Niêm yết bổ sung CP mới: Tiền đã trao, cháo còn chờ... thủ tục!
Mùa ĐHCĐ cũng là thời điểm nhiều phương án tăng vốn được các DN niêm yết trình xin ý kiến cổ đông. Khác với mọi năm, năm nay phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia tách tăng vốn. . . không được nhiều NĐT hào hứng đón nhận.
Một trong nhiều lý do là việc chậm trễ đưa cổ phiếu phát hành thêm vào niêm yết bổ sung.
Khó định lượng rủi ro
Ngày 23/3/2010, CTCP xi măng Sài Sơn (SCJ) sẽ chính thức niêm yết bổ sung gần 5 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn từ 47,5 tỷ đồng lên 97,58 tỷ đồng. Trong đó, DN này trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5:2 và chào bán cổ phiếu tỷ lệ 5:3, với giá 20.000 đồng/cp. Trước đó gần 4 tháng, ngày 25/11/2009, Công ty đã thực hiện việc chào bán cổ phiếu.
Ở thời điểm SCJ chia tách, giá cổ phiếu này là 39.700 đồng/cp. Mặc dù cổ đông được mua với giá ưu đãi (20.000 đồng/cp), nhưng giá cổ phiếu SCJ đã bị điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền . Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu này xoay quanh mức 35.000 đồng/cp. Nếu NĐT thực hiện chiến thuật mua trước khi chốt và nắm giữ đến bây giờ thì họ đã chịu thiệt kép khi giá cổ phiếu không tăng và tiền vốn bị găm giữ quá lâu, chưa biết đến bao giờ.
Tại ĐHCĐ Sacombank (STB) mới đây nhiều cổ đông đã bày tỏ sự nghi ngại khi ngân hàng này tiếp tục thực hiện trả cổ tức năm 2009 bằng cổ phiếu để thực hiện tăng vốn điều lệ. Theo phương án, Sacombank sẽ tăng vốn từ 6.700 tỷ đồng lên 9.179 tỷ đồng bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu 15%/vốn cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu 20% vốn cổ phần, với giá 12.000 đồng/cp. Một NĐT đặt câu hỏi, năm 2009, đến tháng 12, STB mới trả cổ tức năm 2008, năm nay sẽ thế nào? Bên cạnh đó, kế hoạch kinh doanh mới đây của Sacombank đã không tính toán trên vốn điều lệ mới (9.179 tỷ đồng). Đó là lý do khiến các cổ đông của STB không hy vọng được nhận cổ tức sớm trong đợt tăng vốn này.
Mới đây, HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã thông qua việc trả cổ tức đợt 2/2009 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1. Nhìn lại quá khứ, việc trả cổ tức của REE năm 2007 cũng khiến nhiều cổ đông không hài lòng, mặc dù mức chi trả khá cao (40%). Bởi sau khi chốt danh sách hơn 3 tháng, NĐT vẫn chưa có bất cứ thông tin gì về việc niêm yết bổ sung.
Cuối tháng 2/2010, CTCP Địa ốc Chợ Lớn cũng mới được chấp thuận nguyên tắc niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành trả cổ tức từ năm 2008. Như vậy, DN này phải mất đến hơn 1 năm làm thủ tục phát hành và niêm yết. Đây có thể là một trong những DN có thời gian chờ đợi niêm yết bổ sung số cổ phiếu trả cổ tức lâu nhất.
Nguyên nhân
Bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, có thể chia ra hai loại cổ phiếu niêm yết bổ sung là cổ phiếu chi trả cổ tức và cổ phiếu phát hành thêm. Đối với cổ phiếu chi trả cổ tức thì thủ tục đơn giản và mất ít thời gian hơn. Sau khi có báo cáo kiểm toán của DN chứng minh có nguồn để chi trả cổ tức, DN thực hiện xin phép UBCK. Khi được UBCK đồng ý, DN phải thông báo công khai trước khi chốt danh sách cổ đông 10 ngày. Sau ngày chốt 5 ngày làm việc, Trung tâm Lưu ký (VSD) sẽ có danh sách cổ đông gửi cho DN niêm yết. Sau đó, DN niêm yết kiểm tra lại và gửi cho VSD để so sánh, đối chiếu. Tùy vào số lượng cổ đông, trong vòng 1 đến 2 tuần VSD sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán ký bổ sung cho DN. Khi có giấy phép của VSD, Sở GDCK sẽ thực hiện niêm yết số cổ phiếu này.
Đối với cổ phiếu phát hành thêm, quy trình phát hành và niêm yết bổ sung phức tạp hơn. DN phải có phương án phát hành (số lượng, cách thức, mục đích...), báo cáo tài chính được kiểm toán gửi UBCK để xin phép. Nếu đồng ý, UBCK sẽ thông báo trên website: ssc gov.vn. Sau đó, DN sẽ phải thông báo trước khi chốt danh sách cổ đông 10 ngày. Năm ngày sau ngày chốt, VSD sẽ có danh sách cổ đông chuyển cho DN. Trong vòng 3 tuần, các cổ đông thực hiện việc nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Sau đó, DN sẽ tổng hợp danh sách đóng tiền tại CTCK đối chiếu với tài khoản phong tỏa. Để kết thúc đợt chào bán, DN phải có báo cáo kiểm toán vốn do công ty kiểm toán độc lập thực hiện và xác nhận của ngân hàng về số tiền huy động được. Sau đó, DN sẽ báo cáo kết quả phát hành lên UBCK và thực hiện đăng ký niêm yết bổ sung với Sở GDCK. Sau khi thẩm định hồ sơ, Sở GDCK sẽ chấp thuận nguyên tắc, DN phải thực hiện đăng ký chứng khoán bổ sung tại VSD. Có chấp thuận của VSD, Sở sẽ thực hiện niêm yết chính thức.
Theo bà Đào, quy trình phát hành và niêm yết bổ sung đã có và khá rõ ràng. Tuy nhiên, DN vẫn chậm trễ trong việc phát hành và niêm yết bổ sung có thể do một số vấn đề: công ty có số lượng cổ đông quá lớn, thị trường không tốt nên hết thời điểm nộp tiền nhưng NĐT vẫn không nộp và công ty phải gia hạn thêm, phân bổ tiếp. Một số công ty lại bị kéo dài do xử lý số cổ phiếu lẻ . . .
Như vậy, có thể hình dung việc phát hành và niêm yết bổ sung của DN phải qua rất nhiều thủ tục. Nút thắt nằm ở chính DN, chứ không hẳn tại các đầu mối như Sở/VSD. Do đó, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, trong ĐHCĐ, khi DN đặt ra vấn đề phát hành tăng vốn , các NĐT cần yêu cầu DN đặt rõ lộ trình phát hành, niêm yết bổ sung để có thể lượng định được rủi ro và có kế hoạch đầu tư phù hợp. Nếu những điều này không rõ ràng thì có thể bỏ phiếu không thông qua việc tăng vốn.
Đông Hải
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|