Thứ Ba, 30/03/2010 14:21

Cổ đông chiến lược nước ngoài: Kẻ chán, người thèm! 

Kế hoạch tăng vốn được hầu hết các ngân hàng xây dựng trong năm 2010 đều có phương án phát hành cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Đặc biệt là với những ngân hàng chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài đang lên kế hoạch hút vốn. Song có một thực tế là, một số nhà băng đã có nhà đầu tư nước ngoài tham gia lại không muốn duy trì mối lương duyên này.

Chưa có… muốn hút vào

Với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.400 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng của DongA Bank xây dựng trong năm nay và đã được ĐHCĐ thông qua, Ngân hàng dành 150 triệu cổ phiếu (tương đương 1.500 tỷ đồng) chào bán cho đối tác chiến lược trong và ngoài nước. DongA Bank cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình tìm kiếm các đối tác chiến lược tiềm năng.

DongA Bank là một trong những ngân hàng TMCP chậm chân trong việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài sau thương vụ chia tay với Citibank. Phát biểu trong ĐHCĐ diễn ra ngày 26/3, một cổ đông của ngân hàng này cho rằng, nếu cách đây 5 năm DongA Bank thu hút đối tác chiến lược nước ngoài thì có thể tình hình hoạt động hiện đã tốt hơn.

“Cách đây 5 năm, DongA Bank nằm trong top ngân hàng TMCP quy mô như ACB, Eximbank, Sacombank…, nhưng giờ nếu nhìn vào quy mô vốn cũng như lợi nhuận thu về đều thấp hơn. Còn các ngân hàng trên đã có vị trí khác, vì có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài”, vị cổ đông trên nói và cho rằng, DongA Bank nên cởi mở, không quá khắt khe trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, thay vì chỉ chọn đối tác trong nước.

Trả lời vấn đề này, HĐQT DongA Bank cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình xem xét để tìm kiếm được cổ đông có chiến lược phù hợp với hoạt động của DongA Bank. Tuy nhiên, theo HĐQT DongA Bank, trong bối cảnh tình hình kinh tế giới sau thời kỳ khủng hoảng, các tập đoàn tài chính nước ngoài cũng có những khó khăn nhất định. Do đó, để tìm được đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp cũng không dễ và phải cân nhắc kỹ.

Trong kế hoạch tăng vốn điều lệ của OCB từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, sẽ có một phần vốn phát hành thêm cho cổ đông chiến lược nước ngoài của OCB là BNPP (Pháp). Từ đó, nâng tỷ lệ cổ phần của BNP tại OCB lên 20% sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ cho phép.

Cũng theo ông Vĩnh, nếu kế hoạch trên sớm hoàn thành sẽ có nhiều dự án then chốt trong kinh doanh tiếp tục được triển khai để hai bên cùng đưa OCB trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. “Cả hai bên đều đánh giá cao thỏa thuận liên minh ban đầu và hết sức hài lòng với những gì đã thực hiện trong thời gian qua”, ông Vĩnh nói.

HDBank, VietA Bank cũng đưa ra kế hoạch thu hút vốn từ đối tác chiến lược nước ngoài để hoàn thành kế hoạch tăng vốn từ trên 1.500 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong năm nay. Đây cũng là vấn đề đang được các ngân hàng quan tâm, nhất là với nhà băng quy mô nhỏ. Vì để hoàn thành được kế hoạch tăng vốn điều lệ theo lộ trình quy định tại Nghị định 141/2006-NĐ/CP là điều không dễ đối với các nhà băng nhỏ, khi phải chạy nước rút để hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trước khi năm tài chính 2010 kết thúc.

Song để tìm kiếm được đối tác chiến lược nước ngoài trong bối cảnh thị trường thời hậu khủng hoảng là điều không dễ. Bởi các tập đoàn tài chính trên thế giới phải đối mặt với khó khăn trong cuộc khủng hoảng vừa qua, nên nguồn tài chính từ đó cũng vơi dần. Mặt khác, trải qua giai đoạn khủng hoảng sẽ lộ rõ được mặt yếu và mạnh của các ngân hàng nên đối tác nước ngoài cũng sàng lọc hơn trong việc tìm kiếm nhà băng của Việt Nam để mua lại.

Có rồi… lại muốn chia tay

Khác với những nhà băng chưa có đối tác chiến lược nước ngoài, Sacombank đã chính thức công bố việc chia tay với cổ đông lớn là ANZ. Hiện ANZ còn 10% vốn tại Sacombank và đang trong quá trình đi đến kết quả của việc chấm dứt mối lương duyên với ngân hàng này. Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, việc thoái vốn của ANZ cũng là chuyện bình thường, vì bản thân Sacombank cũng cảm thấy đã đến lúc phải chia tay với ANZ.

Một trong những nguyên nhân khiến một số ngân hàng trong nước đã có cổ đông chiến lược nước ngoài lo ngại đó chính là việc đối tác đã thành lập ngân hàng con 100% vốn ngoại và đang từng bước mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. ANZ cũng là một trong số đó, với giấy phép thành lập được Chính phủ Việt Nam cấp trong năm 2008 và chính thức đi vào hoạt động năm 2009. Hiện ANZ đang từng bước đẩy mạnh chiến lược bán lẻ tại thị trường tài chính Việt Nam và đây cũng chính là mục tiêu của Sacombank. Song điều cốt lõi là cả hai bên cảm thấy không tìm được tiếng nói chung, đành phải đi đến kết cục chia tay.

Hiện với các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài đang từng bước củng cố và đẩy mạnh chiến lược bán lẻ tại thị trường Việt Nam. So với ngân hàng trong nước, các ngân hàng con có lợi thế về công nghệ, chiến lược phát triển sản phẩm được hỗ trợ từ tập đoàn.

Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập ngân hàng con 100% vốn từ ngày 1/4/2007, đến nay đã có 5 ngân hàng con 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Việc này có ý nghĩa rất lớn và chứng minh được tiềm năng, cơ hội và sự hòa nhập của kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng. Việc này giúp cho sự cạnh tranh và phát triển của hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, sức ép lên ngân hàng “nội” cũng sẽ ngày càng gia tăng, đo đó, đòi hỏi các nhà băng phải nâng cao sức cạnh tranh.

Trong một hướng đi khác, tổng giám đốc một ngân hàng khác cho rằng, không nhất thiết phải có đối tác chiến lược nước ngoài mà đối tác chiến lược trong nước nếu phù hợp cũng sẽ rất tốt cho chiến lược phát triển của ngân hàng. Vì theo vị tổng giám đốc này, trước đây quan niệm phải thu hút đối tác chiến lược nước ngoài để nâng cao trình độ công nghệ, chiến lược bán lẻ. Nhưng hiện nếu có chi phí, ngân hàng sẽ đầu tư được công nghệ và thu hút chuyên gia nước ngoài vào làm việc. Từ đó, các nhà băng có thể xây dựng chiến lược bán lẻ và phấn đấu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, thay vì phải có đối tác chiến lược nước ngoài.

Còn theo chủ tịch HĐQT một ngân hàng, chiến lược phát triển của đối tác chiến lược nước ngoài sau khi đã thành lập ngân hàng con 100% vốn ngoại là đẩy mạnh việc bán lẻ sản phẩm tài chính - ngân hàng trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, mục tiêu của các ngân hàng trong nước cũng nhắm đến chiến lược trên và không chỉ ở thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới. Do đó, vị chủ tịch trên cho rằng, sẽ phải tính đến việc chia tay đối tác ngoại.

Vân Linh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Hai cách để tăng vốn  (30/03/2010)

>   PSC trình kế hoạch tăng vốn thêm 140% (29/03/2010)

>   PNJ tiếp tục chào mua 2.1 triệu cp SFC (29/03/2010)

>   Hanel xốp nhựa phát hành 1 triệu cổ phiếu cho cổ đông (29/03/2010)

>   CFC lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng (29/03/2010)

>   ACB lên kế hoạch chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (29/03/2010)

>   HSI phát hành 2 triệu trái phiếu chuyển đổi và tăng vốn gấp 3 lần (28/03/2010)

>   IMP sẽ phát hành hơn 4.34 triệu cp tăng vốn lên 160 tỷ đồng (28/03/2010)

>   PVA tăng 4 lần vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng năm 2010 (26/03/2010)

>   VPL dự kiến phát hành 80 triệu cp với tỷ lệ 100:80 (26/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật