Thứ Tư, 19/05/2010 09:14

Quy định riêng mức thuế suất đối với đất lấn, chiếm

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là tên mới của dự án Luật Thuế nhà đất, sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7, khai mạc sáng 20/5.

Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu với nhiều ý kiến phản đối gay gắt việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Ý kiến này đã được tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự luật để trình ra Quốc hội tại kỳ họp này.

Và, xuất phát từ việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, để đảm bảo thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật, dự luật đã có tên gọi mới như đã nói ở trên.

Lý do chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế, theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là chưa được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Hơn nữa, một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm han chế đầu cơ về nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà lại gắn liền với đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị nhà xây dựng trên đất. Do vậy để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.

Lý do nữa là, áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản, song trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều tài sản khác có giá trị lớn hơn giá trị xây dựng của nhiều loại nhà như ôtô, máy bay, tàu thủy, du thuyền… Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa đảm bảo tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế.

Thêm nữa, tại thời điểm hiện nay, việc tổ chức thực thi thuế đối với nhà ở có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện bảo đảm thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ…

Với dự án Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, việc xác định diện tích đất tính thuế đã được chỉnh lý theo hướng diện tích đất chịu thuế là diện tích đất sử dụng thực tế.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về mức thuế suất riêng (0,15%) đối với đất lấn, chiếm và khẳng định rõ: việc thu thuế đối với đất lấn, chiếm không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích này.

Quá trình hoàn thiện dự thảo luật, diện tích đất tính thuế cũng là một nội dung có nhiều quan điểm trái ngược. Ý kiến đề nghị thu thuế cho rằng tình trạng lấn chiếm nhà đất vẫn đang xảy ra, có nhiều trường hợp diện tích lấn chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong giấy chứng nhận nhưng khó có thể thu hồi được nên phải thu thuế.

Loại ý kiến trái chiều dẫn chứng nhiều trường hợp người dân đã coi biên lai thu thuế phần đất này là bằng chứng thừa nhận tính hợp pháp của diện tích đất lấn chiếm đó. Vì thế không nên thu mà phải xử lý cho chặt chẽ.

Liên quan đến trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở, dự luật được chỉnh lý theo hướng chỉ tính tổng diện tích đất chịu thuế thuộc quyền sử dụng của người nộp thuế tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không cộng dồn diện tích ở mọi địa phương trên toàn quốc.

Thẩm quyền quyết định chính sách thuế cũng đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định giao Chính phủ hướng dẫn cách xác định hệ số phân bổ, diện tích đất để tính thuế đối với đất của nhà chung cư, cụ thể hóa tối đa các trường hợp miễn, giảm thuế trong luật.

Nhiều nội dung khác cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý như quy định về người nộp thuế, miễn giảm thuế, các mức thuế suất…

Theo chương trình dự kiến, dự án luật này sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận ngay trong tuần làm việc đầu tiên và xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, có hiệu lực thi hành từ ngày1/1/2012.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Hướng dẫn thêm về thuế thu nhập cá nhân (19/05/2010)

>   Sử dụng đại lý thuế cần lưu ý gì? (18/05/2010)

>   Nghe người nộp thuế “nói thật” (18/05/2010)

>   Thuế GTGT đối với doanh nghiệp chế xuất (17/05/2010)

>   Cần lưu ý gì khi kê khai thuế qua mạng? (17/05/2010)

>   Kiểm toán : Không thể… nhiều - nhanh - tốt - rẻ ! (17/05/2010)

>   Bội chi ngân sách 2009 là bao nhiêu? (16/05/2010)

>   Đối tượng và căn cứ tính thuế tài nguyên (16/05/2010)

>   53 tỉnh, thành phố cải tiến quy trình thu ngân sách (15/05/2010)

>   Thận trọng khi ký kết hợp đồng (14/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật