Jetstar Pacific đã lỗ còn phung phí
Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) năm ngoái lỗ 546 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến 31/12/2008 là 1.137 tỷ đồng. Trong khi đó, hãng vẫn trả lương cho Ban lãnh đạo với mức rất cao, không tương xứng với kết quả hoạt động của công ty.
Đây là kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố ngày 2/12, sau khi tham gia kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2008 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - đơn vị đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, nắm giữ hơn 70% cổ phẩn tại JPA.
Mất 31 triệu USD do tính toán sai
Đóng góp vào sự thua lỗ đó chính là việc JPA ký hợp đồng Hedging (mua trước với mức giá cố định để phòng ngừa rủi ro) trong việc dự trữ xăng dầu vào thời điểm giá thế giới rất cao.
Báo cáo của KTNN nêu rõ, hai Phó Tổng giám đốc của JPA đã thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 từ tháng 7/2008 đến tháng 5/2009 mà không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện và không báo cáo HĐQT. Do vậy, Ban điều hành đã làm cho công ty lỗ hơn 31 triệu USD (tương đương khoảng 600 tỷ đồng tỷ giá hiện nay).
Trong khi đó, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN, cho biết, Nghị quyết HĐQT của JPA chỉ đồng ý cho phép thực hiện việc mua xăng phòng ngừa giá lên cao đến hết tháng 12/2008.
Diễn biến giá dầu năm 2008 thì đúng thời điểm đầu và giữa tháng 7, mức giá lên đỉnh và đạt mốc 145 USD/thùng, song, sau đó sụt giảm dần và chỉ còn khoảng 44USD vào cuối năm 2008, thấp nhất là gần 30 USD/thùng hồi giữa 2/2009. Song, hợp đồng Hedging của JPA kéo dài tới tận tháng 5/2009.
Sự "vượt rào" trong việc ra quyết định liên quan đến mua dự trữ xăng dầu của hai vị Phó Tổng giám đốc khiến JPA thua lỗ triền miên. Năm ngoái, hãng lỗ 546 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến 31/12/2008 là 1.137 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đến hết năm 2008 là âm 121 tỷ đồng.
Con số thua lỗ còn kéo dài đến hết 6 tháng đầu năm 2009, bắt đầu từ tháng 7/2009, hãng hàng không này mới tuyên bố hòa vốn và bắt đầu kinh doanh có lãi.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như vậy, thua lỗ kéo dài, song, công ty vẫn trả lương cho Ban lãnh đạo với mức thu nhập rất cao. Ông Khái nói rằng, tuy không biết con số cụ thể do KTNN không trực tiếp kiểm toán JPA và ban lãnh đạo Hãng có người nước ngoài, song, theo ông Khái biết thì lương của cán bộ ViệtNam không quá cao nhưng lãnh đạo nước ngoài thì rất cao.
Do vậy, KTNN đã kiến nghị SCIC phải tổ chức làm rõ, xem xét việc chi trả quỹ tiền lương cho thành viên HĐQT, Ban điều hành tại JPA từ năm 2007 đến nay.
Đặc biệt, kiểm tra và xác định nguyên nhân gây thua lỗ và việc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu không theo quy định, dẫn tới thua lỗ kéo dài tại JPA. Kết quả xử lý như thế nào SCIC phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và KTNN.
Với Bộ Tài chính, KTNN cũng kiến nghị chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của HĐQT SCIC cũng trách nhiệm của các cá nhân, tập thể Ban lãnh đạo JPA.
"Vung tay quá trán" khi chi trả lương
Liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của SCIC, KTNN cũng yêu cầu tập đoàn siêu vốn Nhà nước này phải nộp lại NSNN số tiền thuế 25,2 tỷ đồng tính đến 31/12/2008. Trong đó, KTNN phát hiện tăng thêm gần 23,5 tỷ đồng từ thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân.
Nguyên nhân, theo ông Lê Minh Khái, là do SCIC đã chi tiền lương vượt nhiều lần mức cho phép.
Chẳng hạn, quỹ tiền lương của lãnh đạo Tổng công ty được duyệt là 1,47 tỷ đồng, nhưng thực tế năm 2008 đã chi trả 2,642 tỷ đồng, vượt quỹ lương đựơc duyệt gần 1,17 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC khi xây dựng trình Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TBXH là 40 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế năm 2008, thu nhập lên tới 78,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch.
KTNN cho rằng, lý do để SCIC chi trả tiền lương tăng vượt mức có thể do tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Hơn nữa, lương biên chế là 130 người, nhưng thực tế phải chi trả là 180 người.
Song, cũng không thể phủ nhận là có tình trạng kê khai việc làm thêm giờ chưa hợp lý khiến chi phí tăng. Chẳng hạn, chi phí làm thêm tại SCIC nhiều trường hợp chi vượt tới 200 giờ/năm theo quy định của Nhà nước, thậm chí có trường hợp vượt trên 500 giờ, với tổng số tiền là 504 triệu đồng. Do vậy, riêng về chi tiền lương, KTNN kiến nghị thu hồi 3,8 tỷ đồng.
Từ những sai phạm này, KTNN kiến nghị SCIC kiểm điểm, lãm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể để xảy ra sai sót về chế độ tài chính, kế toán năm 2008, không tham mưu kịp thời trong việc xây dựng đơn giá tiền lương để lãnh đạo SCIC báo cáo lên các bộ liên quan để xử lý theo quy định.
Trong việc này cũng có trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TBXH trong việc phê duyệt đơn giá tiền lương của SCIC.
Bàn giao vốn về SCIC vẫn chậm
Theo KTNN, tổng tài sản, nguồn vốn của SCIC tại thời điểm 31/12/2008 là 40.718 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 27.302 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu 13.416 tỷ đồng. Năm 2008, tổng thu nhập của SCIC là 2.268 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2007; tổng chi phí là 929,8 tỷ đồng, tăng tới 237%.
Ông Lê Minh Khái đánh giá, nhìn chung, tuy thực hiện chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới được 2 năm, SCIC đã thực hiện khá hiệu quả hai chức năng là tiếp nhận các DN cổ phần và đại diện phần vốn Nhà nước.
Tỷ lệ doanh thu hoạt động đầu tư kinh doanh vốn trên tổng số vốn đầu tư đến 31/12/2008 đạt tỷ lệ 27%. Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên vốn đầu tư của chủ sở hữu đạt 12,4%, thu nhập về cổ tức năm 2008 trên vốn đầu tư tại DN là 17,5%.
Tuy nhiên, KTNN đánh giá, việc bàn giao vốn từ các Bộ, ngành địa phương về SCIC vẫn chậm. Đến hết năm 2008, ước tính khoảng 300 DN độc lập đã cổ phần hoá với số vốn 5.000 tỷ đồng nhưng các Bộ, ban, ngành chưa bàn giao về SCIC.
Hà Yên
Vietnamnet
|