Thứ Hai, 16/11/2009 18:50

Kẽ hở lưu ký chứng khoán

Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lôi kéo khách VIP bằng cách cho khách bán (chứng khoán) CK vào ngày T+2, T+3, thậm chí T+1 do lợi dụng được kẽ hở trong hệ thống lưu ký hiện nay. Điều này không chỉ dẫn đến rủi ro cho chính CTCK mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại lớn cho thị trường.

Lạm dụng đòn bẩy tài chính

Việc cho khách bán CK trước ngày T+3 đang trở thành một trong những chiêu đòn bẩy tài chính hút khách hết sức hữu hiệu của các CTCK. Về cơ bản, lệnh mua đã được khớp, nhưng CK chưa về tài khoản, CTCK cho khách bán như vậy là bán khống. Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng có thể thực hiện được đòn bẩy tài chính này. Trước hết, CTCK phải có tiềm lực tài chính nhất định, không nhất thiết phải có nghiệp vụ tự doanh nhưng dư tổng CK phải lớn. Với T+3, CTCK có thể áp dụng cho cả khách thường và khách VIP, song với T+2 và T+1 thì chỉ áp dụng cho khách VIP vì mức độ rủi ro cao hơn.

Một nhà đầu tư lâu năm cho biết mỗi ngày anh nhận được không dưới 10 lời mời mở tài khoản tại các CTCK khác nhau, với lời mời bán CK trong ngày T+3 là chủ yếu. Khoảng 15 giờ trong ngày T+3, CK mới về tài khoản. Theo luật và giờ giao dịch thì sang sáng ngày hôm sau (tức 4 ngày sau khi mua, CK mới về đến tài khoản) nhà đầu tư mới được bán. Nhưng vì là khách VIP, nhà đầu tư có thể bán CK ngay trong sáng ngày T+3, chiều CK về, CTCK sẽ thực hiện thanh toán bù trừ như bình thường. Theo thông lệ, cuối ngày bên CTCK mới thực hiện thanh toán bù trừ và báo về Trung tâm Lưu ký (TTLK) CK. Với T+2, T+1, cũng thực hiện tương tự.

Mỗi CTCK lại đặt ra những tiêu chuẩn khác nhau khi cho khách sử dụng đòn bẩy này, có nơi tính theo giá trị tài khoản của khách, có nơi lại tính theo giá trị giao dịch hàng tháng. Thông thường, nếu tính theo giá trị tài khoản là tối thiểu 3 tỷ đồng, nếu tính theo giá trị giao dịch hàng tháng là 20 tỷ đồng trở lên. Hồi tháng 8, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước đã có Công văn 1748/UBCK-QLKD về việc các CTCK không được thực hiện việc bán hoặc cho khách bán CK khi chưa sở hữu CK và cho khách vay CK để bán. Tuy nhiên, với hệ thống lưu ký bất cập như ở nước ta, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước gặp phải không ít khó khăn trong việc quản lý nghiệp vụ này.

Kẽ hở trong quản lý

Hiện nay, các nước trên thế giới có 2 mô hình hệ thống lưu ký. Với hệ thống lưu ký 2 cấp, TTLK chỉ lưu ký dư tổng của các CTCK thành viên, CTCK thành viên sẽ lưu ký chi tiết đến từng tài khoản khách hàng. Còn với hệ thống lưu ký một cấp, TTLK sẽ thanh toán bù trừ trực tiếp cho từng khách hàng.

Nước ta đang sử dụng hệ thống lưu ký 2 cấp nên không thể kiểm soát được chi tiết trong 1 ngày có những ai bán ra và mua vào những mã nào, mà chỉ biết được số dư tổng của các CTCK thành viên trong mỗi ngày. Hơn nữa, TTLK có tách riêng số dư tài khoản tự danh của CTCK và số dư tổng khách hàng của công ty đó ra để dễ quản lý, nhưng trên thực tế một số CTCK vẫn có thể thực hiện lệnh bán khống cho mình.

Một nhân viên CTCK cho biết anh đang quản lý hơn 100 tỷ đồng tự doanh của công ty, việc đưa ra những quyết định đầu tư thường rất khó khăn, nhiều khi anh bán luôn CK vừa mua vào T + 1 vì nhận thấy quyết định đầu tư của mình không hợp lý dù CK chưa về tài khoản. Để làm được như vậy, anh chỉ cần dùng tài khoản cá nhân làm tự doanh cho công ty.

Gậy ông đập lưng ông

“Khách hàng là thượng đế”, nhưng không phải lúc nào việc chiều khách hàng cũng tốt, đôi khi chính CTCK phải hứng chịu hậu quả. Sự việc vỡ lở khi xảy ra tranh chấp giữa các khách hàng hoặc giữa khách hàng VIP đó với CTCK. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã xử phạt CTCK Quốc tế Hoàng Gia 50 triệu đồng vì đã vi phạm quy định tài khoản 9 Điều 71 Luật CK để cho khách hàng thực hiện giao dịch bán CK FPT, ACB, VSP, SSI khi chưa sở hữu CK.

Một số phiên xả hàng ồ ạt vừa qua được cho là hệ quả của việc sử dụng rộng rãi đòn bẩy tài chính. Vì thế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang tiến hành thanh tra hoạt động của các CTCK. Đây là đợt kiểm tra thường lệ hàng năm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, mỗi năm 1 hoặc 2 lần. Một số CTCK mới cũng đã hoàn thành kế hoạch thực hiện đòn bẩy tài chính cho khách VIP nhưng nghe tin có đợt kiểm tra định kỳ nên hoãn lại chờ thời điểm thích hợp để triển khai.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường- Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết: “TTLKCK đang đầu tư nâng cấp hệ thống lưu ký, việc thanh toán bù trừ vẫn thông qua thành viên lưu ký nhưng TTLK sẽ theo dõi trực tiếp đến từng tài khoản của khách hàng. Hệ thống này có thể sẽ được triển khai vào cuối năm nay. Với hệ thống mới, khi thực hiện chốt quyền, TTLK có thể dễ dàng phát hiện ra những hành vi vi phạm như mở nhiều tài khoản mà chỉ sử dụng một chứng mình thư, dư tổng CK của thành viên lưu ký bị vênh so với số CK có trong tài khoản của khách hàng”.

Cũng theo ông Sơn, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang làm việc với TTLK và 2 sở thành viên, cố gắng rút thời hạn thanh toán đối với ngày CK về tài khoản của khách hàng là vào lúc 10 giờ ngày T+3 (hiện là khoảng 15 giờ). Khi đó, khách hàng có thể bán CK ngày nếu muốn, vì 10 giờ 30 (đối với sàn HOSE) và 11 giờ (với HNX) mới hết phiên. Trên cơ sở đó có thể sẽ sớm mở thêm giao dịch ở HOSE và HNX vào buổi chiều.

Khánh Ly

Tổ quốc

Các tin tức khác

>   TIE được niêm yết hơn 9.56 triệu cp tại HOSE (16/11/2009)

>   Hung Vuong Corp được niêm yết 60 triệu cp tại HOSE (16/11/2009)

>   MHC giao dịch bổ sung hơn 1.76 triệu cổ phiếu từ 20/11 (16/11/2009)

>   DIG giao dịch bổ sung 10 triệu cổ phiếu từ 20/11 (16/11/2009)

>   VWC sắp niêm yết trên sàn HNX (16/11/2009)

>   Imexco lưu ký 3 triệu cp chuẩn bị lên sàn UPCoM (16/11/2009)

>   Agriseco chốt DS đăng ký lưu ký 120 triệu cp (16/11/2009)

>   KMR sẽ niêm yết cp bổ sung vào cuối tháng 12/2009 (16/11/2009)

>   PECC3 được niêm yết 2.94 cp tại HNX (13/11/2009)

>   PLC được chấp thuận nguyên tắc niêm yết bổ sung hơn 4.03 triệu cp (13/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật