao động có trình độ cao, đòi hỏi chuyên môn phức tạp, đội ngũ lao động nguồn của DN, chứ không nên áp dụng tràn lan đối với lao động phổ thông, lao động làm việc ở các khâu không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.
Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán
|