Thứ Ba, 09/02/2010 08:13

Cổ phần hoá: bất khả thi trước hạn chót

Bước sang tháng thứ 2 của năm 2010 và nhiệm vụ hoàn thành CPH trước ngày 1/7/2010 của khối DNNN trở nên bất khả thi hơn bao giờ hết.

Trước khi ra nghị quyết về việc thi hành Luật Doanh nghiệp, trong đó có yêu cầu, toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoàn tất quá trình sắp xếp, cổ phần hoá (CPH) để chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ ngày 1/7/2010, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại, rằng khó có thể thực hiện được yêu cầu này. Bởi lẽ, số DNNN phải CPH trong thời hạn ngắn như vậy là quá lớn.

Không ít đại biểu Quốc hội cũng thấy rằng, với sự trì trệ truyền thống ở hầu hết các DNNN khi đó, để thực hiện yêu cầu này quả thực là nhiệm vụ kém tính khả thi. Tuy nhiên, khi đó, chính cơ quan soạn thảo luật rồi lãnh đạo Quốc hội lại cho rằng, cần phải đặt ra một thời hạn như vậy để Chính phủ thực sự quyết tâm, tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến trình CPH. Đó cũng là yêu cầu cấp thiết để khối DNNN tham gia luật chơi chung khi Việt Nam đã gia nhập WTO từ năm 2007.

Tuy nhiên, đã bước sang tháng thứ 2 của năm 2010 và nhiệm vụ hoàn thành CPH trước ngày 1/7/2010 của khối DNNN trở nên bất khả thi hơn bao giờ hết.

Cho dù, tính đến hết năm 2009, đã có tới gần 4.500 doanh nghiệp, đơn vị đã hoàn tất CPH nhưng phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, có qui mô vốn, giá trị tài sản chưa đầy 30% trong tổng giá trị vốn, tài sản của khối DNNN.

Năm 2009, cũng chỉ vỏn vẹn 60 doanh nghiệp được CPH. Và từ nay cho đến tháng 7/2010, với khoảng 1.500 doanh nghiệp trong đó, có tới 8 tập đoàn, 7-80 tổng công ty nhà nước và hàng trăm công ty lớn có qui mô vốn, tài sản không nhỏ thì việc CPH chắc chắn không thể hoàn thành được.

Vietnam Airlines là một trong những tổng công ty lớn đầu tiên tuyên bố không CPH được trước thời hạn 1/7 và chỉ có thể tạm chuyển sang hình thức Công ty TNHH một thành viên. Nhưng với số doanh nghiệp còn lại, ngay cả việc chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên hay 2 thành viên thì thời gian còn lại khoảng 5 tháng cũng là quá ngắn để làm thủ tục chuyển đổi.

Vấn đề đặt ra là nếu các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước trong thời hạn ngắn lại phải bỏ qua nhiều thủ tục, đẩy nhanh tiến độ CPH thì điều này cũng không đem lại một kết quả tốt đẹp gì và chắc chắn sẽ phát sinh những kẽ hở lớn gây thất thoát khối tiền của, tài sản khổng lồ mà các DNNN chưa CPH đang còn nắm giữ.

Kết quả của hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm toán gần đây của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra Bộ Tài chính cho thấy, việc đẩy nhanh CPH trong khi hệ thống quản lý, giám sát quá trình CPH còn lỏng lẻo, quy trình thẩm định giá còn chưa chặt chẽ... cho thấy đã có hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn, tài sản nhà nước bị thất thoát, bay hơn một cách dễ dàng như thế nào.

Với các cuộc thanh tra theo chuyên đề về CPH mà Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh tiến hành năm 2009, với một số lượng doanh nghiệp được thanh tra hạn chế, thanh tra đã phát hiện trên  3.744 tỷ đồng, gần 150 ngàn USD, trên 1 triệu 380 ngàn m2 đất, hơn 13.449.000 cổ phần... là sai phạm, tiêu cực. Phần lớn trong số đó được kiến nghị phải thu hồi.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, khi xác định giá trị tài sản là hiện vật, các công ty tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp thường không thực hiện theo đúng nguyên tắc giá thị trường.

Nhiều nơi viện lý do: thị trường không có tài sản tương đương nhưng thường, các đơn vị đó lại không thực hiện đầy đủ quá trình định giá. Người ta thường dùng số liệu kế toán cũ, lạc hậu làm căn cứ nên giá trị tài sản của doanh nghiệp đưa vào CPH thường bị đánh giá thấp hơn giá trị thực tế.

Có tình trạng chung là các hội đồng xác định giá trị tài sản doanh nghiệp cố ý hiểu khác đi quy định về cách xác định chất lượng tài sản trong thông tư hướng dẫn (của Bộ Tài chính) để hạ thấp chất lượng nhiều tài sản xuống 20% kể cả nhà cửa, phương tiện giao thông, v.v. đang sử dụng.

Thậm chí có nơi, như ở Cần Thơ, Trung tâm Dịch vụ và Thẩm định giá tài sản của nhà nước còn sử dụng cả cán bộ chưa hề qua đào tạo, không có chuyên môn thẩm định tham gia vào việc xác định giá trị doanh nghiệp.

Những ví dụ sau đây cho thấy quá trình định giá tài sản ở các DNNN vừa qua như thế nào: Tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng, người ta đã hạ thấp tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản tại doanh nghiệp này hơn 4 tỷ đồng; ở công ty cổ phần cấp nước Sơn La, giá trị tài sản cũng bị giảm thấp đi 1,8 tỷ đồng...

Hàng loạt doanh nghiệp khác, qua thanh tra, đã được kết luận là xác định sai, tính thiếu, làm thấp giá trị tài sản, v.v. trị giá hàng chục tỷ đồng như: công ty cổ phần Đúc Đồng - Hải Phòng (1,94 tỷ đồng), công ty Thương mại Du lịch Bắc Ninh (2,92 tỷ đồng), công ty cổ phần Dịch vụ Minh Hải (không làm hồ sơ quyết toán để xác định giá trị tài sản số tiền trên 4 tỷ đồng). Nhà máy Thiết bị Bưu điện (VNPT) khi CPH đã xác định thiếu giá trị lợi thế kinh doanh 3 tỷ đồng...

Đất đai là một nguồn tài sản lớn nhất mà các các doanh nghiệp công nắm giữ và trong quá trình CPH, Nguồn lực này đã bị mất mát, bốc hơi theo đủ cách: doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị đất, chỉ làm thủ tục thuê một phần diện tích đang sử dụng (thực chất là chiếm dụng đất, trốn thuế), sử dụng lãng phí, tuỳ tiện cho thuê, mượn, v.v. thậm chí còn chuyển nhượng trái phép cho cá nhân. Như ở Công ty Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng: công ty này không tính vào giá trị doanh nghiệp diện tích 113.713 m2 đất xây dựng nhà để bán và 7.976 m2 đất khác để xây nhà tái định cư.

Điển hình nhất là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng đã không xác định vào giá trị doanh nghiệp giá trị quyền sử dụng đất được giao để thực hiện dự án (diện tích đất này giá trị 270 tỷ đồng).

13 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông không ký hợp đồng thuê 54.096 m2 đất đang sử dụng của nhà nước...

Cũng trong năm 2009, khi kiểm toán tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện hàng chục doanh nghiệp đã CPH của tập đoàn này chưa tính giá trị sử dụng đất, cơ nơi nên đến hàng trăm ngàn m2 vào phần vốn doanh nghiệp, tính lợi thế kinh doanh không đúng làm mất vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp số tiền trên 12 tỷ đồng

Quá trình chuyển nhượng, bán cổ phần ở nhiều DNNN đã CPH cũng thường xuyên xảy ra các sai phạm. như: chuyển nhượng, bán cổ phần ưu đãi sai đối tượng (không đủ điều kiện), sai quy định (quyết toán tăng, khống để hưởng chế độ ưu đãi khi mua cổ phiếu)...

Ở hàng loạt các doanh nghiệp lớn, nhỏ của nhà nước trước đây, nay là doanh nghiệp cổ phần, đều diễn ra thực tế này.

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã xảy ra việc chuyển nhượng 3 triệu cổ phần ưu đãi sai quy định với giá trị 15,6 tỷ đồng; Vinaconex bán cổ phần ưu đãi sai cho bảy nhà đầu tư không đúng tiêu chí "chiến lược" hơn mười triệu cổ phần, trị giá trên 53 tỷ đồng. Các công ty cổ phần May sông Hồng, Dược Nam Hà, May Mỹ Tho -Tiền Giang... mỗi nơi đều làm mất hàng tỷ đồng với cách thức bán cổ phần sai đối tượng như trên.

Tình trạng dây dưa chậm nộp tiền CPH để chiếm dụng vốn, việc quản lý nguồn quỹ hỗ trợ, sắp xếp CPH cũng rất lỏng lẻo. Việc sử dụng sai mục đích nguồn vốn do bán cổ phần ở các DNNN có thể thấy ở khá nhiều đơn vị CPH. Như các công ty thuộc tập đoàn Bưu chính Viễn thông đã chậm nộp 82,1 tỷ đồng, Vinaconex không nộp đúng hạn các khoản CPH 1.082 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực dùng quỹ chi tạm ứng cho các dự án đầu tư sai gần 757 tỷ đồng... Hàng trăm công ty được thanh tra khác cũng chậm nộp tiền bán cổ phần, tiền cổ tức về quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Với tất cả thực tế nêu trên, không thể không lo ngại rằng, nếu cứ nhắm mắt, đẩy nhanh tiến trình CPH cho kịp thời hạn 1/7/2010 thì có thể, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn, tài sản của nhà nước còn ở các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước sẽ bị thất thoát.

Theo kết quả cuộc khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp CPH do nhóm tư vấn chính sách (PAG) thuộc Bộ Tài chính mới hoàn thành và công bố, nếu như việc CPH được tiến hành thận trọng, chắc chắn hơn, thì giá trị đem lại về cho nhà nước là rất lớn. Theo nhóm này, chỉ phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp sau khi xác định lại đợt I đã tăng tới 60%, lần 2 tăng 20,9% cho dù thời gian tiến hành CPH ở hầu hết doanh nghiệp được khảo sát (87,9%) đã rút ngắn dưới 12 tháng.

Việc CPH số DNNN còn lại trong thời gian tới, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế là rất khó khăn và cần có giải pháp khác. Theo ông Bùi Văn Dũng, Phó ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty lớn khi CPH sắp tới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn từ kinh tế trong nước và quốc tế như nguy cơ lạm phát, khó khăn thanh khoản thường trực nhưng cái khó lớn nhất là khả năng hấp thị của thị trường chứng khoán với khối lượng cổ phần rất lớn của các doanh nghiệp còn lại.

Do đó, một giải pháp được nhiều chuyên gia nêu lúc này: Chính phủ có tờ trình đề nghị Quốc hội cho giãn tiến độ hoàn thành CPH ? . Có lẽ đó là giải pháp duy nhất để việc thực hiện CPH không quá gấp gáp, để các cơ quan: Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Trung ương và các cơ quan liên quan có thời gian xiết chặt, lấp các lỗ hổng về quản lý, giám sát, định giá tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp CPH, có thời gian nghiên cứu, bổ sung để xây dựng  quy trình, trình tự, thủ tục tiến hành CPH sao cho việc CPH vẫn được tiến hành nhanh, gọn nhưng không gây thất thoát quá lớn về giá trị tài sản nhà nước.

Nguyễn Bình

TUẦN VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Nhà nước nắm tối thiểu 75% vốn tại Petrolimex (08/02/2010)

>   Vinatex sẽ cổ phần hoá năm 2011 (06/02/2010)

>   Bảo hiểm BIDV thực hiện IPO vào quý 2 (05/02/2010)

>   IPO Cty Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng: Lượng mua vượt 4% (04/02/2010)

>   Công trình Viettel IPO hơn 6.14 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp (04/02/2010)

>   Cổ phần hóa nhiều DN giao thông vận tải (03/02/2010)

>   KCN Định Quán: Giá đấu thành công đạt 10,235 đồng/cp (29/01/2010)

>   IPO Xí nghiệp in báo Thanh Niên: Chốt phiếu tham dự vào ngày 02/03 (28/01/2010)

>   Cấp thoát nước Quảng Bình chỉ IPO được 174,300 cp (27/01/2010)

>   Đấu giá cổ phần KCN Định Quán: Lượng đăng ký mua đạt 7.4% (26/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật