Thứ Ba, 13/04/2010 21:43

Giới tài phiệt Ấn giàu nhất châu Á

Theo xếp hạng các tỷ phú của thế giới do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố mới đây, Ấn Độ tiếp tục giữ ngôi vị là quê hương của những người giàu nhất châu Á, bất chấp số lượng tỷ phú tăng mạnh ở Trung Quốc.

Trong danh sách 10 tỷ phú hàng đầu châu Á của Forbes, có tới 6 vị trí thuộc về các "đại gia" Ấn Độ.

1. Mukesh Ambani

Tài sản: 29 tỷ USD

Quốc tịch: Ấn Độ

Người cha quá cố của tỷ phú Mukesh Ambani là Dhirubhai Ambani đã thành lập Reliance và phát triển công ty này thành một tập đoàn khổng lồ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng và luyện kim. Sau khi cha qua đời, Mukesh cùng người em trai Anil thừa kế gia sản và được mẹ chia cho quyền lãnh đạo hai bộ phận riêng rẽ, trong đó Mukesh nắm bộ phận dầu khí và lọc hóa dầu mang tên Reliance Industries. Tuy nhiên, giữa hai anh em họ vẫn tồn tại những mâu thuẫn lớn, đặc biệt là trong vấn đề giá mua bán khí đốt, và phải đưa nhau ra tòa để giải quyết.

Reliance Industries hiện là một trong những công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất ở Ấn Độ. Với tham vọng toàn cầu, mới đây công ty này đã chào mua 65% cổ phần trong công ty dầu cát Value Creation của Canada với giá 2 tỷ USD. Trước đó, Reliance Industries đã chào mua công ty lọc hóa dầu đã phá sản LyondellBasell với giá 14,5 tỷ USD nhưng bị từ chối.

2. Lakshmi Mittal

Tài sản: 28,7 tỷ USD

Quốc tịch: Ấn Độ

Tỷ phú này là công dân giàu nhất ở thành phố London, Anh. Lakshmi là ông chủ của hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal. Năm 2009, lợi nhuận ròng của Arcelor giảm 75%, nhưng hãng vẫn có kế hoạch mở rộng hoạt động, đặc biệt tại thị trường quê hương Ấn Độ.

Tỷ phú người Ấn này bắt tay vào lĩnh vực kinh doanh thép cùng gia đình từ thập niên 1970 và đứng ra lập công ty riêng vào năm 1994. Ban đầu, Lakshmi tìm mua các công ty thép với mức giá rẻ ở Đông Âu và phát triển nên đế chế ArcelorMittal hiện nay. Ông còn có chân trong hội đồng quản trị của ngân hàng Goldman Sachs và tập đoàn EADS - công ty mẹ của hãng máy bay Airbus. Con dâu của nhà Mittal mới đây đã chi tiền mua lại công ty thời trang Escada của Đức.

3. Li Ka-shing

Tài sản: 21 tỷ USD

Quốc tịch: Hồng Kông - Trung Quốc

Li Ka-shing là Chủ tịch của hai tập đoàn khổng lồ Cheung Kong và Hutchinson Whampoa. Trong đó, Hutchinson Whampoa là nhà điều hành cảng container lớn nhất thế giới, hãng bán lẻ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp lớn nhất thế giới xét về số lượng cửa hàng, đồng thời là nhà cung cấp điện chính và một hãng bất động sản hàng đầu của Hồng Kông.

Được xem là tỷ phú hào phóng nhất của châu Á, Li Ka-shing đã dành 1,4 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động giáo dục và nghiên cứu y tế. Xuất thân từ một gia đình nghèo, tỷ phú này đã phải nghỉ học từ năm 15 tuổi để giúp đỡ gia đình và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng việc sản xuất hoa nhựa.

4. Lee Shau Kee

Tài sản: 18,5 tỷ USD

Quốc tịch: Hồng Kông - Trung Quốc

Tỷ phú Lee là chủ tịch công ty bất động sản Henderson Land Development và công ty kinh doanh khách sạn Miramar Hotel and Investment, đồng thời là giám đốc công ty Hong Kong Ferry và ngân hàng Bank of East Asia.

Tài sản của ông năm nay tăng mạnh nhờ giá cổ phiếu của Henderson, công ty do ông sáng lập, tăng gấp đôi.

5. Gia đình Kwok

Tài sản: 17 tỷ USD

Quốc tịch: Hồng Kông - Trung Quốc

Đây là gia đình đứng đầu một trong những công ty bất động sản lớn nhất ở Hồng Kông, công ty Sun Hung Kai Properties.

Tuy nhiên, giữa ba anh em trai của gia đình này là Walter, Raymond và Thomas có nhiều mâu thuẫn, buộc bà mẹ đã 80 tuổi là Kwong Siu-hing phải nắm quyền Chủ tịch. Sun Hung Kai đang hoàn tất việc xây dựng tòa nhà cao nhất Hồng Kông mang tên Interntional Commerce Center.

6. Azim Premji

Tài sản: 17 tỷ USD

Quốc tịch: Ấn Độ

Được xem là một trong những “ông vua” phần mềm của Ấn Độ, Azim Premji ngồi ở ghế chủ tịch của Wipro, nhà xuất khẩu phần mềm lớn thứ ba ở nước này.

Ông là đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, năm nay.

7. Robert Kuok

Tài sản: 14,5 tỷ USD

Quốc tịch: Malaysia

Khởi nghiệp là một nhà giao dịch lúa gạo, mía đường và từng được xem là “vua đường” của châu Á, Robert Kuok hiện là lãnh đạo công ty đa quốc gia Kuok Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ bất động sản tới truyền thông.

Ngoài cổ phần trong công ty bất động sản Kerry Properties và chuỗi khách sạn Shangri-la nổi tiếng, ông còn ông chủ của tờ South China Morning Post.

8.Anil Ambani

Tài sản: 13,7 tỷ USD

Quốc tịch: Ấn Độ

Là em trai của người giàu nhất châu Á Mukesh Ambani, Anil Ambani đứng đầu Reliance Anil Dhirubhai Ambani Group với các lĩnh vực hoạt động là viễn thông, cơ sở hạ tầng và giải trí. Công ty Reliance Power của ông có kế hoạch xây dựng 13 nhà máy nhiệt điện với tổng trị giá 25 tỷ USD trong thời gian từ nay tới năm 2014.

Chi nhánh hạ tầng của tập đoàn này đang đầu tư 5 tỷ USD để xây dựng đường xá, trong khi bộ phận giải trí đã ký thỏa thuận đầu tư 825 triệu USD để sản xuất phim với hãng Dreamworks của đạo diễn Hollywood Steven Spielberg.

9. Shashi và Ravi Ruia

Tài sản: 13 tỷ USD

Quốc tịch: Ấn Độ

Tập đoàn Essar Group của hai anh em này đạt doanh thu 15 tỷ USD trong năm 2009.

Hiện tại, Essar Group đang tích cực mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực chính gồm luyện kim và năng lượng bất chấp suy thoái kinh tế.

10. Savitri Jindal

Tài sản: 12,2 tỷ USD

Quốc tịch: Ấn Độ

Savitri Jindal là Chủ tịch của hãng thép và năng lượng O.P. Jindal, công ty mà người chồng quá cố của bà là Om Prakash Jindal thành lập vào năm 1952.

Năm 2005, khi ông Jindal qua đời vì tai nạn máy bay, bà Jindan đã được chuyển giao quyền kiểm soát công ty này.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Những người kiếm tiền giỏi nhất thế giới (11/04/2010)

>   Tập đoàn của tỷ phú Buffet uy tín nhất Mỹ (10/04/2010)

>   United Airlines và US Airways đàm phán sáp nhập  (08/04/2010)

>   British Airway và Iberia ký thỏa thuận sáp nhập (08/04/2010)

>   Hội đồng kinh tế ASEAN: 12 ưu tiên thực hiện năm 2010 (07/04/2010)

>   Phát động Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (07/04/2010)

>   10 CEO được trả lương “khủng” nhất năm 2009 (07/04/2010)

>   Chevron nguy cơ mất khai thác dầu ở Campuchia (07/04/2010)

>   Mỹ thúc đẩy thương mại và đầu tư vào Ấn Độ  (06/04/2010)

>   Doanh nghiệp Mỹ chỉ trích Tổng thống Obama (06/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật