Thứ Tư, 24/03/2010 08:40

Tổng thống Obama ký đạo luật cải cách y tế

Hoàn thành giấc mơ 100 năm của bao đời Tổng thống Mỹ

Dự kiến hôm nay (24.3), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký ban hành đạo luật cải cách y tế. Cả trăm năm nay, bao nhiêu đời Tổng thống Mỹ ôm giấc mộng ký đạo luật này nhưng đều bất thành. Tâm lý cần việc làm, sợ nợ trong bối cảnh khủng hoảng đã giúp Tổng thống Obama hoàn thành giấc mơ nói trên.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này hôm 21.3, với tỷ lệ sít sao 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống. Đạo luật này mở rộng phạm vi bảo hiểm tới khoảng 95% dân số Mỹ dưới 65 tuổi. Ít nhất có thêm 32 triệu người được bảo hiểm nhờ đạo luật gây nhiều tranh cãi này.

Dự luật đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với các các công ty bảo hiểm như không được từ chối bảo hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tật hoặc chấm dứt hợp đồng khi người đóng bảo hiểm bắt đầu suy giảm sức khoẻ. Để thực hiện được những thay đổi trên, dự luật sẽ huy động hơn 400 tỉ USD từ việc đóng thuế cao hơn trong vòng mười năm, và gần một nửa trong số này sẽ được trích từ nguồn thuế của chương trình bảo hiểm y tế xã hội của chính quyền liên bang (Medicare) mới áp dụng đối với những cá nhân có thu nhập trên 200.000 USD/năm và hộ gia đình có thu nhập trên 250.000 USD/năm. Bên cạnh đó, dự luật còn đánh dấu việc mở rộng quan trọng chương trình phúc lợi xã hội do chính quyền liên bang cùng các bang hỗ trợ (Medicaid).

Giấc mơ của 100 năm Tổng thống Mỹ

Cả thế kỷ nay, bao nhiều đời Tổng thống Mỹ đều muốn thông qua đạo luật này đều thất bại. Năm 1912, con át chủ bài trong chiến dịch tranh cử của ứng viên Theodore Roosevelt là chương trình bảo hiểm y tế quốc gia, nhưng ông thất bại. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman cố gắng làm sống lại kế hoạch này, và cũng thất bại.

Mãi đến năm 1965, Tổng thống Lyndon B. Johnson mới thông qua được hai đạo luật Medicare và Medicaid, nhưng cũng chẳng là gì so với giấc mộng bảo hiểm y tế quốc gia bao trùm hết thảy công dân Mỹ.

Từ đó đến nay bao nhiêu tổng thống ôm mộng hoàn thành chương trình này để đi vào lịch sử Mỹ một cách oanh liệt đều thất bại. Ngay cả ngôi sao chính trị Bill Clinton cũng từng vận động khắp nơi nhưng cũng bất thành. Năm 1993, đệ nhất phu nhân Hillary Clinton từng cố gắng hoàn thành giấc mơ bảo hiểm y tế quốc gia cũng thua đậm.

Đạo luật được thông qua nhờ kỳ vọng việc làm

Trong bối cảnh nước Mỹ trở thành quốc gia có chi phí y tế đắt đỏ nhất thế giới (với chi phí y tế bình quân đầu người trên 7.000 USD/năm), trong khi 45 triệu người Mỹ (15% dân số) khó tiếp cận dịch vụ y tế do không có bảo hiểm y tế, kế hoạch cải cách y tế của ông Obama được trông đợi như một trong những thay đổi mà nước Mỹ cần phải có.

Chương trình này được thông qua vì áp lực của thâm hụt ngân sách và tình trạng thất nghiệp. Theo tính toán của văn phòng ngân sách quốc hội, một cơ quan không đảng phái, kế hoạch cải tổ bảo hiểm y tế tuy sẽ tiêu tốn khoảng 940 tỉ USD, nhưng sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách khoảng 140 tỉ USD trong mười năm tới và 1.000 tỉ USD trong mười năm tiếp theo đó, vì chương trình cải tổ này cho phép cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, thu được thêm nhiều khoản phí và thuế mới. Chính những con số này đã thuyết phục những nghị sĩ Dân chủ còn lưỡng lự bỏ phiếu thuận.

Hơn nữa, phe Dân chủ đã thuyết phục thành công rằng, việc thông qua đạo luật này sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến quá trình hồi phục kinh tế, vì nhiều điều khoản trong đó phải chờ đến năm 2014 mới có hiệu lực thi hành. Nhà Trắng và phe Dân chủ ở quốc hội cam kết kế hoạch này sẽ làm nước Mỹ cạnh tranh hơn, vì những khoản cắt giảm trong các chương trình y tế trước đó sẽ giúp chính phủ có ngân sách phát triển lĩnh vực khác, chẳng hạn giáo dục.

Bà Nancy Pelosi, nghị sĩ Dân chủ, chủ tịch Hạ viện, còn dẫn chứng cho thấy đạo luật mới sẽ rất có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, nơi thu hút một lượng lớn lao động của Mỹ. Theo bà Pelosi, đạo luật này sẽ tạo ra khoảng 4 triệu việc làm.

Ngoài những lý do đó, đạo luật được thông qua còn nhờ nỗ lực của Tổng thống Obama. Trong bối cảnh uy tín bị giảm sút, hình ảnh một người đoạt giải Nobel Hoà bình bị hoen ố vì tăng quân ra nước ngoài, ông Obama buộc phải cải thiện hình ảnh của mình qua hoạt động đối nội. Với chiến thắng này, ông sẽ được lưu danh là Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ và là vị Tổng thống định hình lại hệ thống phúc lợi của nước Mỹ, Tổng thống của cải cách y tế, giấc mơ 100 năm nay của bao nhiêu đời tổng thống. Cuối cùng, phe Dân chủ phải cố hết sức để thông qua đạo luật cải cách y tế, vì phải giữ vững ghế trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây, trước sự nổi dậy của phe Cộng hoà.

Ngọc Danh (tổng hợp)

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   IMF: Châu Á phải đảm bảo mọi người đều được lợi (23/03/2010)

>   Địa ốc Trung Quốc phớt lờ nguy cơ bong bóng (23/03/2010)

>   Liên danh Shell-Petrochina chính thức tiếp quản Arrow (23/03/2010)

>   Shell-PetroChina thêm cơ hội mua Arrow Energy (22/03/2010)

>   Hạ viện Mỹ tán thành dự luật cải cách y tế lịch sử (22/03/2010)

>   Đình công tại hãng hàng không British Airways (20/03/2010)

>   Rio Tinto tiếp tục hợp tác với Trung Quốc (20/03/2010)

>   Giá nhà đất Trung Quốc chưa thể giảm ngay (20/03/2010)

>   "Lehman Brothers che giấu hàng chục tỷ đôla" (20/03/2010)

>   Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng trong nước (20/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật