Nền kinh tế của nước Mỹ đang thực sự hồi phục?
Theo số liệu mới nhất, kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,9% trong quý 4/2009. Nhiều người coi đó là dấu hiệu thuyết phục về sự phục hồi của kinh tế Mỹ, tuy nhiên, một số học giả Mỹ lại có cái nhìn hoài nghi.
Chuyên gia Paul Craig Roberts, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đã có bài phân tích.
Nhà thống kê John William cho biết 69% của tỷ lệ tăng trưởng này, tức khoảng 4,1%, là kết quả của việc tích lũy hàng trong kho. Điều đó có nghĩa là chỉ còn 1,8% tăng trưởng, và con số này lại nhiều khả năng là do việc đánh giá quá thấp về lạm phát và các vấn đề khác liên quan đến thống kê.
Bằng chứng về tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (FED) lại mâu thuẫn với chính những đảm bảo về sự phục hồi của Chủ tịch FED Ben Bernanke. FED tiếp tục đổ những khoản tiền lớn vào các ngân hàng. Lượng tiền cơ sở, gồm tiền đang lưu thông và dự trữ trong các ngân hàng, đã tăng từ 850 tỷ USD năm 2009 lên 2.200 tỷ USD vào ngày 24/2.
Mặc dù có tiềm năng phát hành tiền mới với số lượng ồ ạt, tốc độ tăng trưởng tiền tệ vẫn đang giảm. Các ngân hàng và người tiêu dùng bị tổn hại quá nhiều, đến mức các ngân hàng không thể phát hành tiền mới thông qua các khoản cho vay. Nói cách khác, nền kinh tế đang không có hướng đi rõ ràng.
Như ông Roberts đã nhấn mạnh từ nhiều năm nay, một nền kinh tế mà đưa năng suất lao động và các việc làm có giá trị gia tăng cao ra nước ngoài thì chắc chắn sẽ đi xuống. Chỉ trừ những người siêu giàu, thu nhập của người dân không hề tăng trong cả thập kỷ.
Thay vào chỗ tăng trưởng thu nhập bị mất, người tiêu dùng lại gánh nhiều nợ hơn. Nợ tiêu dùng giữ cho nền kinh tế tiếp tục vận hành gia tăng. Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng hiện đã đạt tới mức nợ tối đa và hàng triệu người đã vượt quá giới hạn, dẫn đến việc phải thế nợ và mất nhà cửa.
Nền kinh tế đã có điều kiện cho "suy thoái kép," tức là có thêm một lần suy thoái mới. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách ở cấp liên bang, bang và địa phương. Thâm hụt ngân sách liên bang giờ lớn tới mức không còn có thể được cung cấp tài chính bởi các khoản thặng dư thương mại của Trung Quốc, Nhật Bản và OPEC.
Hiện thâm hụt ngân sách đang được bù bằng tình trạng xấu đi trong bảng cân đối của FED. FED đang tạo ra các khoản dự trữ mới cho các ngân hàng (vì thế làm tăng lượng tiền cơ sở) để đổi lấy các công cụ tài chính nhiều rủi ro của ngân hàng. Các ngân hàng đang sử dụng lượng tiền dự trữ để mua nợ kho bạc thay vì mở các khoản cho vay mới. Việc này tạo ra tiền cho các ngân hàng, nhưng không làm tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho hàng triệu người thất nghiệp.
Theo các báo cáo, các đợt đấu giá mua nợ kho bạc gần đây diễn ra không suôn sẻ. Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ, đã giảm mức tham gia và thậm chí còn đang bán một số trái phiếu trong tay. Khi tất cả một đợt phát hành nợ kho bạc không có người mua, FED sẽ mua phần còn lại. Kết quả là tình trạng tiền tệ hóa nợ. Nói cách khác, FED trả tiền mua trái phiếu bằng cách tạo ra các tài khoản mới cho Bộ Tài chính bằng cách in thêm tiền.
Ngày 24/2, Chủ tịch Bernanke nói trước Quốc hội rằng Mỹ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng và rằng FED sẽ không in tiền để trả cho các chi phiếu của chính phủ. Trên thực tế, ông Bernanke sẽ không có lựa chọn nào khác là in thêm tiền.
Lời cảnh báo của ông Bernanke trước Quốc hội là cách tạo thêm áp lực từ FED với Phố Wall và cựu Bộ trưởng Tài chính Paulson để Quốc hội phải cân đối ngân sách bằng cách rút bớt chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế.
Không ai ở Washington hay New York nói về việc cắt bỏ hàng nghìn tỷ USD chiến tranh, hoặc hàng nghìn tỷ USD phúc lợi xã hội cho các chủ ngân hàng giàu có. Họ chỉ nói về việc lấy đi thứ gì đó từ những người bình thường. Không phải các cuộc chiến tranh của Bush/Cheney, Obama hay những người bảo thủ mới, mà chính hai chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế mới là tâm điểm.
Các quan chức kinh tế khác của Obama, như Larry Summers, từng là Bộ trưởng Tài chính, đã kêu gọi việc tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu. Vấn đề với "giải pháp" này là hiện một phần đáng kể của giới trung lưu đang thất nghiệp và vô gia cư.
Sẽ phải tìm được nguồn tiền ở đâu đó nếu FED muốn tránh phải in tiền. Dưới thời chính quyền Clinton, một quan chức Bộ Tài chính đã đề xuất đánh thuế vốn 15% vào tất cả các khoản lương hưu để bù vào việc hoãn thuế.
Ý tưởng này đã không được thực hiện, nhưng hiện nay một chính phủ tuyệt vọng, đã hoang phí 3.000 tỷ USD cho cuộc chiến ở các nước không gây nguy hiểm cho nước Mỹ và tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD khác chống lại một cuộc khủng hoảng có nguyên nhân từ việc chính phủ không quản lý được ngành tài chính, có nhiều khả năng sẽ lấy "cắp" lương hưu của người dân cũng như rút tiền từ chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế.
Lý do là vai trò dự trữ của đồng USD đang đứng trước nguy cơ. Nếu FED phải in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách liên bang, thế giới sẽ quay lưng lại với đồng USD đang xuống giá nhanh. Chính thời khắc đồng USD mất vai trò là đồng tiền dự trữ, Mỹ sẽ không còn khả năng trả nợ bằng chính đồng tiền của mình, và thời đại siêu cường Mỹ cũng chấm dứt đột ngột.
Đỗ Thúy
Vietnam+
|