Thứ Sáu, 12/03/2010 11:57

Trung Quốc: Đã qua thời công nhân giá rẻ mạt

Trong khi các công ty xuất khẩu Trung Quốc đang tìm lại được thị trường sau cuộc khủng hoảng kinh tế thì họ lại đang đối mặt với sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng, có thể đe doạ tiến trình hồi phục kinh tế đang diễn ra.

Trung Quốc vừa thông báo kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2.2010 tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào lượng đơn đặt hàng từ Mỹ và các thị trường phương Tây khác đã tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong ba năm qua và là sự tăng trưởng liên tục trong ba tháng qua. Trong tổng số đơn đặt hàng, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật chiếm gần 50%.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có thể bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian tới nếu tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay không sớm được cải thiện.

Quảng Đông thiếu 900.000 công nhân

Huada Electrical Appliances đang có rất nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, nhưng công ty truyền hình và máy tính này hiện chỉ có 1/5 trong số 300 công nhân mà họ cần cho dây chuyền lắp ráp để thực hiện xong những đơn hàng đó vào cuối tháng 6 năm nay.

Ông Wu, một giám đốc của công ty, nói với AFP: “Chúng tôi lo đến bạc cả tóc. Nếu chúng tôi không giao hàng đúng hạn thì chắc chắn sẽ mất uy tín đối với khách hàng. Họ sẽ chọn nhà cung cấp khác và chúng tôi sẽ lỗ nặng”. Ông cho biết công ty đang tuyển lao động bằng mọi cách – từ các trung tâm giới thiệu việc làm đến các chợ thực phẩm và cả trên… vỉa hè.

Huada chỉ là một trong hàng ngàn công ty thuộc vành đai xuất khẩu ở miền duyên hải Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu công nhân nghiêm trọng.

Ông Ren Jianjun, một quan chức của sở Lao động tỉnh Chiết Giang, ở miền Đông Trung Quốc, nơi Huada đặt trụ sở, cho biết tỉnh này đang trải qua sự thiếu hụt lao động nặng nề nhất kể từ năm 2003. Hiện nay tỷ lệ người đăng ký xin việc chỉ chiếm khoảng 1/4 so với nhu cầu của tỉnh. Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, tính đến cuối tháng 2 vừa qua, các nhà máy ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm công nghiệp lớn ở miền Nam nước này, thiếu đến 900.000 công nhân.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân cho sự thiếu hụt nhân công ở miền duyên hải này, từ việc các khu vực nội địa có những cơ hội việc làm “ngon lành” hơn và chi phí sinh hoạt thấp hơn, cho đến việc công nhân nhập cư không được hưởng các dịch vụ xã hội khi họ từ bỏ miền quê để nhập cư vào các thành phố lớn.

Ông Geoffrey Crothall, phát ngôn viên tập san Lao động Trung Quốc, có trụ sở ở Hong Kong, nhận xét: “Công nhân trẻ ngày nay không còn sẵn sàng chấp nhận những điều kiện làm việc khắc nghiệt mà cha mẹ họ từng chịu đựng trước kia”.

Tăng lương tối thiểu để thu hút công nhân

Một số nhà quan sát nói rằng sự thiếu hụt lao động chỉ diễn ra trong những ngành công nghiệp cần nhiều lao động và do sự biến động lao động sau tết, vì số lao động thặng dư ở các vùng nông thôn hiện vẫn rất lớn, lên đến 100 triệu người. Nhưng các quan chức và nhà tuyển dụng ở các khu vực xuất khẩu lớn – được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” – đang lo lắng vì chưa thấy có cơ may để thay đổi tình hình.

Để thu hút lao động, các quan chức lao động ở tỉnh Quảng Đông đã thúc giục các công ty tăng lương và cải thiện các điều kiện làm việc và sinh hoạt cho công nhân.

Từ đầu năm đến nay, lương tối thiểu ở tỉnh Giang Tô, cũng ở miền Đông Trung Quốc, đã tăng 13%. Tại Đông Quản, một thành phố của tỉnh Quảng Đông, nổi tiếng về sản xuất đồ chơi và hàng điện tử xuất khẩu, lương bình quân của công nhân lắp ráp đã tăng 25% lên đến 1.500 nhân dân tệ (220 USD), so với 2008. Một số công ty thậm chí mở các quán càphê internet, phòng bóng bàn và cả sân bóng rổ ngay trong khuôn viên công ty để phục vụ công nhân.

Tuy nhiên, ông Crothall nói rằng lương tối thiểu cao hơn và các tiện nghi nhiều hơn vẫn chưa đủ để thay đổi tình hình. Ông nói: “Thậm chí mức lương 2.000 nhân dân tệ/tháng cũng sẽ chẳng thấm tháp gì đối với công nhân ở những nơi như Thượng Hải và Thẩm Quyến”.

Trúc Thịnh (AFP, New York Times)

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Ngành hàng không đã thấy ánh sáng cuối đường hầm (12/03/2010)

>   10 tỷ phú giàu nhất thế giới 2010 (11/03/2010)

>   Lần đầu tiên, ngôi vương giàu nhất rơi khỏi tay người Mỹ (11/03/2010)

>   Địa ốc Hồng Kông sôi sục vì nhà giàu đại lục (11/03/2010)

>   Số nhà giàu ở Mỹ tăng mạnh trở lại (10/03/2010)

>   Sự cố Toyota hé lộ điểm yếu của người Nhật (10/03/2010)

>   Anh đứng trước nguy cơ tụt hậu "kinh tế tri thức" (09/03/2010)

>   50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới (09/03/2010)

>   Hãng hàng không Malaysia đang từng bước phục hồi (08/03/2010)

>   7 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (08/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật