Đột biến vốn ngoại
Liên tiếp hai phiên giao dịch gần đây, thị trường đã chứng kiến mức tăng khá mạnh, phá vỡ xu thế đi ngang trong biên độ hẹp có phần “buồn ngủ” của VN-Index. Lực lượng tạo nên sự đột biến đó chính là NĐTNN.
Những kỷ lục mới
Kỷ lục về quy mô giá trị mua ròng (giá trị mua – giá trị bán) của khối ngoại trên sàn HoSE qua khớp lệnh trong vòng 4 tháng qua đã được lập ngày 3.2 với 231,7 tỉ đồng. Nếu tính riêng giá trị mua, đã rất lâu rồi thị trường mới chứng kiến một phiên dòng vốn vào lên tới trên 300 tỉ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái, tỉ trọng giá trị mua của NĐTNN chiếm tới xấp xỉ một phần ba quy mô khớp lệnh toàn thị trường.
Ngày 4.2, khối ngoại cũng bỏ thêm 295,7 tỉ đồng - tức là cũng tương đương với phiên ngày 3.2 - để mua vào, nhưng giá trị bán tăng chút ít khiến con số mua ròng đạt khoảng 208,4 tỉ đồng. Dù vậy với phiên này, chuỗi ngày mua ròng của NĐTNN cũng kéo dài sang phiên thứ 19 liên tục, gợi nhớ lại thời kỳ tháng 6.2009 khi khối này cũng mua ròng liên tục tới 18 phiên. Như vậy tuần này không chỉ ghi nhận kỷ lục về giá trị mua ròng trong một phiên, mà còn ghi nhận chuỗi ngày mua ròng liên tục dài nhất.
Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 2 có thể sẽ còn gây chú ý hơn nữa nếu phiên ngày 5.2 không có diễn biến ngược dòng bất thường nào. Tính chung 4 phiên tuần này, tổng giá trị mua ròng cho riêng khớp lệnh đã là 639 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần tuần trước. Nếu phiên cuối tuần khối ngoại vẫn giữ cường độ mua như vậy, khả năng tuần này sẽ lập thêm một kỷ lục mới trên TTCK về quy mô mua ròng lớn nhất tính theo tuần. Kỷ lục gần nhất của sàn HoSE là tuần từ 7-11.4.2008 khi khối ngoại mua ròng 772 tỉ đồng qua khớp lệnh.
Vốn ngoại sẽ lại đúng?
Thực tế cường độ mua vào của NĐTNN chỉ tăng đột biến 3 phiên trở lại đây. Có thể thấy điều này qua quy mô mua ròng bình quân của 16 phiên trước đó chỉ là 54,84 tỉ đồng/phiên. Riêng 3 phiên gần đây, mức mua bình quân vọt lên tới 182,57 tỉ đồng/phiên. Hoạt động mua vào tăng mạnh sau khi chỉ số chính của TTCK Việt Nam điều chỉnh khá mạnh (trên 30%) từ đỉnh hồi tháng 10.2009. Đợt điều chỉnh cuối tháng 1 vừa qua đã không đưa VN-Index sụt giảm xuống dưới mức 480 điểm một phần nhờ hoạt động tích lũy của NĐTNN, trong khi NĐTTN không còn chấp nhận bán tháo CP giá rẻ nữa.
Lý giải hiện tượng các blue-chips được NĐTNN tích cực thu gom từ đầu năm đến nay, GĐ phân tích của một CTCK cho biết, đây có thể là biểu hiện của hoạt động xây dựng danh mục mới. Thường thì các tổ chức lớn ưa thích nhóm CP lớn vì tính thanh khoản cao, đồng thời danh mục như vậy sẽ có biến động khá tương đồng với biến động của VN-Index. Như vậy có thể là hoạt động cơ cấu danh mục của các tổ chức lớn cơ bản đã xong và bắt đầu mua mới.
Thực tế thì trong quá trình bán ròng của NĐTNN hồi tháng 9 và 10.2009, khối lượng blue-chips bị bán ra cũng không quá lớn. Có thể suy đoán rằng, các tổ chức sau khi đã bán đi giá cao sẽ mua lại danh mục ở giá thấp hơn. Nếu vốn mới (hay lãi) cũng được giải ngân thì cầu sẽ tăng lên mạnh.
Ý kiến này nhận định chủ quan rằng rất có khả năng sự điều chỉnh và lình sình ở các TTCK khác trên thế giới đã kích thích dòng vốn nóng từ bên ngoài “chạy” vào các thị trường mới nổi, nhất là khi nền kinh tế của Việt Nam đang khá ổn định và có triển vọng.
Từ tuần trước, thị trường đang loang đi một thông tin không chính thức về một lượng vốn nước ngoài lớn cỡ 500 triệu USD đã được ủy thác đầu tư vào TTCK Việt Nam thông qua Deutsche Bank và HSBC. Không thể kiểm chứng độ chính xác của thông tin này đến đâu, nhưng rõ ràng việc khối ngoại mua vào đột biến mấy ngày gần đây cho thấy thông tin trên phần nào có cơ sở dù có thể không chính xác tuyệt đối.
Bình luận về động thái mua vào của NĐTNN, ông Quách Mạnh Hào - Phó TGĐ CTCK Thăng Long - trong bản tin của mình cũng nhận định hoạt động giao dịch của khối ngoại trong ngày 3.2 đã chiếm khoảng 32% toàn thị trường, vượt mức trung bình 15%.
Nguyên nhân hoạt động giao dịch tăng mạnh có thể do động thái mua vào cho sản phẩm P-note (chứng chỉ đầu tư) của Deutsche Bank và HSBC. Nhiều NĐT tổ chức quốc tế đã bắt đầu trở lại thị trường Việt Nam hơn là chờ đợi cơ hội ở những thị trường đã phát triển và đang phát triển khác. Các CP blue-chips vẫn nằm trong danh mục ưu tiên.
Tình hình giao dịch mạnh của khối ngoại là dấu hiệu cho triển vọng tích cực của thị trường nói riêng và kinh tế VN nói chung. Điều này cũng là tín hiệu giảm sự quan ngại của giới đầu tư vào tình hình KT vĩ mô như vấn đề lạm phát, khủng hoảng kép và tiền đồng bị mất giá...
Liên hệ hoạt động giao dịch của NĐTNN trong năm 2009 có thể thấy họ đã thích nghi tốt hơn nhiều thời kỳ trước và “nhảy sóng” khá hợp lý. Các đợt tăng trưởng mạnh của thị trường hồi tháng 5 và tháng 9.2009 đều có dấu ấn của NĐTNN. Khối này sẵn sàng mua vào mạnh trong khi các tổ chức và NĐTTN vẫn lo ngại về khả năng giảm sâu. Liệu lần này khối ngoại có lại đi trước một bước?
Hoàng Nguyên
Lao động
|