Thứ Năm, 03/06/2010 12:00

Châu Á đi tìm vai trò mới

Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á (World Economic Forum on East Asia - WEF) năm nay được tổ chức tại TPHCM trong hai ngày 6 và 7-6-2010. Nếu nhìn lại chủ đề của hai diễn đàn Đông Á gần đây nhất (năm 2009 tổ chức tại Seoul về những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến Đông Á và năm 2008 tại Kuala Lumpur về đối phó với những bất định mới) thì chủ đề năm nay “Tái tư duy về nghị trình lãnh đạo của châu Á” cho thấy các nhà tổ chức xem châu Á không những đã thoát khỏi khủng hoảng mà còn chủ động đưa ra các giải pháp cho thách thức của nền kinh tế toàn cầu.

Đề tài thảo luận đầu tiên tại diễn đàn năm nay mang tên “Châu Á sẽ dẫn đầu như thế nào?”. Thật vậy, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát, người ta thường quan niệm kinh tế châu Á phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn phương Tây như châu Âu và Mỹ, một khi các nơi này chưa phục hồi, châu Á rất khó tìm ra con đường phục hồi kinh tế riêng cho mình. Thực tế đã chứng minh ngược lại.

Nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp nhận định chính nhu cầu tại các nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia đang là động lực thúc đẩy sự phục hồi sản xuất cho các nước phương Tây. Bản thân các nước châu Á hầu như không chịu cảnh khủng hoảng ngân hàng hay nợ dưới chuẩn; đường phố các nước này không có cảnh người dân biểu tình như ở Hy Lạp… Trong một báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định: “Đây là lần đầu tiên châu Á dẫn đầu trong cuộc phục hồi toàn cầu” nhờ vào mức tăng trưởng cao dựa trên xuất khẩu và đặc biệt là nhu cầu nội địa toàn vùng.

Tuy nhiên, để làm được vai trò này, châu Á phải vượt qua nhiều thách thức nội tại. Chính vì thế các phiên thảo luận khác của diễn đàn tập trung vào các vấn đề tương đối cụ thể.

Tham nhũng là một trong những vấn đề như thế. Theo những ước tính dè dặt nhất, quy mô tham nhũng ở một số nước châu Á lên đến 5% GDP, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, tạo ra những làn sóng tội phạm và bất công xã hội.

Tham nhũng thường đi liền với lợi ích bất chính của doanh nghiệp vì thế công cuộc chống tham nhũng phải đi kèm với cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp nào tuân thủ luật pháp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp “đi đêm”.

Ở một góc nhìn dài hạn hơn, diễn đàn cũng sẽ thảo luận những vấn đề lớn như làm sao để thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước châu Á trong bối cảnh các nước này còn có quá nhiều khác biệt, kể cả trình độ phát triển kinh tế, giá trị xã hội, khác biệt văn hóa, kể cả tôn giáo. Liệu có thể tìm một tiếng nói chung thông qua giá trị doanh nghiệp? Làm sao thúc đẩy tiêu dùng ở châu Á trong khi hạ tầng cho một mạng lưới an sinh xã hội hầu như chưa được hình thành như ở châu Âu?

Riêng với Việt Nam, trong vai trò là chủ tịch ASEAN năm nay, diễn đàn là dịp để Việt Nam thúc đẩy việc hợp tác kinh tế nội vùng, một thị trường có 580 triệu người tiêu dùng và tổng GDP lên đến 1.500 tỉ đô la. Hợp tác nội vùng cũng giúp các nước ASEAN có tư thế khác hẳn để làm việc với các đối tác lớn như Trung Quốc, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm nay.

Kết hợp vấn đề biến đổi khí hậu và truyền thống nông nghiệp của nhiều nước Đông Nam Á, các đại biểu cũng sẽ bàn luận những chiến lược giúp duy trì an ninh lương thực trong vùng một khi đến 40% diện tích canh tác có thể chìm dưới mực nước biển vào năm 2050. Các siêu đô thị đang được xây dựng ở Đông Nam Á sẽ phải thích ứng như thế nào trước tác động to lớn của biến đổi khí hậu?

Nhân dịp này TBKTSG giới thiệu hai bài liên quan đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2010 gồm bài phỏng vấn ông Sushant Palakurthi Rao và bài Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Đông Á.

N.V.P

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Mỹ nợ kỷ lục 13.000 tỷ USD (03/06/2010)

>   G-20 sẽ tập trung vào vụ khủng hoảng nợ châu Âu (02/06/2010)

>   OECD: Kinh tế thế giới không quay lại suy thoái (02/06/2010)

>   GDP quý I của Australia tăng trưởng như dự báo (02/06/2010)

>   Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh (02/06/2010)

>   Lào: Ngành công nghiệp chế biến tăng trưởng cao (01/06/2010)

>   Ba Lan quyết gia nhập Eurozone sớm nhất có thể (01/06/2010)

>   Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại (01/06/2010)

>   Nhật Bản đề ra chiến lược tăng trưởng kinh tế mới (31/05/2010)

>   WEF: Khủng hoảng kinh tế còn kéo dài (31/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật