Chào bán riêng lẻ: 3 vấn đề được quan tâm
Bắt đầu từ ngày 25/2, Nghị định số 01/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn việc chào bán cổ phần riêng lẻ có hiệu lực. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên hướng dẫn chi tiết việc phát hành riêng lẻ của tất cả các CTCP, không chỉ riêng với công ty đại chúng. Dưới đây là 3 quy định được các DN đặc biệt quan tâm.
Thêm giấy phép
Theo bộ phận tư vấn của một số CTCK, vấn đề thủ tục trong việc đăng ký chào bán riêng lẻ đối với các công ty đại chúng nhìn chung không gặp khó khăn gì, ngoại trừ các CTCP không phải công ty đại chúng.
Trước đây, CTCP (không phải công ty đại chúng) khi thực hiện tăng vốn, bằng việc chào bán cho dưới 100 NĐT, sau khi hoàn tất việc tăng vốn chỉ cần khai báo thay đổi giấy đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi DN đặt trụ sở chính. Nhưng nay, với quy định mới, DN phải làm thêm một bước nữa, đó là làm hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cho đơn vị quản lý trực tiếp (theo quy định tại Nghị định 01).
Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện một DN cho biết, DN chưa được "phổ cập" Nghị định 01, chứ chưa nói gì đến việc có kinh nghiệm để làm hồ sơ đầy đủ chính xác ngay từ đầu. Rồi vị đại diện DN này băn khoăn, liệu có xảy ra hiện tượng "giấy phép con" cho DN là CTCP?
Giới hạn thời gian chuyển nhượng
Một trong những điểm mới mang tính siết chặt hoạt động phát hành riêng lẻ của DN là yêu cầu giới hạn thời gian chuyển nhượng (tối thiểu 1 năm) với người mua cổ phiếu phát hành của đợt chào bán riêng lẻ.
Về thông lệ cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, việc giới hạn thời gian chuyển nhượng với cổ phần chào bán riêng lẻ là hợp lý, bởi nếu không, DN sẽ lách luật bằng việc chào bán cổ phiếu ra công chúng dưới hình thức riêng lẻ (do cổ phiếu sau khi chào bán riêng lẻ có thể được bán cho người khác tùy ý).
Tuy nhiên, một số NĐT tổ chức (nhất là các quỹ đầu tư chứng khoán, CTCK) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quy định thời gian nắm giữ tối thiểu 1 năm như trên có thể khiến DN gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Lãnh đạo một CTCK cho biết, 2 năm trở về trước, khi tiếp xúc DN, các NĐT tổ chức đều tỏ ý sẵn sàng làm NĐT dài hạn, đối tác tin cậy của DN. Nhưng với diễn biến của TTCK thời gian vừa qua, các NĐT tổ chức ngần ngại đưa ra cam kết đầu tư dài hạn.
"Với TTCK Việt Nam hiện tại, nhận định diễn biến trong 1 năm không hề dễ, nên với việc yêu cầu nắm giữ cổ phiếu trên 1 năm . DN sẽ khó hơn trong việc tìm được người góp vốn ", lãnh đạo CTCK nói trên nói và cho rằng, với quy định này, DN muốn chào bán thành công thì chỉ có thể chào bán cho các đối tác có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh - doanh trực tiếp của mình. Tuy nhiên, đối tượng này không phải lúc nào cũng sẵn tiền và sẵn sàng tham gia đầu tư.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc CTCP Sao Mai (Hà Nội) tỏ ra e ngại, vì theo quy định mới, CTCP không phải công ty đại chúng sẽ khó phát hành hơn. Ông Minh cho biết, Công ty hiện có 3 cổ đông, với vốn điều lệ 15 tỷ đồng.
Sau ngày 25/2, nếu các cổ đông hiện hữu muốn góp thêm vốn vào Công ty để mở rộng hoạt động kinh doanh, thì sẽ bị điều tiết theo quy định chào bán riêng lẻ (do bán cho 3 cổ đông), tức là phần phát hành mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Đem vấn đề này so sánh với công ty đại chúng sẽ thấy quy định này chưa hợp lý, bởi nếu một công ty có 99 cổ đông, khi chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thì cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, còn công ty đại chúng (có từ 100 cổ đông trở lên) nếu chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị giới hạn chuyển nhượng. Chưa kể, chào bán cho cổ đông hiện hữu, đáng lý không cần phải cam kết thời gian nắm giữ.
Chào bán cho CBCNV có thể là chào bán riêng lẻ
Theo Nghị định 01, việc chào bán cho đối tượng người lao động cũng có thể bị điều chỉnh bởi quy định chào bán riêng lẻ. Trước đây, theo Thông tư 18/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 về việc hướng dẫn mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng, thì việc cổ phiếu phát hành cho CBCNV không bị quy định về thời gian nắm giữ, mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế quản trị của DN. Nay có thêm quy định tại Nghị định 01, một số DN băn khoăn, họ phải làm theo quy định nào, khi muốn chào bán cổ phiếu cho dưới 100 người lao động?
Bùi Sưởng
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|