Những thị trường bất động sản sôi động nhất thế giới
Một góc trung tâm thành phố Thượng Hải, Trung Quốc | Thị trường bất động sản toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm đầu tư mạnh mẽ trong năm 2009 do ảnh hưởng của suy thoái. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự sôi động vẫn được duy trì trên thị trường nhà đất.
Hãng tin CNBC dẫn một báo cáo mới công bố của hãng tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield cho biết, đầu tư vào thị trường địa ốc toàn cầu năm 2009 đã giảm 23% so với năm 2008, xuống còn 365 tỷ USD, thấp nhất từ năm 2003. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trên thị trường này trong 6 tháng cuối năm 2009 đã tăng 104% so với 6 tháng đầu năm.
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực của những thị trường bất động sản có hoạt động đầu tư tăng trưởng mạnh nhất năm qua, với mức tăng trưởng đầu tư bình quân tại các thị trường này lên tới 111% so với năm 2008.
Dưới đây là 10 thị trường bất động sản có mức đầu tư cao nhất thế giới năm 2009 do CNBC liệt kê từ báo cáo của Cushman & Wakfield.
10. Đài Loan
Vốn đầu tư năm 2009: 5,05 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 4,4 tỷ USD
Đài Loan là một trong ba thị trường có sự tăng trưởng về đầu tư bất động sản trong năm 2009, bên cạnh Hồng Kông và Trung Quốc. Theo Cushman & Wakefield, giống như nhiều nơi khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường nhà đất Đài Loan đã được lợi từ hoạt động kích cầu mạnh mẽ trong năm qua.
9. Australia
Vốn đầu tư năm 2009: 6,9 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 8,47 tỷ USD
Mặc dù đầu tư bất động sản ở Australia trong năm 2009 đã giảm so với năm 2008, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm trung bình của toàn cầu. Đồng thời, mức suy giảm này cũng không mạnh như mức giảm 31% của các thị trường bị xem là đã “già” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
8. Hồng Kông
Vốn đầu tư năm 2009: 8,66 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 7,4 tỷ USD
Một thị trường bất động sản khác có sự tăng trưởng đầu tư trong năm 2009 là Hồng Kông, thị trường đầu tư bất động sản lớn thứ tư ở châu Á. Mức tăng trưởng đầu tư của thị trường này năm qua là 17%.
7. Hàn Quốc
Vốn đầu tư năm 2009: 10,3 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 11,7 tỷ USD
Đầu tư vào bất động sản ở Hàn Quốc đã giảm 12% so với năm 2009, khiêm tốn hơn mức giảm bình quân 23% của thị trường toàn cầu.
6. Pháp
Vốn đầu tư năm 2009: 10,3 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 18,3 tỷ USD
Nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu là thị trường bất động sản có mức vốn đầu tư lớn thứ ba ở châu lục này trong năm 2009. Tuy nhiên, mức đầu tư này đã giảm gần 44% so với năm trước.
5. Đức
Vốn đầu tư năm 2009: 13,9 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 28,8 tỷ USD
Vốn đầu tư vào nhà đất ở Đức giảm mạnh trong năm 2009, với mức giảm gần 52%. Tuy nhiên, thị trường này vẫn được đánh giá cao bởi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tìm kiếm những tài sản an toàn và sinh lợi trong năm 2010.
4. Nhật Bản
Vốn đầu tư năm 2009: 18,99 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 36,6 tỷ USD
Nền kinh tế lớn nhất châu Á ghi nhận mức đầu tư cao thứ nhì châu lục vào thị trường bất động sản, dù con số này đã giảm gần một nửa so với năm 2008. Tuy vậy, Cushman & Wakefield cho rằng, đầu tư bất động sản ở Nhật Bản hiện khá hấp dẫn vì mức chênh khá cao giữ lợi tức và chi phí tài chính. Cơ hội lớn tại thị trường này nằm ở những tài sản bất động sản đang được các chủ đầu tư kẹt vốn rao bán với giá thấp hơn bình thường.
3. Mỹ
Vốn đầu tư năm 2009: 38,3 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 106 tỷ USD
Là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản Mỹ đã chứng kiến mức suy giảm gần 64% trong vốn đầu tư năm 2009 so với 2008. Giới phân tích dự báo, triển vọng năm nay sẽ khả quan, với mức tăng trưởng đầu tư lên tới 50% nhờ sự xuất hiện của những cơ hội mua vào hấp dẫn khi mà giá nhà đất ở Mỹ đã xuống rất thấp, trong khi nền kinh tế đang trên đà hồi phục.
2. Anh
Vốn đầu tư năm 2009: 38,3 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 41,38 tỷ USD
Nước Anh đứng trên Mỹ một bậc về mức độ sôi động của thị trường bất động sản trong năm 2009 vì vốn đầu tư vào địa ốc ở xứ sở sương mù chỉ giảm 6,3%, chậm hơn so với mức Mỹ.
1. Trung Quốc
Vốn đầu tư năm 2009: 156,19 tỷ USD
Vốn đầu tư năm 2008: 64,4 tỷ USD
Giữa lúc thị trường bất động sản toàn cầu chứng kiến sự giảm sút về vốn đầu tư, thì Trung Quốc lại ghi nhận sự tăng trưởng đầu tư địa ốc lên tới 242%. Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng này là một bằng chứng rõ nét về tình trạng bong bóng, báo cáo của Cushman & Wakefield tin rằng, hoạt động đầu tư bất động sản tại Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, bất chấp những biện pháp hạ nhiệt gần đây của Chính phủ nước này.
Kiều Oanh
TBKTVN
|