Các thống đốc Mỹ vẫn lo lắng
Các thống đốc Mỹ tham dự hội nghị của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia (NGA) ở Washington hôm 20-2 với nỗi lo về vấn đề việc làm và ngân sách của bang mình ngay cả khi chính phủ liên bang thông báo về những dấu hiệu kinh tế đang hồi phục. Thống đốc Jim Douglas của bang Vermont, chủ tịch NGA, cảnh báo tại hội nghị: “Điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa đến”. Theo hãng tin AP, ông Douglas đánh giá tình hình tài chính hiện nay tại hầu hết các bang là “khó khăn” trong bối cảnh thu ngân sách sụt giảm trong 4 quý liền.
Một cuộc khảo sát mới của NGA cho thấy các bang đối mặt với mức thâm hụt ngân sách lên đến 138 tỉ USD trong 3 năm tới. Do các bang buộc phải cân bằng ngân sách của mình nên sự thâm hụt này sẽ được bù đắp bằng cách tăng thuế, phí dịch vụ hoặc cắt giảm dịch vụ công và việc làm. Ông Douglas nhận định một cách bi quan: “Các nhà kinh tế tuyên bố rằng đất nước đã qua thời kỳ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đối với những người vẫn còn thất nghiệp hoặc mất nhà cửa thì rõ ràng là chúng ta còn một chặng đường dài để đi”.
Gói kích thích kinh tế 787 tỉ USD được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 11 năm ngoái bao gồm những khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay cho chính quyền các bang. Tuy nhiên, đối với nhiều bang, số tiền này dự kiến sẽ cạn trước tháng 12 tới. Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, cho rằng gói kích thích kinh tế chỉ mới giúp kháng cự trước những khó khăn chứ chưa giải quyết được chúng. Vì thế, theo ông Douglas, các thống đốc sẽ tìm kiếm nhiều sự giúp đỡ hơn từ Tổng thống (TT) Barack Obama khi họ đến Nhà Trắng gặp ông vào ngày 22-2.
Những nỗi lo nói trên đã bao trùm hội nghị, nơi các thống đốc tập trung bàn thảo về cách thức cắt giảm chi phí chăm sóc y tế. Đây cũng được xem là một cuộc khủng hoảng mà nhiều bang đang đối mặt. Tại hội nghị, theo báo The New York Times (Mỹ), một số thống đốc tỏ ra không mấy hào hứng trước một số nội dung của dự luật cải cách hệ thống y tế đang được TT Obama và các nghị sĩ Đảng Dân chủ thúc đẩy. Họ cho rằng các thống đốc cần có thêm nhiều quyền hạn trong việc điều chỉnh các chương trình bảo hiểm y tế sao cho phù hợp với nhu cầu, ưu tiên và khả năng tài chính của bang.
Hoàng Phương
người lao động
|