Những ông chủ mới
Các quốc gia đang phát triển hiện cạnh tranh mạnh mẽ về sự sáng tạo và giá cả sản phẩm với những nước phát triển. Điều đó sẽ thay đổi hoạt động kinh doanh, thương mại ở khắp nơi.
Các nhà quản lý danh tiếng thường xuyên công bố nhanh chóng các cuộc cách mạng mới về quản trị. Và điều diễn ra ở Nhật Bản, đã diễn ra tại Mỹ trong sản xuất sản phẩm hàng loạt từ 1 thế kỷ trước. Giờ đây, những điều tương tự đang bắt đầu xuất hiện tại thế giới các quốc gia đang phát triển.
Các nền kinh tế mới nổi
Không có gì là mới lạ khi nói rằng sự hấp dẫn của trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển hướng sang các nền kinh tế mới nổi. Mua một chiếc điện thoại di động thì hầu như chắc chắn là nó được sản xuất tại Trung Quốc. Sử dụng điện thoại đó để gọi tới nhân viên trực giải đáp điện thoại thì người trả lời có thể mang quốc tịch Ấn Độ. Trong hơn 5 năm qua, tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc đều đạt mức trên 10%, của Ấn Độ là hơn 8% và những con số này cũng chưa phản ánh hết sự thay đổi đang diễn ra. Những quốc gia có nền kinh tế mới nổi không còn là nơi chủ yếu dựa vào nguồn nhân công lao động thu nhập thấp và lao động giản đơn. Thay vào đó, họ đang trở thành những trung tâm của sáng tạo, sản xuất đột phá trong mọi lĩnh vực từ viễn thông đến sản xuất ôtô và chăm sóc y tế. Họ đang thiết kế lại sản phẩm để giảm chi phí không chỉ ở mức 10% mà tới tận 90%. Họ đang hoạch định lại toàn bộ tiến trình kinh doanh để thực hiện tốt hơn, nhanh hơn đối thủ ở phương Tây. Nói ngắn gọn thế giới kinh doanh toàn cầu đang chuyển mình, thay đổi.
Cạnh tranh cho tương lai
Như đã phân tích, thế giới các nước giàu có đang đánh mất quyền lãnh đạo trong lĩnh vực sở hữu các ý tưởng mang tính đột phá làm thay đổi các ngành công nghiệp. Một phần nguyên nhân của việc này là các quốc gia giàu có đang đầu tư nhiều vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại các nước mới nổi về kinh tế. Tạp chí Fortunes 500 xếp hạng 500 công ty hàng đầu, giờ đã có 98 công ty Trung Quốc có tên, Ấn Độ có 63 công ty. Theo thống kê, hãng IBM sử dụng nhân công ở các nước đang phát triển nhiều hơn ở Mỹ. Nhưng điều đó cũng vì các công ty ở nền kinh tế mới nổi và người tiêu dùng quốc gia đó đang đẩy thị trường lên. Huawei, một hãng khổng lồ Trung Quốc về viễn thông, đã đăng ký bằng sáng chế quốc tế nhiều hơn bất kỳ một công ty nào khác trong năm 2008. Thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 20 giành nhiều thời gian vào mạng Internet hơn cả các bạn Mỹ cùng trang lứa.
Điều đáng chú ý hơn là thế giới các quốc gia đang phát triển có khả năng chế tạo những sản phẩm với chi phí thấp: ôtô không điều hòa giá 3000 USD, máy tính xách tay giá 300 USD. Những hàng hóa này không có sự hấp dẫn sôi động như máy nghe nhạc đa chức năng iPad của Apple nhưng chúng được trông đợi rất nhiều từ những người tiêu dùng bình dân. Các loại ưu thế này, còn được gọi là sáng tạo về tiết kiệm, không phải là sự khai thác người lao động (mặc dù giá nhân công rẻ cũng góp phần tạo nên tính cạnh tranh). Cụ thể như việc thiết kế sản phẩm và cắt giảm chi phí không cần thiết trong việc sản xuất chiếc xe ô tô rẻ nhất thế giới Nano của tập đoàn Tata, Ấn Độ đã giúp tiết kiệm tới 12 khoản khác nhau. Hãng Bharti Airtel tập trung giảm chi phí dịch vụ viễn thông bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị và chia sẻ hệ thống mạng lưới sóng radio với các hãng cạnh tranh, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của các hãng lớn như Ericsson và IBM. Kenya thì sử dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ việc chuyển tiền thông qua điện thoại di động.
Một điều quan trọng khác là hàng tỷ người dân của các quốc gia khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đang rất tin tưởng vào cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn và đó sẽ là thị trường tuyệt vời để các sản phẩm sáng tạo mới của các nước đang phát triển tiêu thụ, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn buộc các nước phát triển phải thay đổi, thích ứng. Và một khi kết hợp được công nghệ sản xuất chính xác của Nhật Bản (từng là thế giới đang phát triển mới nổi) với công nghệ sản xuất đại trà hàng loạt của Mỹ (quốc gia phát triển) thì tất cả sẽ đều cùng có lợi.
Hoa Chi
diễn đàn doanh nghiệp
|