Đầu tư lập CTCK vẫn hấp dẫn?
Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) tham gia đầu tư vào CTCK, Ngân hàng Quốc tế (VIB) dự kiến thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư quản lý quỹ hoặc CTCK… Làn sóng đầu tư, thành lập CTCK sau 2 năm nếm trái đắng giờ lại đang được nhiều DN, tổ chức nhìn lại để tiếp tục rót vốn với mong muốn thu lợi nhuận nhiều và nhanh.
Mốt thời thượng
Trong quý I LienVietBank đã nhận chuyển nhượng 1.375.000 cổ phiếu, tương đương 11% vốn từ 3 cổ đông của CTCP Chứng khoán Viettranimex (VSI). CTCP Him Lam, cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất nắm 18% vốn của LienVietBank, cũng tiến hành nhận chuyển nhượng 5.500.000 cổ phiếu, tương ứng 44% vốn từ 15 cổ đông khác. VSI có vốn điều lệ 125 tỷ đồng, trụ sở chính tại TP. HCM. Công ty được thành lập từ đầu năm 2009 và mới là thành viên giao dịch của 2 Sở từ đầu năm 2010. Sau thương vụ trên, có thể coi, LienVietBank đã trở thành cổ đông chi phối tại VSI, ngân hàng này ngay sau đó đổi tên VSI thành CTCK Liên Việt.
Tại ĐHCĐ của VIB mới đây, HĐQT VIB đề cập đến việc năm 2010 sẽ thành lập công ty trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, loại hình có thể là công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư hoặc CTCK. Lãnh đạo ngân hàng này cho hay, cơ hội cần được xem xét và sẽ có đề án chi tiết để thực hiện.
Với kế hoạch trên của các ngân hàng, nhiều cổ đông băn khoăn, liệu đó có phải đề án khả thi và lo ngại về hiệu quả đầu tư, bởi thị trường đang bị cạnh tranh rất khốc liệt với sự tham gia của hơn 100 CTCK. Lý do được giải thích không nằm ngoài khả năng kiếm tiền nhanh và dễ dàng của loại hình công ty này khi kinh tế đã bước qua giai đoạn khủng hoảng. Điểm qua những CTCK có tên tuổi một chút đều thấy lợi nhuận năm 2009 khá cao như: KLS đạt lợi nhuận sau thuế 352 tỷ đồng, VNDirect đạt lợi nhuận sau thuế 210 tỷ đồng, Tân Việt hơn 90 tỷ đồng, BSC lãi 400 tỷ đồng… Tốc độ phát triển của TTCK Việt Nam cũng đủ để các ngành khác ghen tỵ, thể hiện qua số liệu tài khoản tại các CTCK thành viên của sàn Hà Nội tăng gấp 3 lần mỗi năm. Từ 30.000 cuối 2005 lên 100.000 vào 2006 (trong đó có 1.700 tài khoản nước ngoài), 350.000 vào 2007 (8.000 tài khoản nước ngoài) lên 798.928 vào cuối 2009 (12.607 tài khoản nước ngoài). Báo cáo của UBCK cho biết, năm 2009 có tới 80 CTCK có lãi, còn tính đến hiện tại số lượng tài khoản đầu tư đã đạt gần 900.000, tăng gần 2 lần so với năm 2008.
Lay lắt chờ thời
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh màu hồng của TTCK không hẳn đây đã là loại hình kinh doanh dễ hốt bạc. Với mức độ cạnh tranh gay gắt như hiện tại, muốn bứt phá, cùng với yếu tố con người, CTCK đòi hỏi phải được đầu tư lượng vốn rất lớn cho hệ thống công nghệ hiện đại phục vụ cho việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ tài chính NĐT và kể cả "kéo, đẩy" các khoản tự doanh vốn đang đem lại lợi nhuận số 1 khi thị trường hồi phục sau khủng hoảng. Cũng vì không có vốn nên có tới 35 CTCK đã phải rút bớt nghiệp vụ hoạt động trong năm 2009.
Báo cáo của UBCK cho biết, năm 2009 không có trường hợp công ty nào bị giải thể, phá sản nhưng thực tế thị trường càng phát triển, mức độ khó khăn của những công ty quy mô nhỏ, không tìm được hướng cạnh tranh càng tăng lên. Năm 2009, CTCK Thành Công "ăn" vào vốn chủ sở hữu 32 tỷ đồng, đồng nghĩa với khoản lỗ 66 tỷ đồng.
CTCK E-Việt thâm vào vốn chủ sở hữu 5 tỷ đồng, chứng khoán của khách hàng lưu ký tại đây giá trị vỏn vẹn 12,7 tỷ đồng, doanh thu môi giới chứng khoán cả năm đạt 521 triệu đồng, giảm một nửa so với 2008. CTCP Chứng khoán Tầm Nhìn vốn điều lệ 45 tỷ đồng cho biết, Công ty chỉ triển khai hoạt động môi giới rất hạn chế với 286 tài khoản, giá trị chứng khoán khách hàng lưu ký đạt 12,3 tỷ đồng, năm 2008 công ty này lỗ 8 tỷ đồng, năm 2009 lỗ 9,6 tỷ đồng. Khó khăn là vậy nên CTCK Hồng Bàng với số vốn điều lệ 35 tỷ đồng, được cấp giấy phép từ đầu tháng 3/2009 nhưng đến cuối năm tổng kết lại hoạt động, HĐQT báo cáo mới thực hiện mua sắm tài sản cố định 3,2 tỷ đồng và hầu như không có hoạt động gì để có nguồn thu.
Mặc dù vậy, với chủ trương tạm ngưng nhận hồ sơ xin cấp phép thành lập CTCK mới thì dù có khó đến đâu, hiện tờ giấy phép thành lập CTCK cũng có giá trị nhất định của nó. Năm 2010, trong định hướng quản lý khối CTCK, UBCK cũng khuyến khích việc tái cơ cấu hoạt động của CTCK như thâu tóm, sáp nhập để nâng cao sức mạnh hoạt động của CTCK. Có một thực tế là, hiện nhiều công ty chấp nhận lay lắt tồn tại để chờ mạnh thường quân.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|