Thứ Sáu, 29/01/2010 09:26

Châu Âu: Rúng động vì những “chú heo” mắc nợ

Nguy cơ vỡ nợ của ít nhất năm nước châu Âu dấy lên vấn đề sống còn của khối mậu dịch mạnh nhất thế giới này. Nếu Liên minh châu Âu (EU) không cứu các nước này, mọi dự án của EU đều có thể bị phá sản.

Tin Hy Lạp “năn nỉ” Trung Quốc mua 35 tỉ USD trái phiếu chính phủ để giúp Hy Lạp thoát cảnh vỡ nợ hôm qua (28.1) một lần nữa làm rung động châu Âu. Trước đó, Chính phủ Hy Lạp công bố có nguy cơ vỡ nợ. Ngoài ra, Hy Lạp, còn tối thiểu bốn nước EU khác đang nợ ngập đầu. Đó là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và Ý, những nước thuộc nhóm mà các nhà kinh doanh bông đùa gọi là “PIGS” (các chú heo của châu Âu), vì nợ vượt quá GDP.

Những “chú heo” chờ cứu

Các quan chức ở Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, khăng khăng rằng không còn cách nào cứu nổi Hy Lạp và rằng tất cả những “chú heo” này sẽ phải chết chùm.

Tuy nhiên, các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm tại ngân hàng Danske không tin rằng EU dám để thành viên nào lâm vào cảnh vỡ nợ. Vì nếu không cứu, EU sẽ lâm vào cảnh mà Lehman Brothers đã gây ra cho các ngân hàng đầu tư vào năm 2008. Việc Hy Lạp vỡ nợ không khác gì cơn bệnh dịch, có thể tàn phá toàn bộ dự án của EU.

Một nước trong EU vỡ nợ, sẽ làm dấy lên cơn sóng thần tài chính Địa Trung Hải, làm bao công sức của châu Âu đổ sông đổ biển. Do đó, các ngân hàng tin rằng EU sẽ ra tay.

Không khác gì cảnh ngộ của Lehman, Hy Lạp và các “chú heo” khác đang là đích ngắm của các nhà đầu tư muốn kiếm lợi trên sự bất hạnh của họ. Lợi tức từ trái phiếu chính phủ Hy Lạp, vốn tỷ lệ nghịch với giá trị thị trường, đang tăng vọt đến chóng mặt trong mấy tháng gần đây. Ireland và Bồ Đào Nha, quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất, cũng đau đầu không kém vì chuyện này. Tây Ban Nha và Ý, dù cũng nợ đầm đìa, nhưng đủ khả năng đương đầu với áp lực tốt hơn nhờ có nền kinh tế lớn hơn nhiều và đa dạng hơn. Như vậy, ba “chú heo nhỏ” Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha nguy ngập nhất.

Hy Lạp thắt lưng tự cứu

Hy Lạp và Bồ Đào Nha áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng̣. Các món chi lớn đều được giám sát chặt chẽ, bất chấp phản đối của công đoàn và các đảng phái khác.

Mới đây, thủ tướng Hy Lạp hứa giảm mức thâm hụt ngân sách hàng năm (chiếm 12,7% GDP, cao gấp bốn lần mức trần của EU) xuống 3% trong vòng bốn năm. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papakonstantinou công bố chi tiết kế hoạch huy động toàn cầu khoảng 54 tỉ euro để bít lỗ thủng ngân sách. Ông rất mong sẽ thu hút khoảng 10 tỉ euro từ các nhà đầu tư Mỹ, châu Á và đặc biệt là Trung Quốc.

Trong nỗ lực cứu vãn tình thế, Chính phủ Hy Lạp vừa phát hành trái phiếu năm năm và theo kế hoạch là trái phiếu 10 năm, chấp nhận nguy cơ tín dụng cao, để huy động được tối thiểu 5 tỉ euro. Ngoài ra, chính phủ bán bớt tài sản như cổ phần tại kinh đô cờ bạc OPAP hay tập đoàn Hellenic Telecommunication Organisation SA, tư hữu hoá để thu về chừng 6,5 tỉ euro, siết chặt chính sách thuế khoá, bãi bỏ chính sách miễn thuế...

Thuỵ Yến (FT, WSJ, Bloomberg)

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Sau nhiều tranh cãi, Bernanke tiếp tục làm Chủ tịch Fed (29/01/2010)

>   Lạc quan giúp dầu trở lại trục tăng giá (28/01/2010)

>   Vận chuyển hàng không quốc tế thấp kỷ lục (28/01/2010)

>   Khai mạc WEF: Nỗi lo của giới kinh doanh (27/01/2010)

>   Trung Quốc thành lập ủy ban năng lượng quốc gia (27/01/2010)

>   Nguyên nhân thực sự khiến Japan Airlines "gẫy cánh" (27/01/2010)

>   212 triệu người trên thế giới đang thất nghiệp (27/01/2010)

>   Nông nghiệp đóng góp cấp số nhân vào sự phát triển kinh tế (27/01/2010)

>   UNCTAD: Thế giới cần hệ thống kinh tế toàn cầu mới (27/01/2010)

>   ALBA thúc đẩy thương mại nội khối bằng đồng Sucre (26/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật