“Sóng cả” trước mùa công bố lợi nhuận?
Thông tin lợi nhuận năm 2009, kế hoạch năm 2010 của các DN niêm yết được công bố liên tiếp ở thời điểm này và tập trung tung ra mạnh trong tuần tới, được kỳ vọng sẽ là bệ đỡ tích cực cho thị trường hướng tới các mốc điểm cao hơn.
Tuy nhiên, nhìn lợi nhuận khả quan năm qua, NĐT cũng cần tỉnh táo “đãi cát tìm vàng”, bởi nhiều yếu tố đem lại kết quả thuận lợi ấy sẽ không còn trong năm 2010, giá nhiều mã chứng khoán cũng đã phản ánh kỳ vọng cao.
Về đích ấn tượng nhất phải kể tới nhóm DN kinh doanh bất động sản. Riêng Quý IV/2009, SJS lãi tới 400 tỷ đồng, đưa lợi nhuận cả năm ước đạt gần 700 tỷ đồng; NTL lãi hơn 200 tỷ đồng, đưa lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 500 tỷ đồng; KBC ước lãi 300 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm hơn 500 tỷ đồng... Những con số ấn tượng này được công bố đồng thời với biến động lớn trên thị trường bất động sản Hà Nội, khi giá đất nền tại các dự án của DN đều tăng chóng mặt, chẳng hạn Khu đô thị mới Quốc lộ 32 của NTL có giá đầu năm 13 triệu đồng/m2, cuối năm là 19 triệu đồng/m2.
Một yếu tố nữa đóng góp phần lớn lợi nhuận cho các DN niêm yết là tình trạng đầu tư chéo, sở hữu cổ phiếu của nhau rất phổ biến, vì thế mức độ tăng lớn của VN-Index và HNX-Index (đỉnh so với đáy) cũng như mức tăng giá quá nóng so với bình thường của một số mã cổ phiếu đã đem lại lợi nhuận rất lớn cho các DN. Đơn cử như SJS, ngoài doanh thu từ bán bất động sản, còn thu bộn tiền từ bán cổ phiếu VIS, S12; hay SD9 kiếm vài chục tỷ đồng từ bán cổ phiếu S96.
Kỳ vọng của NĐT vào kết quả kinh doanh của DN là yếu tố chính đẩy giá cổ phiếu tăng, song trên thực tế liệu kết quả ấy có trở thành hiện thực vẫn còn treo lơ lửng. Một trong những ẩn số thị trường là Vinaconex. Năm 2009, Vinaconex đã hoàn tất việc bán căn hộ dự án đường Đông Nam Trần Duy Hưng với số tiền lãi ước gần 1.000 tỷ đồng, giá thành 24 triệu đồng/m2 và một phần dự án Bắc An Khánh (Spendora). Số tiền trên có thể được hạch toán vào lợi nhuận sau khi Vinaconex tăng vốn. Song chốt năm, VCG vẫn chưa được tăng vốn, khoản lãi trên có khả năng chuyển vào năm 2010.
NĐT còn kỳ vọng vào việc bán phần vốn tại Xi măng Cẩm Phả và Nhà máy Nước Sông Đà, nhưng hiện cả hai thương vụ đều chưa hoàn tất, vì thế khoản lỗ từ hai dự án này, Vinaconex vẫn phải cáng đáng và lợi nhuận hợp nhất chưa hẳn lạc quan.
Nhóm DN có lãi lớn trong quý II, quý III từ nguyên liệu nhập thời điểm giá rẻ và hàng tồn kho như VIS, NTP, HSG vẫn có kết quả khả quan, song mức độ đã giảm dần so với trước. Lợi nhuận quý IV của NTP, theo một lãnh đạo của công ty này, ước đạt 80 tỷ đồng, thấp hơn so với dự kiến, do quý cuối giá nguyên vật liệu tăng đồng thời chi phí lương thưởng cuối năm tăng cao so với các quý trước.
Năm 2010, khả năng lợi nhuận của DN sẽ ra sao khi chi phí nguyên vật liệu cao hơn rất nhiều, thị trường tiêu thụ cũng được dự báo ổn định và không có biến động lớn như năm 2009. Một yếu tố nữa NĐT cần chú ý là năm 2009, DN nhỏ và vừa được giảm 30% thuế thu nhập DN theo chính sách ưu đãi của Chính phủ. Cụ thể, ưu đãi thuế dành cho 2 loại hình DN: có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng hoặc dưới 300 lao động. Khá nhiều DN niêm yết đạt điều kiện thứ hai, vì thế sẽ có xu hướng cố gắng kết chuyển lợi nhuận cao vào năm 2009 để giảm thuế, có lợi cho cổ đông. Chủ tịch HĐQT một công ty có lợi nhuận rất cao cho biết, công ty này cố gắng đẩy lợi nhuận cao vào năm nay để hưởng ưu đãi thuế, khoản tiền đó tính sơ sơ cũng tới 50 tỷ đồng và cẩn thận hơn, trước khi thực hiện báo cáo tài chính, DN đã có công văn tham khảo ý kiến Tổng cục Thuế.
Điểm qua vài trường hợp như trên để thấy phần nào bức tranh lợi nhuận năm 2010 của một số nhóm ngành cơ bản, song không có nghĩa DN nào cũng ít triển vọng hơn 2009. Cùng với đà hồi phục kinh tế, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá cao, trong đó NĐT được nhiều CTCK khuyến nghị xem xét các DN có năng lực tài chính và quỹ đất sạch để triển khai dự án. Bởi theo chính sách mới về đền bù giải phóng mặt bằng (chủ đầu tư thỏa thuận với người dân và áp giá sát với giá thị trường), chi phí để có đất sạch rất cao (ước 18 - 20 triệu đồng/m2 đất xây dựng khu công nghiệp). Trước dự báo TP. HCM và Hà Nội có khả năng thừa cung căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, DN triển khai các dự án bất động sản hướng tới phân khúc trung lưu, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp sẽ có ưu thế.
“Phong độ nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”, câu nói đó có thể lạc lõng với TTCK năm 2010, khi cả NĐT nội lẫn ngoại đang ra sức tìm kiếm những cổ phiếu trẻ, có sức bật tốt thay cho blue-chip già cỗi. Vẫn tập trung cho ngành nghề chính là sản phẩm công nghiệp và vật liệu xây dựng, song doanh thu năm 2010 của mảng hoạt động này chỉ được XMC dự kiến là 376 tỷ đồng, tương đương năm 2009. Sức bật của DN này được nhận định ở mảng kinh doanh nhà ở và đô thị với doanh thu dự kiến tăng từ 164 tỷ đồng năm 2009 lên 500 tỷ đồng. Do vậy, EPS đạt 4.500 đồng/CP năm 2010 là kế hoạch thận trọng nhất của XMC.
Trong nhóm penny, PIT được một số NĐT coi là lựa chọn an toàn khi đang giao dịch dưới giá trị sổ sách khá xa. Với thị giá xấp xỉ 14.000 đồng/CP, cổ tức kế hoạch 15%/năm, ít nhất NĐT cũng thu được lợi tức bằng lãi suất tiết kiệm. Khi mới chào sàn vào đầu năm 2008, cổ phiếu này có giá 52.000 đồng/CP và từ đó đến nay DN hầu như chưa thực hiện chia tách, phát hành thêm.
Trong mùa công bố thông tin cuối năm nay, nhiều người kỳ vọng chứng khoán sẽ lên điểm đến sát trước Tết Âm lịch, một số tổ chức còn lạc quan với con số 600 điểm cho VN-Index. Nhiều cổ phiếu còn tiềm năng song cũng có những cổ phiếu có giá đang ở mức cao nhất của năm 2009, thậm chí cao hơn đỉnh cũ của năm ngoái do đã chia tách. NĐT nhỏ lẻ cũng cần chú ý một quy luật: đó là đến thời hạn bắt buộc công bố kết quả kinh doanh quý thị trường bước vào tuần điều chỉnh.
Anh Việt
đầu tư chứng khoán
|