MSN - Cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 8 chào sàn HOSE
(Vietstock) – Sáng 05/11, hơn 476 triệu cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Ma San (Masan Group) giao dịch phiên đầu tiên tại Sở GDCK TPHCM (HOSE). Thời gian qua, trong giai đoạn tăng trưởng của thị trường, các mã cổ phiếu mới chào sàn thường tăng trần và thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Việc MSN chào sàn lúc thị trường đang có sự điều chỉnh mạnh như hiện nay thì số phận cổ phiếu này vẫn còn là một bí ẩn.
Masan Group đưa giá tham chiếu dự kiến cho cổ phiếu MSN khi lên sàn là 36,000 đồng/cp. Như vậy, giá trị vốn hóa ước tính của Masan vào khoảng 17,150 tỷ đồng và trở thành một trong 8 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE (chỉ sau các công ty có mã chứng khoán VCB, CTG, VNM, EIB, HAG, BVH, STB). Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang giảm mạnh (VN-Index rớt từ hơn 620 điểm xuống dưới 540 điểm), với 476,399,820 cổ phần MSN được đưa lên sàn có thể làm tăng thêm áp lực cho sức mua vốn đang suy yếu của thị trường.
Masan Group tiền thân là CTCP Hàng hải Ma San (MSC), có vốn điều lệ ban đầu 3.2 tỷ đồng. Qua 6 đợt tăng vốn từ 2004 đến tháng 10/2009, Masan Group hiện có vốn điều lệ 4,763 tỷ đồng. Tập đoàn này đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng thị trường sản xuất thực phẩm với các dòng sản phẩm chủ lực như nước tương, nước mắm, mì ăn liền…
Hiện tại Masan đang nắm giữ 72.8% vốn CTCP Thực phẩm Masan (Masan Food), đơn vị mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận chủ yếu trong năm qua của tập đoàn. Trong đó, hai công ty con của Masan là Công ty TNHH MTV Tư vấn Hoa Bằng Lăng và Công ty TNHH MTV Tư vấn Hoa Phong Lan hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư cũng lần lượt nắm giữ 11% và 7% cổ phần tại Masan Food. Bên cạnh, tập đoàn đang có 19.99% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Masan Food chuyên sản xuất các mặt hàng thực phẩm quen thuộc trên thị trường như nước tương, nước mắm Chin-Su, Nam Ngư, mì ăn liền Omachi, Tiến Vua, hạt gia vị, hạt nêm Chin-Su, tương ớt... Theo thống kê của Euromonitor, tại thời điểm tháng 12/2008, Masan Food đang chiếm 62.8% thị phần của ngành hàng nước tương; 19.4% thị phần của ngành hàng nước mắm, 25.5% thị phần của ngành hàng tương ớt và 9.5% giá trị thị trường ngành hàng nước dùng, viên súp, hạt nêm. Đây là một thế mạnh và thành công cực lớn của Masan.
Về cơ cấu sở hữu tại Masan, tính đến tháng 10/2009, cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 11.96% cổ phần, trong đó BI Private Equity New Market II K/S (của Bank Invest) nắm giữ 10.15%. Ngoài ra, Texaz Pacific Group (TPG Growth) nắm giữ 630 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Masan Group có thể chuyển đổi sang cổ phiếu từ tháng 4/2011.
Cùng với công ty con Masan Food, Masan Group được đánh giá là một trong những tập đoàn kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam và đang giữ vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm. Các mặt hàng quen thuộc của Masan Food như nước tương, nước mắm, tương ớt; đồng thời, dòng sản phẩm mì ăn liền cũng đang chiếm lĩnh một vị trị nhất định trên thị trường.
Như đã nói ban đầu, với số phần nắm giữ 72..8% tại Masan Food, các hoạt động kinh doanh của Masan Food có tác động mạnh đến Masan Group. Theo báo cáo, kết quả kinh doanh trong 8 tháng năm 2009 của Masan Group gần như là của Masan Food. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 2,212 tỷ đồng, các khoản chí phí và giá vốn chiếm 1,898 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 8 tháng đầu năm đạt 319.77 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu tài chính của Masan Group trong thời gian tới
Có thể nói, lĩnh vực bán lẻ và phân phối đang có nhiều tiềm năng và hấp dẫn ở thị trường tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự ổn định của các nguồn nguyên liệu, các kiểm soát về chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với từng phân xưởng, nhà máy tại Masan Food sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công ty nói riêng và của Tập đoàn. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ khoản đầu tư góp vốn vào Techcombank được xem là rất lớn và chưa được định giá lại. Điều này cũng là hứa hẹn và thách thức lớn cho sự tăng trưởng bền vững của mã cổ phiếu MSN sau ngày chào sàn.
Xuân Anh
|