Thứ Ba, 24/11/2009 15:53

Maxis IPO lớn nhất trong lịch sử ASEAN

Ngày 19/11/2009, Maxis Bhd, tập đoàn cung cấp dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) lớn nhất Malaysia đã thực hiện thành công việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK Kuala Lumpur (Malaysia). Maxis đã bán ra 2,25 tỷ cổ phiếu (tương đương 30% cổ phần) với giá chào bán ban đầu là 5,0 ringgit/cổ phiếu (1,49 USD/cổ phiếu). Vào cuối phiên giao dịch, giá cổ phiếu của Maxis đã đứng ở mức 5,46 ringgit/cổ phiếu, tăng 9,2%.

Với tổng giá trị hơn 3,3 tỷ USD, IPO của Maxis trở thành IPO lớn nhất ở ASEAN từ trước đến nay và cũng là IPO lớn thứ hai trong lĩnh vực viễn thông ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ năm 2000.

Với giá trị vốn hoá thị trường là 40,6 tỷ ringgit (12,02 tỷ USD), Maxis là công ty niêm yết lớn thứ 4 trên Thị trường chứng khoán Malaysia (Bursa Malaysia) và là công ty viễn thông lớn thứ 3 ở khu vực ASEAN. Trong đợt phát hành này, 90% cổ phiếu được dành cho các nhà đầu tư tổ chức. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua tới 65% lượng cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư tổ chức. 70% cổ phần còn lại của Maxis (không được đem bán) thuộc về tỷ phú Ananda Krishnan (sở hữu 45% cổ phần) và Tập đoàn Viễn thông Saudi Telecom của Saudi Arabia (nắm giữ 25% cổ phần).

Theo xếp hạng mới nhất của Tạp chí Forbes (Mỹ), ông Ananda Krishnan là tỷ phú giàu thứ 2 Malaysia (sau ông Robert Kuok), với tổng tài sản ước tới 7 tỷ USD. Ngoài 45% cổ phần của Maxis, ông Ananda Krishnan hiện còn sở hữu một số lượng lớn cổ phần ở Hãng truyền hình cáp Astro, Công ty năng lượng Tanjong, Hãng cung cấp dịch vụ từ vệ tinh Measat...

Maxis Communications, công ty mẹ của Maxis Bhd hiện còn có 2 công ty con nữa hoạt động ở Indonesia và Ấn Độ. Cả hai công ty con này lẫn bản thân Maxis Communications đều chưa lên sàn.      

Theo các chuyên gia viễn thông, thị trường ĐTDĐ của Malaysia đã gần như bão hoà, Maxis hiện chiếm 40% thị phần ĐTDĐ ở Malaysia, tiếp theo Celcom chiếm 34% thị phần..., nên về lâu dài, tiềm năng phát triển ở thị trường Malaysia không còn lớn nữa. Song nhờ sự hỗ trợ và tư vấn hết sức chuyên nghiệp của các tổ chức tài chính lớn như CIMB (Malaysia), Goldman Sachs (Mỹ), Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), đội ngũ tiếp thị của Maxis đã tiếp cận được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và đưa ra thông điệp rất hấp dẫn là: “Vốn huy động được từ IPO sẽ được Maxis Communications tập trung đầu tư cho Hãng Airtel Ltd (Ấn Độ) và PT Natrindo Telephon Seluler (Indonesia), hai tập đoàn ĐTDĐ mà Maxis Communications đang có cổ phần lớn”. Ấn Độ và Indonesia, hai thị trường lớn này mới chính là yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Vui mừng trước màn ra mắt đầy ấn tượng của Maxis, Chủ tịch Maxis Bhd Arshad Raja Tun Uda phát biểu với báo giới: “Kết quả IPO của Maxis đã phần nào vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Tuy dự kiến, giá cổ phiếu của Maxis có thể tăng tới 10%, song 9,2% cũng là kết quả quá tốt rồi”.

Trên thực tế, Maxis không phải là “lính mới tò te” ở Thị trường chứng khoán Malaysia, bởi cổ phiếu của Maxis đã từng được thường xuyên giao dịch trên sàn chứng khoán, song cách đây hơn 2 năm, tỷ phú Ananda Krishnan đã mua lại toàn bộ Maxis và huỷ niêm yết cổ phiếu Maxis. Vì thế, thực ra, với IPO vừa qua, Maxis chính thức trở lại “ngôi nhà xưa”.

Theo tờ The Wall Street Journal, không phải bỗng dưng mà Maxis quay lại sàn giao dịch, mà có sự động viên, thuyết phục của Chính phủ Malaysia sau khi vừa ban hành chính sách mới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tháng 7 vừa qua, đích thân Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak đã có cuộc gặp riêng với tỷ phú Ananda Krishnan với nội dung trao đổi duy nhất là bàn về việc Maxis thực hiện IPO.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Datuk Seri Ahmad Husni Hanadzlah nhận xét: “IPO của Maxis đã đánh dấu một mốc mới cho Thị trường chứng khoán Malaysia. Việc trở lại của Maxis đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế tới thị trường vốn Malaysia”.

Nhiều nhà phân tích nhận định, lần đầu tiên, khu vực ASEAN mới được chứng kiến một IPO có giá trị trên 3 tỷ USD. Cho đến nay, mới chỉ có 5 IPO ở khu vực này có giá trị vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD (xem bảng). Chính vì thế, cần phải ghi nhận IPO vừa qua của Maxis là một hiện tượng đáng chú ý trong khu vực.

Theo kết quả thống kê mới nhất, kể từ đầu năm cho đến thời điểm này, IPO của Maxis đang được xếp ở vị trí thứ 6 trong số 10 IPO lớn nhất của năm 2009. Trong Top 10 IPO lớn nhất này có tới 6 IPO của khu vực châu Á. Điều này chứng tỏ châu Á vẫn đang là khu vực hết sức năng động trong hoạt động IPO.         

Trung Hiếu

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Dow Jones trở lại mức cao 13 tháng, vàng vượt 1,170 USD/oz (24/11/2009)

>   Đợi tin kinh tế Mỹ, chứng khoán Châu Á xáo trộn (23/11/2009)

>   Đài Loan hạn chế Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực chiến lược (23/11/2009)

>   Wall Street năm 2010: Triển vọng và dự đoán  (23/11/2009)

>   Wall Street ra sao trong ngày Thứ Sáu đen tối? (21/11/2009)

>   Trải qua 3/5 phiên giảm điểm, Dow Jones vẫn tăng 0.5%/tuần (21/11/2009)

>   Hãng Sony công bố chiến lược kinh doanh mới (20/11/2009)

>   Lo sợ giảm phát, BOJ vẫn giữ nguyên lãi suất (20/11/2009)

>   Tokyu muốn rút vốn khỏi hãng Japan Airlines (20/11/2009)

>   Tỷ phú Ấn Độ giàu lên trong khủng hoảng (20/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật