Nóng lại trái phiếu ngân hàng!
Không phải trích vốn dự trữ bắt buộc, không lo biến động lãi suất và đặc biệt khi người gửi tiền quay lưng với các kỳ hạn dài, huy động vốn qua phát hành trái phiếu đang lấy lại nhịp điệu sôi động trong kênh huy động vốn của các ngân hàng.
Ồ ạt phát hành
Không quá chậm chân so với các ngân hàng, Vietinbank hôm 26.5 công bố chính thức phát hành 6.000 tỉ đồng trái phiếu (TP) dài hạn năm 2010 theo hình thức riêng lẻ với kỳ hạn 2 năm. Điểm đáng chú ý, so với trần lãi suất huy động VND trong ngưỡng “cho phép” 11,5%/năm như hiện nay, lãi suất TP của Vietinbank trong năm đầu tiên được ấn định lên tới 12,5%/năm.
Trong năm thứ hai, mức lãi suất này được thả nổi và được tính bằng trung bình cộng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm trả sau kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ tối đa 1%/năm. Với cách tính này, dễ dàng nhận thấy việc mua TP nhận được lãi suất cao hơn nhiều việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng trong thời điểm hiện nay.
Trước Vietinbank và ngay từ đầu năm, một loạt các NHTM khác cũng lên kế hoạch và được NHNN chấp thuận việc phát hành TP dài hạn với khối lượng lớn. Mới đây nhất, HDBank chính thức được NHNN chấp thuận kế hoạch phát hành 3.000 tỉ đồng mệnh giá giấy tờ có giá dài hạn với lãi suất theo như yêu cầu của NHNN, được ấn định “phù hợp với lãi suất thị trường và các quy định về điều hành lãi suất”.
Trước đó nữa, ABBank, LienVietBank và Techcombank lần lượt được chấp thuận hoặc công bố kế hoạch phát hành 2.000-3.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) trong năm 2010. Dù chỉ có lãi suất 1%/năm trong 5 năm đầu tiên phát hành, song trong 5 năm tiếp theo, TPCĐ của Techombank có lãi suất lên tới 12%.
Bên cạnh đó, trái chủ còn được nhận được lợi tức bổ sung là khoản chênh lệch 12% mỗi năm trừ đi số lãi suất trả hằng năm. Ấn định lãi suất 10,48%/năm, SHB gần như là NH sớm nhất triển khai huy động vốn qua TP năm 2010 với việc phát hành tới 15 triệu TPCĐ với mệnh giá 125.000 đồng.
Lợi đôi đường
Các phân tích cho thấy, phần nhiều các NHTM tiến hành phát hành TP năm 2010 đều chọn TPCĐ (sang cổ phiếu) nhằm tăng thêm tính hấp dẫn cho mặt hàng này ngoài mức lãi suất hấp dẫn. SHB cam kết sau 12 tháng, TP sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu theo tỉ lệ 1 TP quy đổi thành 10 cổ phiếu. BIDV mới đây cũng chính thức công bố niêm yết 13,62 triệu TP dài hạn mệnh giá 100.000 đồng tại Sở Giao dịch chứng khoán HN vốn được phát hành thành công trong năm 2009.
Thông qua kênh này, theo nhiều đánh giá, các NH cùng lúc đạt được nhiều mục đích như vừa cải thiện vốn trung - dài hạn, vừa có cơ sở tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành TP. Chính vì vậy, khi mà hạn chót phải đảm bảo đủ mức vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng đang đến gần và kênh huy động vốn trung - dài hạn càng thêm hẹp, việc phát hành TP được xem như “lối thoát” cho rất nhiều NHTM.
Không chỉ riêng với mỗi ngân hàng, khi công bố kế hoạch phát hành 3.000 tỉ đồng TP vào tháng 3.2010, khả năng huy động vốn trên thị trường dân cư - theo Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh - là không đủ đảm bảo nguồn vốn trung - dài hạn đáp ứng nhu cầu của DN. Do vậy, nguồn vốn từ TP sẽ là cứu cánh đáp ứng nhu cầu cho các dự án.
Thêm vào đó, với nguồn vốn mới này, Techcombank có khả năng đa dạng hóa kênh đầu tư thông qua việc đầu tư vào các loại giấy tờ có giá, đặc biệt là TP chính phủ, TP của chính các NHTM hoặc tổ chức kinh tế. Hỗ trợ khả năng thanh khoản và đem lại hiệu quả cho ngân hàng, trái phiếu chắc chắn sẽ là lựa chọn mới của các NHTM từ nay đến cuối năm.
Với con số DN phát hành TP tăng mạnh từ 2-3 DN trong năm 2008 lên 15 đợt DN phát hành với tổng giá trị xấp xỉ 20.000 tỉ đồng trong năm 2009 (gấp 3 lần năm 2008), Hiệp hội Trái phiếu VN cũng cho rằng, số doanh nghiệp phát hành TP còn tăng mạnh trong năm 2010 và các năm tiếp theo.
Trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng thấp
Theo tính toán của Hiệp hội Trái phiếu VN, quy mô thị trường trái phiếu trong nước hiện mới chỉ ở mức 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, tỉ lệ này ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và Malaysia lần lượt là 53%, 58%, 74% và 82%. Trong cơ cấu thị trường trái phiếu VN hiện nay, trái phiếu DN cũng mới chiếm 10% tổng trái phiếu, trong lúc lượng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 33%, còn lại là trái phiếu chính phủ và các địa phương. C.Văn |
Văn Nguyễn
lao động
|