Trái phiếu chuyển đổi: Hấp dẫn, nhưng đầy rủi ro
Từ đầu năm 2010 đến nay, do những diễn biến trái chiều trên sàn chứng khoán cùng với việc lãi suất liên ngân hàng có nhiều biến động, nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm hơn đến trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) của DN.
Tính hấp dẫn cao
Đối với DN, phát hành TPCĐ cũng là một hình thức vay vốn, nhưng hình thức vay lại dài hạn, đồng thời có thể chủ động sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành mà không phải chịu sự giám sát chặt chẽ cho từng mục đích sử dụng vốn như đối với nguồn vốn đi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, DN phát hành trái phiếu thường có những lợi thế như không phải chịu sức ép về cổ tức chi phối từ cổ đông mới như phát hành cổ phiếu, được hưởng lợi từ chính sách thuế đối với khoản lãi trả trái phiếu.
Thống kê chưa đầy đủ, trên thị trường hiện nay có hàng chục nghìn tỷ đồng TPCĐ do các DN phát hành. Đi đầu phải kể đến các “ông lớn” trong ngành ngân hàng Việt Nam như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)… Gần đây nhất, Ngân hàng SHB được UBCK Nhà nước cấp giấy phép chào bán 15 triệu TPCĐ kỳ hạn 12 tháng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thời gian phân phối trong vòng 90 ngày. Cũng trong năm nay, Techcombank dự kiến phát hành 3.000 tỷ TPCĐ. Theo đó, người sở hữu trái phiếu được thực hiện quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của Techcombank sau thời hạn dự kiến 5 năm đầu tiên kể từ thời điểm phát hành. Ngoài ra, một số ngân hàng và DN khác như LienVietBank, SHB, OCB… cũng đã và đang có kế hoạch phát hành TPCĐ.
Theo nhiều DN, bên cạnh các yếu tố nhân lực, công nghệ, thì vốn chủ sở hữu hoặc vốn tự có đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch phát hành TPCĐ là nhằm tăng vốn điều lệ, tạo điều kiện tốt nhất cho DN nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh. Thêm vào đó, do kênh cung ứng tín dụng cho DN từ ngân hàng đã trở nên khó khăn. Nguồn tiền rót ra từ các ngân hàng thương mại phục vụ cho việc triển khai các dự án của DN luôn bị hạn chế do việc Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất, khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng nên việc DN phát hành TPCĐ cũng là điều dễ hiểu.
Dự báo, từ tháng 5 đến tháng 9/2010 việc phát hành TPCĐ của DN sẽ “vào mình”, bởi lúc đó hoạt động của hầu hết DN vào "guồng", nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư tăng lên. Mặt khác, DN cũng chọn thời điểm này để phát hành trái phiếu bởi trông đợi vào luồng tiền giải ngân của các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Không ít Rủi ro
Điều không thể phủ nhận là hình thức TPCĐ đem lại nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư cũng như tăng cường sức hấp dẫn của trái phiếu nhờ khả năng chuyển đổi theo một tỷ lệ nhất định do DN ấn định ngay từ đầu hoặc tại thời điểm đáo hạn. Tuy nhiên, hình thức này cũng chứa đựng nhiều rủi ro.
Đối với DN, trước hết là gánh nặng lãi suất bởi lẽ, thời hạn phát hành từ 3 tới 5 năm của trái phiếu là chưa đủ để DN có thể ổn định được nguồn thu, nhất là đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn. Tuy nhiên, DN phải có trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư lãi suất trái phiếu với một mức cố định. Chính điều này tạo ra gánh nặng cho dòng tiền của DN, đặc biệt trong những năm đầu thực hiện dự án – khi chưa tạo được nguồn thu ổn định. Về phía nhà đầu tư, họ có thể gặp rủi ro khi tham gia mua TPCĐ, đặc biệt là của DN chưa CPH bởi việc CPH một DN không hề dễ dàng nhất là việc CPH một tổ chức tài chính (ngân hàng) không hề đơn giản bởi việc CPH liên quan đến nền kinh tế của cả một quốc gia và lợi ích kinh tế của đất nước. Trong khi chờ đợi như vậy, tiền của người mua trái phiếu sẽ được hưởng một mức lãi suất thấp.
Một khó khăn khác là triển vọng tăng lãi suất cơ bản và thắt chặt tiền tệ khá rõ ràng trong năm 2010. Lãi suất tăng cao khiến cho DN phải trả mức lãi suất cao hơn mới hấp dẫn được nhà đầu tư và phải thả nổi lãi suất trong thời hạn dài. Ngoài ra, các tổ chức nếu mua trái phiếu sẽ nhìn vào giá trị thực của trái phiếu trên thị trường giao dịch, chứ không phải chỉ là lãi suất. Khi lãi suất tăng, giá trị thực của trái phiếu đã phát hành (với lãi suất cố định) sẽ giảm xuống. Những lý do này lý giải việc cho tới nay nhà đầu tư mua TPCĐ chủ yếu vẫn là các tổ chức, DN có quan hệ làm ăn với nhau hoặc ngân hàng, vừa tư vấn phát hành vừa là nhà đầu tư.
Nguyễn Hải
CÔNG THƯƠNG
|