Thứ Năm, 19/11/2009 11:37

London hay New York sẽ là quán quân tài chính? 

Theo xếp hạng năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), London đã chính thức soán ngôi trung tâm tài chính số 1 thế giới từ tay New York bất chấp những khó khăn kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Chỉ số Phát triển Tài chính 2009 của WEF đã xếp hạng 55 nước theo sự tinh tế và ổn định của các thị trường tài chính và hệ thống tiền tệ.

Các nước được đánh giá dựa vào hơn 120 tiêu chí từ sự thuận lợi của môi trường kinh doanh và môi trường cho các cơ quan hoạt động cho tới quy mô của các thị trường trái phiếu và cổ phiếu, từ cơ sở hạ tầng công nghệ và tiền vốn cho tới việc dễ dàng cho vay tiêu dùng và thương mại.

Có lẽ bất ngờ nhất của bảng xếp hạng năm nay là Anh đã vượt từ hạng hai năm ngoái lên hạng nhất, cho dù kinh tế trong nước còn khó khăn. Anh vươn lên mạnh mẽ nhờ vào thế mạnh của các thị trường tài chính, nhất là thị trường ngoại hối và phái sinh, cũng như lĩnh vực bảo hiểm vượt trội.

Trong khi đó dù từng đứng đầu bảng trong lần xếp hạng đầu tiên của WEF vào năm ngoái, nhưng sang năm nay New York lại rơi xuống hạng ba. Cho dù vẫn được coi là giàu nhất thế giới, nhưng chính sự bất ổn tài chính và hệ thống ngân hàng đáng lo ngại đã làm thành phố này mất điểm.

Còn Australia lại có bước tiến ngoạn mục khi nhảy tới 9 bậc và qua mặt cả New York để chiếm hạng hai nhờ sự ổn định tài chính lớn hơn, nợ nước ngoài thấp và dễ dàng tiếp cận tín dụng tiêu dùng.

Các kết quả đó sẽ càng đổ thêm dầu vào cuộc tranh cãi liệu London hay New York mới xứng đáng là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Có lẽ sự thăng hạng của Anh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi đất nước này vẫn chìm trong suy thoái kinh tế. Còn Mỹ dù sao kinh tế cũng đã trở lại tăng trưởng lần đầu tiên vào quý III.

Môi trường cho các tổ chức hoạt động ở Anh cũng gây sức ép lên thứ hạng của họ trong bảng xếp hạng năm tới khi Chính phủ trong những tháng gần đây bị chỉ trích can thiệp quá mức vào lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, còn có mối quan ngại ngày càng gia tăng về các quy định nhiều hơn và thuế cao hơn, những nhân tố khiến các quỹ dự phòng có trụ sở tại London và các trung gian tài chính khác chuyển địa điểm sang các nơi khác.

Chắc chắn tổng điểm của các nền kinh tế phát triển nhất giảm rất mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng và những nước hứng chịu nhiều nhất nằm trong nhóm các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn nhất. Pháp và Đức, hai nước từng chiếm các vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng năm ngoái, đã rơi khỏi tốp 10, xuống hạng 11 và 12 năm nay.

Chính quy mô và hệ thống tài chính mang tính toàn cầu đã làm hai nước này bị tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu mạnh hơn các nước khác. Việc rớt hạng của các nước công nghiệp hóa như Đức và Pháp đã tạo cơ hội cho các nước đang phát triển như Brazil, Chile và Malaysia thu hẹp khoảng cách với các nước phương Tây.

Theo giáo sư kinh tế Nouriel Roubini thuộc Đại học New York, một số nước đang phát triển đã rút ra những bài học quý giá từ những sai lầm của các cuộc khủng hoảng đã từng xảy ra trước kia, còn một số nước khác bộc lộ hệ thống tài chính chưa hội nhập.

Nhưng các nền kinh tế đang nổi có cách đi riêng trước khi bắt kịp với các nền kinh tế phát triển hơn. Một số có cơ sở hạ tầng kém phát triển, hành lang pháp lý thiếu rõ ràng hoặc quản trị doanh nghiệp yếu kém.

Hầu như rất ít nước ghi được điểm về khả năng tiếp cận tài chính cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ. Đó là tín dụng và các dịch vụ của ngân hàng bán lẻ như tài khoản tiết kiệm, tín dụng nhỏ, thẻ ATM.

Việc Australia qua mặt Mỹ đã kích thích sự tò mò của nhiều người. Lý giải cho điều đó, ông James Bilodeau thuộc WEF và là đồng tác giả báo cáo với ông Roubini cho biết, ban đầu họ chỉ dự đoán sự ổn định tương đối của hệ thống ngân hàng Australia để củng cố thứ hạng, nhưng rồi chính họ cũng bị bất ngờ trước những bước tiến đáng kể của xứ sở Kangaroo.

Ngoài Australia, tất cả các nước lọt vào tốp 10 năm nay đều bị mất điểm đáng kể. Điều đó cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm rung chuyển phần lớn các hệ thống tài chính chủ chốt của thế giới.

Những gì cho phép Brazil hay Mỹ vẫn giữ được gần các thứ hạng đầu là nhờ tính tới một số nhân tố khác. Cho dù các thị trường dễ bị tổn thương, nhưng các nước đầu bảng vẫn đưa ra nhiều loại hình vốn, minh bạch tài chính hơn và có các lợi thế hạ tầng.

Đó chính là các nhân tố sẽ giúp họ vẫn giữ được vị trí trong nhóm các nước đi đầu trong phát triển tài chính trong những năm tới.

Nhưng dù sao việc Anh và Mỹ để mất khá nhiều điểm trong bảng xếp hạng cũng báo hiệu sự dẫn đầu của họ có nguy cơ bị các nước khác soán ngôi.

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Thị trường nhà ở kém khởi sắc, Wall St. điều chỉnh (19/11/2009)

>   Nợ công của Mỹ lần đầu tiên vượt 12.000 tỷ USD (18/11/2009)

>   Chứng khoán Châu Á và hai xu hướng khi NĐT thận trọng (18/11/2009)

>   Xin lỗi kiểu Goldman Sachs (18/11/2009)

>   Thảo luận: Quản lý rủi ro trong một thế giới mới (Phần 3) (18/11/2009)

>   Wall Street đứng vững trên mức cao 13 tháng (18/11/2009)

>   Shanghai giữ sắc xanh trong ngày điều chỉnh nhẹ của CK Châu Á (17/11/2009)

>   HSBC bán trụ sở (17/11/2009)

>   Thảo luận: Quản lý rủi ro trong một thế giới mới (Phần 2) (17/11/2009)

>   S&P 500 chinh phục mốc 1,100; vàng sát ngưỡng 1,140 USD/oz (17/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật